Cồn Cỏ - chiến hạm giữa trùng khơi

25/01/2017 09:07

Những ngày cận Tết, phóng viên 14 cơ quan báo chí cùng với đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân vượt sóng đến thăm, chúc Tết quân và dân Cồn Cỏ (Quảng Trị) - đảo tiền tiêu Tổ quốc.



Quân và dân đảo Cồn Cỏ đón đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

Tiền đồn bảo vệ chủ quyền biển đảo

Gần 4 giờ sáng, TP Đà Nẵng còn chìm sâu trong giấc ngủ, tàu kiểm ngư KN363 kéo một hồi còi dài để tạm biệt đất liền rồi chẻ đôi lớp sương mù đặc quánh trên cảng Tiên Sa hướng về Cồn Cỏ.

Trước lúc tàu rời bến, đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, Trưởng đoàn công tác liên tục nhắc nhở các thành viên: "Các bạn cần chuẩn bị thật tốt về sức khỏe và tinh thần vì chuyến đi này tưởng gần nhưng lại rất xa". Quả vậy, từ đất liền nếu qua cửa biển Cửa Tùng ra đảo chỉ 15 hải lý, song chuyến đi xuất phát từ vịnh Đà Nẵng nên đến đích phải trên 90 hải lý. Đi trong mùa biển động, tàu lớn, mức giãn nước gần 780 tấn nhưng vẫn phải lựa sóng, lựa gió. Vừa ra cửa vịnh, giọng thuyền trưởng Trương Mạnh Dũng đã sang sảng trên hệ thống loa nội bộ: "KN363 đi trên sóng lừng. Đề nghị những đồng chí không có nhiệm vụ không được lên boong". Sóng trùm lên tận cửa cabin. Nhiều thành viên dân sự trên tàu bắt đầu say sóng nghiêng ngả.

Tàu đi ngang sóng gió hơn 9 giờ liên tiếp thì Cồn Cỏ hiện ra dưới tấm áo khoác của bạt ngàn rừng nguyên sinh xanh thẫm. Điểm tô trong đó là những công trình kiên cố nổi bật giữa biển, giữa trời. Vươn mình lên không trung, in sắc nét vào nền trời xanh thẳm là trạm ra đa 540 (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải quân) - con mắt thần trấn giữ biển trời.

Dưới ánh nắng vàng ruộm hòa cùng tiếng sóng biển rì rào, trước Danh bia liệt sĩ đảo Cồn Cỏ, Đại tá Trần Bá Bình, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 3 Hải quân nghiêm trang: "Đứng trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân xin hứa: Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc". Đoàn cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân; đại diện lãnh đạo, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ nghiêng mình trước anh linh 102 anh hùng liệt sĩ hy sinh để giữ đảo trong chiến tranh chống Mỹ. Đài Tưởng niệm anh hùng đảo Cồn Cỏ còn ghi danh 30 bộ đội trực tiếp chiến đấu bảo vệ Cồn Cỏ. Các anh đến từ khắp các miền quê như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Nam Định... hy sinh trong giai đoạn tháng 3-1965 đến tháng 4-1972. Ngoài ra còn có 72liệt sĩ là bộ đội, dân quân phục vụ chiến đấu, toàn bộ quê Quảng Trị cũng hy sinh trong khoảng thời gian trên. Theo những gì ghi lại thì tất cả số liệt sĩ trên đều không tìm thấy xác, bởi tất cả đều hy sinh trên biển. Máu xương của các anh đã hòa cùng sóng, cùng gió để ngày nay Cồn Cỏ bừng lên giữa biển khơi như một chiến hạm uy nghi trấn giữ biển đảo quê nhà.

