Tại phiên thảo luận tổ sáng 3.11 trong chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), 4 đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ ra một số bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong dự thảo luật này với các luật liên quan.
Người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng dự thảo đã tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai
Đánh giá dự thảo lần này được xây dựng khá công phu, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng dự thảo đã tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai.
Đóng góp một số ý kiến cụ thể, đại biểu cho rằng dự thảo cần tập trung vào 3 vấn đề lớn là bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện hơn các nội dung định hướng chính sách được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và nguyên tắc xác định giá đất. Theo đại biểu, dự thảo luật còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn đan xen với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công...
Dự thảo luật quy định cá nhân người nước ngoài không được xem là người sử dụng đất, không được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất và thuê lại trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2014 thì người nước ngoài được thừa nhận quyền sở hữu nhà ở.
"Mặt khác, nếu người nước ngoài bán nhà cho người Việt Nam thì người mua được thừa nhận quyền sử dụng đất hay không? Nếu không được thừa nhận quyền của người mua, người Việt Nam sẽ không được bảo đảm. Ban soạn thảo cần cân nhắc quy định về người sử dụng đất đối với người nước ngoài để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.
Có nhất thiết thành lập ngân hàng đất nông nghiệp?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn về sự cần thiết thành lập ngân hàng đất nông nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh băn khoăn với quy định tại điều 124 về việc quy định thành lập ngân hàng đất nông nghiệp và điều 123 quy định về tổ chức thực hiện phát triển quỹ đất.
"Qua so sánh đối chiếu, tôi nhận thấy chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất và ngân hàng đất nông nghiệp tương tự như nhau. Vậy có cần thiết phải quy định thành lập ngân hàng đất nông nghiệp hay hay giao chức năng này cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện để không phát sinh biên chế, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi tại phiên thảo luận tổ.
Với quy định tại điều 69, đại biểu cho rằng quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa thống nhất với Luật Quy hoạch. Ở điều 70, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ thời gian quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải được phê duyệt trước 6 tháng của năm cuối kỳ quy hoạch để các địa phương dễ thực hiện. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp dự án chuyển tiếp kế hoạch sử dụng đất hằng năm thì UBND không phải trình lại HĐND cùng cấp thông qua.
Ưu đãi đất đai cho giáo dục
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị cần có chính sách ưu đãi đất đai cho giáo dục
Qua quá trình giám sát, khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về lĩnh vực Ủy ban phụ trách, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhận định dự thảo luật chưa thống nhất về nguyên tắc ưu đãi đất đai với Luật Di sản văn hóa, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao, Luật Du lịch.
Các luật chuyên ngành nêu trên đều ghi nhận các chính sách của Nhà nước về ưu đãi đất đai với dự án đầu tư vào lĩnh vực này nhưng chưa được quy định cụ thể trong dự thảo luật. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, đại biểu đề nghị quy định ưu đãi đất đai để xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo, thống nhất với chính sách khuyến khích xã hội hóa, tạo thuận lợi cho cơ sở giáo dục công lập và tư thục tiếp cận quỹ đất.
"Theo Luật Đầu tư, việc xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo được ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, dự thảo luật hiện đang quy định loại trừ miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất khi sử dụng đất đô thị và khu vực quy hoạch phát triển đô thị. Tôi đề nghị không hạn chế khu vực ưu đãi đầu tư với dự án xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo", đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa bày tỏ quan điểm.
Bất cập trong quy định tách thửa
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đánh giá quy định tách thửa hiện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Từ thực tiễn, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết hiện nay có rất nhiều hộ có diện tích đất lớn gấp nhiều lần so với diện tích tối thiểu của thửa đất do UBND cấp tỉnh quy định sau khi tách thửa nằm trong khu dân cư đô thị và nông thôn. Nhiều hộ có đất này hiện có nhu cầu tách thửa do nhu cầu về chỗ ở. Tuy nhiên, do địa hình của mảnh đất và để đáp ứng các tiêu chí về diện tích tối thiểu của thửa đất do UBND cấp tỉnh quy định sau khi tách thửa thì trên mảnh đất ban đầu phải hình thành lối đi chung vào tất cả các thửa đất tách ra từ mảnh đất ban đầu.
Thửa đất tách ra để làm lối đi chung này có thể không đáp ứng được các tiêu chí về diện tích tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định sau khi tách thửa. Do đó, nếu dự thảo luật chỉ quy định tách thửa như tại điều 221 thì không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị bổ sung thêm điểm đ khoản 1 điều này thành "trường hợp tách thửa đất ở hoặc tách thửa chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong khu dân cư có phát sinh lối đi chung vào các thửa đất được tách ra mà có diện tích hoặc kích thước tối thiểu nhỏ hơn diện tích hoặc kích thước tối thiểu được tách thì người sử dụng đất có thể hiến thửa đất này cho nhà nước để làm ngõ đi chung".
PHONG TUYẾT