Con chó ve vẩy cái đuôi trong câu đối

18/02/2018 23:18

Trong thơ văn, chó không vắng mặt. Với câu đối - một thể văn không dễ, vậy mà nó cũng ve vẩy cái đuôi, tạo nên sự lý thú riêng.



Chúng ta đều biết đến câu đối của Trạng Quỳnh, từng làm ông Tú Cát phải chào thua vì một con "chó khôn". Một lần, Tú Cát đến chơi, thấy Trạng Quỳnh đang quấy cám cho lợn. Ông Tú liền thử tài: "Lợn cấn ăn cám tốn". Cái khó trong vế thách đối có hai chữ cấn và tốn là tên hai quẻ trong bát quái. Chẳng ngờ, Trạng Quỳnh chẳng chịu lép: "Chó khôn chớ cắn càn", cũng có hai quẻ càn, khôn. Nhưng trong vế đối lại, còn ẩn ý "chớ cắn càn", suy ra cũng rất sâu sắc...

Các nhà văn, nhà thơ hiện đại Việt Nam (thế kỷ XX) cũng có rất nhiều câu đối để chú khuyển chễm chệ trong đó, cũng tài hoa không kém.

Câu đối của Thế Lữ

Hồi làm báo Thời nay, Thế Lữ đảm trách nhiều mục, nên đã dùng bút danh Lê Ta ký dưới một số mục. Gần Tết năm Mão ấy, bài vở đến nhiều, nhưng mục câu đối xem ra thưa thớt lắm. Đành phải xuất vốn thôi. Lê Ta ra một vế thách đố như sau:

Tết năm Mão, ông lão Dê mua hoa mõm chó, gói giấy mỡ gà, đem tặng cho mèo mà không biết hổ.

Trong vế đối có nhắc đến chó, nhưng là một loài hoa. Cho nên vẫn có đủ cả dê, chó, gà, mèo, hổ - những con giáp trong lịch can chi. Ra vế đối như thế là khó, chính ông cũng không đối lại được. Nhưng cái tài của người làm báo là cứ cho đăng, coi như vế thách đối. Lê Ta ghi chú: "Những vế đối hay nhất sẽ được đăng vào số xuân tới và sẽ được nhận phần quà đặc biệt".

Câu đối của Tú Mỡ

Miền Bắc đã được hòa bình, nhưng cho đến Tết Mậu Tuất 1958 vẫn còn nhiều khó khăn. Từ cân gạo đến cân thịt, cái áo đến chiếc lốp xe đạp đều phải phân phối. Hàng bày bán tự do giá cao có nhiều tại cửa hàng mậu dịch, nhưng túi người dân thì thường "mậu dậu sìn" (không có tiền) nên ít dám qua lại. Nhà thơ Tú Mỡ lại tìm thấy lý thú của người nghèo, việc gì phải ngượng ngùng! Ông ra vế đối có ba chữ "mậu":

Tết Mậu Tuất, túi mậu sìn, ngất ngưởng đi qua hàng mậu dịch

Vế đối không ai đáp lại được!

Câu đối của Xuân Thiều - Thanh Tịnh

Một lần đi công tác qua Nghệ An, các nhà văn Xuân Thiều, Thanh Tịnh cùng mấy anh em văn nghệ rủ nhau đi ăn phở. Ngồi ở nhà hàng chờ mang thức ăn lên, Xuân Thiều ra vế đối:

Vô Xứ Nghệ, ghé Quán Hành, uống rượu gừng, nói "cà riềng cà tỏi". Vế đối có tên 5 cây: nghệ, hành, gừng, riềng, tỏi. Khá hóc búa! Nghĩ một lúc, Thanh Tịnh đọc vế đối của mình:

Đến chợ Voi, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, tán "chuyện vượn chuyện hươu".

Thật đối nhau chan chát! Đối lại năm cây là năm con. Đặc biệt, vẫn có mặt con chó trong món "mộc tồn" khoái khẩu, anh em văn nghệ thích thú cười vang.

VƯƠNG BẠCH (st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con chó ve vẩy cái đuôi trong câu đối