Những vụ lừa đảo không chỉ do người bán thủ đoạn, đánh trúng tâm lý ham rẻ của khách hàng, mà còn do người mua chủ quan không tìm hiểu thông tin về đại lý bán những combo giá rẻ đó có đáng tin không.
Một trong vô vàn mời chào combo du lịch giá rẻ trên mạng. Ảnh chụp màn hình
Hơn chục tỷ đồng là số tiền mà Phòng vé Anh Anh (66X, ngõ Núi Trúc, phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội) đã lừa đảo hàng trăm người bằng hình thức bán combo du lịch (vé máy bay và phòng khách sạn) rồi ôm tiền bỏ trốn.
Thực tế này không mới trong nhiều năm qua nhưng mỗi sự việc xảy ra lại dấy lên hồi chuông về cái gọi là sự tinh vi ngày càng cao của các bên cung cấp dịch vụ cũng như lòng cả tin và ham rẻ đến mức thiếu tỉnh táo của người dân, mà khi nhận ra mình bị lừa thì tiền đã mất.
“Dính bẫy” vì ham rẻ
Mỗi combo du lịch thường bao gồm vé máy bay và khách sạn hoặc có thể thêm một số dịch vụ đính kèm như đưa đón sân bay, khu vui chơi… do các công ty du lịch, đại lý hay cá nhân bán với mức giá ưu đãi quảng cáo lên tới 50%, thậm chí 70%. Vì tiện lợi và giá rẻ như vậy nên hình thức này được số đông rất ưa thích.
Hè tới, nhiều người muốn cùng gia đình, bạn bè đi “đổi gió” hậu giãn cách vì mấy tháng COVID-19 tù túng. Do đó, cho dù có thể từng biết thông tin về việc mua combo bị bùng tiền, lừa đảo nhưng đôi khi vì một phút lơ là, thiếu chủ quan trong khi những người bán thì chiêu trò, tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ nên nhiều người dễ sa “bẫy.”
Thế giới rộng lớn nhưng cũng chỉ thu gọn trong những cú click chuột, thành ra đưa phím gõ vài từ khóa “combo du lịch,” “du lịch giá rẻ,” “combo giá rẻ”… là ra cả một “thiên đường” đầy màu sắc và mời gọi hấp dẫn vô cùng. Cũng từ đó đường link kết nối đến các công ty du lịch, đại lý hay nhiều nhất là các cá nhân sẽ hiện ra, mà nếu không “tỉnh đòn” khách hàng rất dễ “dính chưởng.”
Về trường hợp phòng vé Anh Anh ở 66X Núi Trúc vừa qua, “leader” (lãnh đạo) của một hội nhóm chuyên bán combo du lịch tổng kết: “Phòng vé Anh Anh đã tạo một group khoảng 50 đại lý cấp dưới bán combo. Mỗi combo có tiền hoa hồng là 1 triệu/combo. Chuyện được phát hiện từ facebook một ''mẹ bỉm'' là cộng tác viên do muốn giúp chồng trang trải qua dịch nên nhận bán tổng combo 27 triệu đồng. Chị khách sau đó bóc phốt bắt đền gấp đôi số tiền nên mọi chuyện mới lùm xùm trên cộng đồng mạng…”
Theo “leader” này, tổng đại lý gọi là F0 sẽ thả ra vài booking giá siêu rẻ cho combo vé máy bay và khách sạn 5 sao để '‘câu'’ những booking khác lớn hơn. Khách ham rẻ mua xong đi về làm luôn cộng tác viên cho F0, cứ thế dắt nhau vào ‘ma trận’ không biết đến tận F mấy đầu quân. Họ gom đơn cho đến một ngày F0 bùng trốn rồi thì tất cả F1, F2, F3, F4… mới ngã ngửa đã bị lừa, cuối cùng cũng vì đánh vào lòng tham còn giá sàn là chung, đâu thể rẻ giật mình được.
Nhận diện đại lý uy tín
Thực tế cho thấy, hầu hết những vụ lừa đảo không chỉ do người bán thủ đoạn tinh vi, đánh trúng tâm lý ham rẻ của khách hàng, mà còn do người mua chủ quan không tìm hiểu thông tin về đại lý/cá nhân bán những combo giá rẻ đó có đáng tin cậy không.
Các công ty lữ hành lớn và uy tín thường có các chi nhánh/đại lý ủy quyền. Việc để trở thành đại lý của những đơn vị này cũng cần phải tuân thủ quy định chặt chẽ. Theo đó, đối với cá nhân yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng cấp có liên quan.
Đối với doanh nghiệp cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, ngoài thẻ căn cước công dân của người đại diện theo pháp luật thì trong vòng 2-3 tháng đầu tiên đại lý còn phải chứng minh được khả năng ghép khách ổn định của mình, sau đó mới được quyết định có ký hợp đồng đại lý hay không.
Là một trong số ít doanh nghiệp du lịch có cả hệ thống chi nhánh và đại lý hùng hậu trên khắp cả nước, đại diện Vietravel cho hay để quản lý quy trình của doanh nghiệp phải thực sự nghiêm ngặt. Vietravel thường xuyên kiểm tra chéo trong hệ thống nhằm hạn chế tình trạng đại lý lợi dụng lừa khách mua combo giá rẻ xong ôm tiền bỏ trốn như trường hợp nêu trên.
