Facebook từng đối mặt với những người tố cáo, bão chỉ trích về quảng cáo và các cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ. Song, hãng chưa từng đương đầu cả 3 cùng lúc như hiện nay.
Hôm 22.10, một nhóm gồm 17 hãng thông tấn Mỹ, trong đó có CNN bắt đầu cho đăng tải loạt bài gọi chung là "Hồ sơ Facebook", dựa trên hàng trăm tài liệu nội bộ bị rò rỉ của công ty, bao gồm cả những phần được trích dẫn trong các đơn tố cáo của Frances Haugen, cựu cố vấn pháp lý cho Facebook gửi Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cũng như Quốc hội Mỹ.
Tổng Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg |
Các bài viết đề cập đến nhiều bí mật động trời của mạng xã hội đông người dùng nhất hành tinh, từ cách các nhóm phối hợp trên Facebook gây bất hòa và bạo lực, các thách thức của nền tảng này trong việc kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh đến việc những kẻ buôn người đã lợi dụng nó để dụ dỗ các nạn nhân.
Việc báo chí công bố "Hồ sơ Facebook", trong đó có cả những lo ngại về ảnh hưởng của Instagram với trẻ gái vị thành niên, đã khiến một tiểu ban của Thượng viên Mỹ yêu cầu Antigone Davis, lãnh đạo an toàn toàn cầu của Facebook phải ra điều trần. Bản thân Haugen cũng ra điều trần trước cơ quan này và cô đã tuyên bố tại đó rằng, bản thân tin "các sản phẩm của Facebook đang gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ" của Mỹ.
Hiện vẫn chưa phải là hồi kết cho những rắc rối của Facebook. Cuối tuần trước, một cựu nhân viên ẩn danh khác đã đệ đơn khiếu nại công ty lên SEC, với những cáo buộc tương tự như của Haugen. Các thành viên của tiểu ban Thượng viện đã yêu cầu Tổng Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần.
Facebook trước đây từng đối mặt với những bê bối liên quan cách tiếp cận của mạng xã hội này về quyền riêng tư dữ liệu, kiểm duyệt nội dung và các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, kho tài liệu "khủng" mới bị rò rỉ và nhiều câu chuyện chắc chắn vẫn còn tiếp diễn từ đó, đang đụng chạm tới những vấn đề và mối quan ngại về hầu hết mọi lĩnh vực kinh doanh của Facebook, kể cả cách ứng phó những phát biểu thù hận và tin giả, cách quản lý sự phát triển quốc tế hay bảo vệ những người dùng trẻ hơn trên nền tảng và thậm chí là khả năng đo lường chính xác quy mô của lượng người dùng khổng lồ.
Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi hóc búa đối với cho công ty: Liệu Facebook thực sự có khả năng kiểm soát nguy cơ về những thứ gây hại cho thế giới thực từ các nền tảng lớn đến kinh ngạc của mình hay không hoặc có phải mạng xã hội này đã phát triển lớn đến mức không thể sụp đổ?
Nỗ lực đảo ngược tình thế
Facebook đã nhiều lần cố gắng làm mất uy tín của Haugen, đồng thời cáo buộc những lời điều trần và tố cáo của cô đã làm sai lệch những hành động cũng như nỗ lực của công ty.
"Những câu chuyện này bắt nguồn từ một tiền đề sai lầm. Đúng, chúng tôi là một doanh nghiệp và chúng tôi tạo ra lợi nhuận, nhưng ý tưởng rằng chúng tôi làm như vậy bất chấp sự an toàn hay sức khỏe của mọi người là hiểu lầm về những lợi ích thương mại chúng tôi đem lại", phát ngôn viên của Facebook cho biết trong một tuyên bố mới gửi CNN.
Trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội tuần trước, John Pinette, Phó Chủ tịch truyền thông của công ty đã gọi Hồ sơ Facebook là "việc cố tình trích lược hàng triệu tài liệu" của công ty, có thể nhằm mang đến những kết luận không công bằng về doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số ý kiến phản bác rằng, nếu Facebook có nhiều tài liệu phản ánh câu chuyện đầy đủ hơn, tại sao họ lại không công bố chúng. Khi điều trần trước Thượng viện Mỹ, giám đốc an toàn toàn cầu của Facebook chỉ nói, công ty đang "tìm cách để công khai nhiều nghiên cứu hơn".
