Con chó đã gắn bó với con người từ lâu, cho nên trong thành ngữ, tục ngữ Việt Nam con chó cũng xuất hiện khá nhiều.
Có những câu thường nghe hàng ngày như “ngu như chó”, “lưng dài như chó liếm cối”, “hỗn như chó”, hay để chỉ một chuyện không thực người ta nói: “chó đá vẫy đuôi”, “chó có váy hoa”…. Để chê những kẻ làm tay sai cho kẻ khác, thành ngữ có câu: “chó săn, gà chọi”, chê những kẻ khó tính hay đòi hỏi “chó chê cứt nát”. Để chỉ việc làm dại dột ngu ngốc “chó khôn tha cứt ra bãi, chó dại tha cứt về nhà”, hay tả người ngơ ngác trước một sự việc không liên quan tới mình “lơ láo như chó thấy thóc”; chỉ người đã khó lại gặp khó khăn “cho cắn áo rách”…
Trong kinh nghiệm trồng trọt, người ta cũng nhắc tới con chó: “Xoan chân chó, mó hạt bông” khi xoan bắt đầu đâm chồi giống như bàn chân con chó thì bắt đầu gieo hạt bông. Và một kinh nghiệm dự đoán thời tiết cũng liên quan đến… chó “Sầm đông, sáng bắc, tía tây. Chó đen ăn cỏ trời này thì mưa”. Còn nếu muốn có lợi thì nên “Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa”. Thật vậy, “Chó giống cha, gà giống mẹ” là một nhận xét về quy luật di truyền ở súc vật. Cho nên khi nuôi chó cần phải biết chọn giống cho tốt: “Chó khôn tứ túc huyền đề/ Tai thì hơi cụp, đuôi thì cong cong” hay loại “tứ túc mai hoa” - loại chó có chấm trắng ở bốn chân, chứ đừng chọn loại “chó ló đuôi hại chủ nhà” hoặc “đốm lưỡi thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”.
Ở đời, làm việc gì cũng nên dứt khoát, đừng có “loanh quanh như chó nằm chổi” hay “chó chạy đường quai”, cũng đừng đua đòi “Voi đú, chó cũng đú, chuột chù cũng nhảy quanh” (Ý nói thấy người ta làm gì cũng bắt chước làm theo nhưng chẳng ra sao). Và làm việc gì cũng đừng “Chó chạy trước hươu”. Nếu không có tài, không hiểu biết thì đừng lanh chanh dạy bảo, tranh khôn với người có khả năng hơn mình. Bởi vì người ta không ưa những người tranh giành quyền lợi của mình: “chó già giữ xương” hay , “chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử”. Trước khi làm việc gì cũng cần phải chuẩn bị một cách chu đáo, đừng để “Thui chó nửa mùa hết rơm” và cũng đừng “Treo đầu dê, bán thịt chó”, “Chực như chó chực máu giác” (Ý nói chầu chực chẳng ăn thua gì vì máu giác trích ra rất ít) để rồi “Tiu nghỉu như chó cụp đuôi”.
Ở đời, hãy để “Trâu làm bạn với trâu, chó làm bạn với chó” vì “Con nhà khó không bằng chó nhà sang”. Tất nhiên, người khôn không bao giờ “Chửi chó, mắng mèo” bởi “Mang chết, chó cũng lè lưỡi”, nhất là chẳng “Chó nào ăn cứt thuyền chài”, đừng hòng kiếm lời ở những nơi người ta không sơ hở. Nên nhớ “Chó dữ mất láng giềng” (Ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng là người xấu thì hàng xóm không ưa), tuy nhiên, cũng tùy đối tượng mà có cách xử lý khống chế như “Chó dữ dùng xích ngắn”, nếu cứ ngoan cố, không chịu sửa chữa cái xấu, không chịu hối cải như “Chó đen giữ mực”, “Chó chực cắn càn” thì chỉ có “Làm kiếp trâu ăn cỏ, làm kiếp chó ăn dơ” mà thôi. Tốt nhất là cho vào nồi làm cầy tơ, rựa mận hoặc thịt cầy 7 món. Bởi “Chó chết hết cắn” nên tốt nhất, sống trên đời, những người thân thích với nhau phải thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn như tục ngữ “Chó cùng nhà gà cùng chuồng”, chứ đừng để “Gà què bị chó đuổi” mà người ta chê cười vì không ai dám tự vỗ ngực cho mình là kẻ hoàn hảo trong thiên hạ cả.
Bên cạnh đó, việc mượn tên chó và hình ảnh chó để chê bai một số hạng người trong xã hội cũng không phải là ít. Ví dụ như “Chó ngáp phải ruồi” nói người không có tài năng gì, chỉ gặp may mà thành công. Chê những kẻ hèn kém mà có địa vị cao “Chó ngồi bàn độc”. Chê người luôn miệng chửi người khác “Chửi như chó ăn vã mắm”. Để chế giễu những người dốt lại hay nói chữ, kẻ xấu mà muốn địa vị cao có “Chó ông thánh cắn ra chữ”, hay ám chỉ loại người thô kệch, ăn uống xô bồ “Rượu cả vò, chó cả con…
HOÀNG PHÚC