“Bộ phận đại lý của công ty chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ, trao đổi thường xuyên, theo dõi hoạt động cũng như có các cuộc kiểm tra đột xuất tới các đại lý có đảm bảo theo đúng cam kết trong hợp đồng hay không? Chúng tôi sẽ lập tức dừng hơp tác với các đơn vị đại lý có vi phạm và đưa ra cảnh báo tới khách hàng của mình,” ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội cho biết.
Đặc biệt, khi ký hợp đồng với đại lý, Vietravel yêu cầu rất rõ về quy trình ghép khách, gửi khách cũng như phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, thông tin tour cung cấp cho khách hàng phải hoàn toàn chính xác…
Theo ông Bảy, “hàng ngày, công ty sẽ chủ động gửi bảng sản phẩm, những combo/tour còn nhận khách trong thời gian khoảng 2-3 tháng để đại lý có thể tham khảo và tư vấn khách. Trước khi đại lý đặt chỗ cho khách bắt buộc phải liên hệ với nhân sự phụ trách kênh đại lý để xác nhận lại và Vietravel sẽ giữ chỗ cho khách của đại lý trong vòng 48 giờ.”
“Trong vòng 48 giờ, đại lý phải tiến hành đặt cọc/ thanh toán theo quy định, quá thời hạn trên hệ thống sẽ tự động hủy đặt chỗ đó. Với quy trình như vậy, chúng tôi luôn đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng trong quy trình quản lý đặt chỗ với các đại lý, tránh tình trạng giẫm chân nhau, nhận khách khi tour hoặc combo đã hết chỗ…,” ông Bảy nói.
Để có chuyến du lịch giá rẻ mà vui vẻ ở thời điểm này cũng lắm nỗi gian nan
Làm sao để tiêu dùng thông minh?
Trước “rừng” thông tin quảng cáo combo/tour giá rẻ có thể đến từ bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên facebook cá nhân, các trang hội nhóm, nhóm chat Zalo…, làm sao để biết combo du lịch/tour nào thật sự “đáng đồng tiền bát gạo?”
Thành Trung, một hướng dẫn viên lâu năm ở Hà Nội, cho biết: “Làm sao có mức giá rẻ 50%, thậm chí là 70% so với thông thường, đặc biệt với tour nội địa ''hot'' như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc? Chi phí cho một người du lịch Đà Nẵng bằng máy bay 3 ngày 2 đêm, ở khách sạn sang làm sao chỉ với 2 triệu đồng? Chắc chắn là lừa đảo mới có mức giá không tưởng đó”.
Còn theo ông Phạm Văn Bảy, trước khi quyết định đặt combo du lịch/tour, du khách cần tìm hiểu kỹ: chương trình chi tiết, thông tin chuyến bay, khách sạn, giá cả… bằng cách làm việc qua email, văn bản và bắt buộc yêu cầu ký hợp đồng du lịch. Ngoài ra, với những combo giá quá rẻ mà khởi hành vào các dịp cao điểm như hè, cuối tuần, du khách cũng nên cẩn trọng, xác thực thông tin đơn vị bán có thật sự uy tín hay không.
Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, CEO Golden Life Travel thì cho hay: Để kiểm tra combo, có một phương thức đơn giản là so sánh giá combo với giá book lẻ máy bay, khách sạn; yêu cầu code vé máy bay để tự kiểm tra tình trạng vé trên trang web của hãng hàng không.
“Trường hợp đã thanh toán xong mà vé chưa được xuất hoặc vé ảo khách hàng sẽ biết ngay. Tuy vậy, mã code chỉ có thể kiểm tra khi khách hàng đã thanh toán 100% nên để đảm bảo an toàn, khách hàng không còn cách nào khác ngoài lựa chọn công ty uy tín để mua combo/tour du lịch”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, sự phát triển rầm rộ của thương mại điện tử, bán hàng qua mạng tuy tiện lợi nhưng cũng mang đến nhiều bất lợi cho khách hàng khi phải ''đãi cát tìm vàng'' để mua được dịch vụ chất lượng với giá rẻ hơn.
Và, lời khuyên chung của các chuyên gia dành cho khách hàng là không nên tham giá rẻ bất thường, hãy tìm mua dịch vụ của các công ty uy tín, những thương hiệu đã khẳng định trên thị trường mà mình biết rõ.
Biển đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của du khách Việt Nam dịp hè
Tổng cục Du lịch yêu cầu chấn chỉnh Giữa tâm bão dịch bệnh COVID-19, trong khi du lịch cả thế giới gần như “chết lâm sàng” thì Việt Nam may mắn trở thành điểm sáng trong công tác phòng chống dịch toàn cầu. Nhờ đó các doanh nghiệp trong nước đua nhau tái khởi động để cứu guồng máy đang rệu rã. Du lịch nội địa đã đang “ấm” dần lên hơn 2 tháng nay với bùng nổ các chương trình kích cầu trên quy mô toàn quốc, nhà nhà đi du lịch, người người bán combo/tour giá rẻ. Và, hệ lụy cũng từ đó mà ra, khi một số công ty, đại lý du lịch lợi dụng giai đoạn “nhá nhem” để “làm bậy.” Giữa bối cảnh đó, Tổng cục Du lịch vừa có văn bản số 898/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các địa phương. Bởi mặc dù chương trình kích cầu đã cho thấy hiệu ứng tích cực trên toàn quốc nhưng thực tế lại xuất hiện tình trạng chất lượng chương trình du lịch, sản phẩm không bảo đảm, không đúng như cam kết với khách hàng; chưa bảo đảm chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách. |
Theo Vietnam+