Đầu công nguyên, Cồn Cỏ đã từng có nhiều cư dân đặt chân đến và để lại các dấu tích. Từ thế kỷ XVII - XVIII, Cồn Cỏ là một điểm dừng chân của cư dân Đại Việt trên con đường buôn bán. Như vậy, đã từ lâu Cồn Cỏ được người Việt khám phá và đặt nền móng cho sự xác lập chủ quyền. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), một thời gian dài đảo chưa có người ở. Năm 1959, Mỹ, ngụy lăm le chiếm đảo, Trung đội 127ly (Trung đoàn 270) vượt sóng ra đảo. Đúng 11 giờ ngày 8-8-1959, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đảo, một lần nữa khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Với vị trí trọng yếu trong thế trận quốc phòng, Cồn Cỏ đi vào lịch sử dân tộc với vai trò là đảo tiền tiêu giữa biển. Chiếm Cồn Cỏ làm bàn đạp để phong tỏa vịnh Bắc Bộ là mưu đồ của đế quốc Mỹ. Cồn Cỏ lại nằm trên đường máy bay Mỹ ném bom miền Bắc nên bom đạn trút xuống hủy diệt đảo với số lượng khổng lồ. Trong 1.440 ngày đêm từ năm 1964 đến 1968, Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 1,3vạn quả bom các loại, hàng vạn quả rốc két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo. Bình quân mỗi chiến sĩ giữ đảo hứng chịu 39,3 tấn bom đạn; mỗi ha đất trên đảo chịu đựng 22,6tấnbom.

Màu xanh vĩnh cửu

Là đảo hình thành bởi hoạt động kiến tạo phun trào của núi lửa cách đây trên 4 vạn năm, Cồn Cỏ có giá trị to lớn về địa chất, cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo. Các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp... Màu xanh là màu chủ đạo ở Cồn Cỏ bởi trên 70% diện tích đảo là rừng tự nhiên, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới quý hiếm.

Ra đời trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội và lớn lên dưới mưa bom bão đạn, Cồn Cỏ đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tượng đài bất khuất sừng sững giữa biển khơi. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Cồn Cỏ đã khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng về quân sự, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, là con mắt thần án ngữ Biển Đông, cảnh giới miền Bắc, điểm chốt phía nam vịnh Bắc Bộ.

Từ năm 2002, UBND tỉnh Quảng Trị thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng Ðảo Thanh niên Cồn Cỏ. Tháng 10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện, diện tích tự nhiên 230 ha, dân số khoảng 400 người, không có đơn vị hành chính cấp xã.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cồn Cỏ cho biết: Du lịch trên đảo bắt đầu khởi sắc thì xảy ra sự cố môi trường Formosa nên du khách vắng hẳn. Trong năm 2017, khi tàu cao tốc đi vào hoạt động, rút ngắn thời gian từ đất liền ra đảo thì chắc chắn du khách sẽ trở lại. Để phát triển đời sống nhân dân, huyện đã áp dụng một số mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh như sản xuất nước mắm, rượu Cồn Cỏ. Năm 2016, có 395 lượt tàu, 3.381thuyền viên, du khách đến đảo, lượng hàng hóa qua cảng đạt 9.537 tấn.

Huyện đảo đã có Trung tâm Quân y với 11 cán bộ, y bác sĩ. Lớp mầm non ở Cồn Cỏ mang tên Phong Ba - một loài cây kiên gan giữa bão bùng sóng gió để mang lại màu xanh vững bền cho đảo. Lớp học đang ươm mầm những công dân tí hon để rồi đây chúng vụt lên như thân cây phong ba cường tráng giữa hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc.

Đoàn công tác trở lại tàu kiểm ngư KN363 để bước vào một hải trình mới. Chia tay ở cảng, Phạm Thị Thùy Trang, cô phát thanh viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đảo lưu luyến tặng đoàn những câu thơ của nhà thơ Hồ Khải Đại: Sóng gọi hồn ta về đảo nhỏ/Đảo nhỏ anh hùng Cồn Cỏ ta ơi/Chiến hạm nổi bốn bề sóng gió/Mang trái tim vàng ngọc chói ngời...

TIẾN HUY


(0) Bình luận
Cồn Cỏ - chiến hạm giữa trùng khơi