Hôm 21.10, ban giám sát độc lập của Facebook thậm chí lên tiếng cáo buộc công ty sẽ không "công bố đầy đủ" các chi tiết về chương trình Kiểm tra chéo, vốn được tin đã bảo vệ hàng triệu người dùng VIP khỏi các quy tắc kiểm duyệt nội dung thông thường trên mạng xã hội này.
Thay vào đó, Facebook được cho là đang lên kế hoạch đổi tên thương hiệu sang một cái tên mới trong tuần này, khi làn sóng tố tội vẫn tiếp tục. Động thái dường như nhằm đảo ngược tình thế, nhưng theo giới phân tích, "chiếc áo mới" sẽ không khắc phục được các vấn đề cơ bản được nêu trong các báo cáo rò rỉ trừ khi Facebook thực sự bắt tay cải tổ bên trong.
Ví dụ, tờ Wall Street Journal ngày 16.9 từng đăng tải một nghiên cứu nội bộ của Facebook về một băng nhóm buôn bán ma túy khét tiếng bạo lực ở Mexico, có tên gọi Cartél Jalisco Nueva Generación. Nhóm này vẫn sử dụng Facebook để đăng tải các nội dung bạo lực và tuyển dụng thành viên mới thông qua cụm từ viết tắt "CJNG", dù đã bị mạng xã hội đánh dấu là một trong những "tổ chức và cá nhân nguy hiểm" cần bị xóa nội dung.
Mãi tới khi CNN chất vấn hồi tuần trước, Facebook mới xóa những nội dung độc hại gắn với CJNG trên Instagram, kể cả hình ảnh súng ống, các video bắn giết hay chặt đầu người.
Theo lý giải của luật sư Haugen, Facebook đã không thể giải quyết những vấn đề như trên một phần vì ưu tiên lợi nhuận hơn lợi ích của xã hội và trong một một vài trường hợp là do thiếu khả năng xử lý nhiều rắc rối cùng lúc.
Phát ngôn viên Facebook nói, công ty đã đầu tư tổng cộng 13 tỷ USD kể từ năm 2016, kể cả cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo, để cải thiện tính an toàn của nền tảng này. Trong đó, 40.000 nhân viên chuyên trách các vấn đề an ninh và an toàn, bao gồm 15.000 người xét duyệt các nội dung bằng hơn 70 ngôn ngữ khác nhau tại hơn 20 địa điểm khắp thế giới.
Tuy nhiên, mức đầu tư của Facebook cho an ninh, an toàn bị cho là quá thấp so với mức doanh thu hàng năm lên tới 85 tỷ USD hồi năm ngoái. Đội ngũ chuyên trách của công ty cũng bị cho là quá mỏng so với nhu cầu thực tế khi Facebook tính đến tháng 9 năm nay đã có gần 2,9 tỷ người dùng.
Tương lai bất định
Trong khi sóng gió bên ngoài bủa vây, Facebook còn phải đối mặt với một thách thức ngày càng tăng từ bên trong là sự suy giảm niềm tin nhanh chóng của đội ngũ nhân viên. Nhiều tài liệu nội bộ cho thấy các quan ngại và sự hoài nghi của nhân viên về các hành động công ty cũng như những quyết sách của ban lãnh đạo.
Tin tốt đối với Facebook là Haugen cũng như nhóm hỗ trợ cô không muốn đóng cửa hay phân tách công ty. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện, nữ cố vấn pháp lý này vẫn bày tỏ tin tưởng vào khả năng đem lại những điều tốt đẹp của Facebook nếu công ty có thể giải quyết tận gốc những vấn đề nghiêm trọng trên các mạng xã hội.
Điều dư luận hiện vẫn chờ xem là liệu Facebook sẽ thay đổi tới mức nào để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại? Liệu công ty có chấp nhận dạng minh bạch và hợp tác mà Haugen, các nhà quản lý và dư luận đang kêu gọi hay chỉ đơn giản thay tên đối phó kiểu "bình mới, rượu cũ"?
Theo Vietnamnet