Hỏi: Ba năm trước vợ chồng tôi khó khăn nên đã cho con một tháng tuổi làm con nuôi gia đình khác, mọi thủ tục đều theo quy định của pháp luật. Hiện chúng tôi đã khấm khá hơn, mong muốn nhận lại con có được không?
VŨ THỊ CH. (Kinh Môn)
Trả lời: Điều 24 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác có liên quan. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác.
Kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Theo thông tin chị cung cấp, trước đây vợ chồng chị và cha mẹ nuôi của bé không có thỏa thuận khác về việc giao nhận con nuôi, nên mọi quyền và nghĩa vụ của vợ chồng chị (như trên) đã chuyển sang cho cha mẹ nuôi vào thời điểm giao nhận đứa bé.
Tuy nhiên, Điều 25 Luật nuôi con nuôi năm 2010 cũng có quy định các căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi như: con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.
Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, vợ chồng chị chỉ được nhận lại con khi có một trong các căn cứ nêu trên. Khi đó, vợ chồng chị cần làm đơn yêu cầu giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi, kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh có một trong các căn cứ trên và gửi đến tòa án cấp huyện nơi cha mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc để được giải quyết theo Điều 26 Luật nuôi con nuôi năm 2010, khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.