Một trong những chiến công ấy là thắng lợi của 21 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới, hoàn thành cách mạng dân tộc...
Hàng vạn nhân dân Hà Nội đổ ra đường mừng Chiến thắng (30-4-1975). Ảnh tư liệu
Thế kỷ XX là thế kỷ của những biến đổi to lớn, thế kỷ đấu tranh oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thế kỷ của những chiến công có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Một trong những chiến công ấy là thắng lợi của 21 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngay sau khi giành chính quyền cách mạng, dân tộc Việt Nam đã phải trực tiếp đương đầu với thực dân Pháp xâm lược. Trong hoàn cảnh ấy, ngay từ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (đêm 19-12-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hô hào: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Người khẳng định: cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân, 31 triệu đồng bào ở cả hai miền Nam Bắc, bất kỳ già trẻ gái trai phải là 31 triệu chiến sĩ anh dũng diệt Mỹ.
Với chiến lược toàn dân kháng chiến, trong cả hai cuộc chiến tranh giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức nhân dân cả nước thành một mặt trận với khẩu hiệu "mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm, đường phố là một pháo đài". Khắp các miền Trung, Nam, Bắc không phải chỉ có lực lượng vũ trang đánh giặc, mà toàn dân đánh giặc. Không những các vùng tự do, vùng giải phóng chống giặc mà vùng tạm chiếm cũng đánh giặc, xây dựng cơ sở và căn cứ địa kháng chiến. Toàn dân đánh giặc khắp cả ba vùng rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị. Với chiến lược toàn dân kháng chiến, cả nước đánh giặc của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành một cuộc chiến tranh không phân rõ đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương. Ngay từ năm 1954, J.F. Kennơđi đã phải thừa nhận: "Sự giúp đỡ quân sự của Mỹ ở Đông Dương dù đến đâu cũng không thể chinh phục được một kẻ thù vừa ở khắp nơi, vừa không thấy ở đâu cả, một kẻ thù là con đẻ của nhân dân, được nhân dân đồng tình che giấu và giúp đỡ".
Sức mạnh của ta bao gồm nhiều mặt: sức mạnh đấu tranh chính trị của quần chúng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, sức mạnh của cả tiền tuyến và hậu phương, sức mạnh của ý chí quyết chiến quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam kết hợp với khoa học, kỹ thuật hiện đại, sức mạnh của quốc tế ủng hộ Việt Nam. Mặt trận thống nhất toàn dân tộc ngày càng mở rộng. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy và phát huy cao độ. Lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã thôi thúc lòng khát khao vì độc lập tự do của toàn dân tộc ta, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam đồng tâm, kiên quyết đứng dậy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Đó chính là sức mạnh làm cho Đảng đã có thể chủ động trong mọi tình huống, tạo nên những bước ngoặt chiến lược làm thay đổi cục diện có lợi cho ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đánh thắng từng chiến dịch, từng kế hoạch chiến lược của địch.
21 năm ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quân và dân cả nước vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử để làm nên thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của trí tuệ cả một dân tộc, trong đó trước hết là năng lực nhận thức và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của Đảng - Bộ tham mưu ưu tú của toàn thể dân tộc đã biết khơi dậy tinh thần bất khuất kiên cường, ý chí quyết tâm đấu tranh giành quyền làm chủ vận mệnh đất nước của toàn thể dân tộc để từng bước giành độc lập dân tộc. Đó chính là sự minh chứng hùng hồn về ý Đảng và lòng dân - đường lối của Đảng khi phản ánh đúng khát vọng chính đáng của đại đa số nhân dân, sẽ trở thành cội nguồn sức mạnh vô tận và khi đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng sẽ trở thành hành động cách mạng của quần chúng.
Chiến tranh là sự khảo nghiệm thái độ chính trị của mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân tộc. Do vậy, thắng lợi của 21 năm chống đế quốc Mỹ đã chỉ rõ rằng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải biết tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, để quần chúng thấm nhuần và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn để phát huy được nội lực của quần chúng nhân dân với tinh thần tự giác cao, với ý chí quyết tâm lớn thực hiện đường lối của Đảng. Thực tiễn lịch sử hùng hồn đó đã để lại những kinh nghiệm lịch sử về lòng dân chính là "bảo quốc":
Một là, phải biết tuyên truyền giác ngộ và khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân là vấn đề mấu chốt để phát động phong trào đấu tranh. Trước hết chú trọng công tác giáo dục tư tưởng cho nhân dân, vạch trần âm mưu thâm độc của kẻ thù, nêu cao tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, khơi sâu lòng căm thù địch. Đồng thời chỉ rõ tính chất khó khăn, phức tạp của cuộc đấu tranh cũng như những thuận lợi, những mặt mạnh của ta và đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng để củng cố quyết tâm và niềm tin vào khả năng tự giải phóng của nhân dân thoát khỏi ách thống trị của ngoại xâm. Gi. Gôn-một học giả phương Tây, năm 1965 đã viết: “Việt cộng đã tranh thủ được mặt tâm hồn” còn với các binh sĩ Sài Gòn do “thiếu niềm tin vào một sự nghiệp cao cả nên không thể chống lại được Việt Cộng”.
Hai là, Đảng phải biết đề ra được những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây chính là kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng từ trong quá trình lãnh đạo 30 năm tiến hành kháng chiến, đặc biệt khi dân tộc ta phải đương đầu kẻ thù thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, với nhiều thế mạnh cùng với cả một bộ máy tuyên truyền khổng lồ từ chính quyền trung ương đến địa phương, nhằm thu phục “trái tim và khối óc” của nhân dân ta. Đảng đã đưa ra những khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, đòi quyền tự do đi lại... những chủ trương về bảo vệ tính mạng và tài sản của dân, về chống phá kìm kẹp, giải phóng đưa họ về làm ăn nơi ruộng vườn của mình. Trong đó, đặc biệt là chính sách ruộng đất của Mặt trận đã phù hợp tâm tư nguyện vọng của dân, được nhân dân hết sức ủng hộ. Bởi ruộng đất là ước vọng ngàn đời của người nông dân, là lợi ích thiết thân của đông đảo quần chúng nhân dân miền Nam. Trong rất nhiều nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như của Trung ương Cục, của các Khu ủy từ sau năm 1960 đều nhấn mạnh vấn đề giải quyết ruộng đất cho nông dân ở trong vùng giải phóng và đưa ra khẩu hiệu đấu tranh đòi giảm sưu, thuế cho nông dân ở các vùng bị kìm kẹp. Những thành quả về chính sách ruộng đất của Đảng ở miền Nam đã có tác động rất lớn đến đồng bào trong vùng địch tạm chiếm. Những thành quả đó đã chứng tỏ rằng dù trong hoàn cảnh nào Đảng cũng luôn quan tâm đến quyền lợi của đa số nông dân, giải quyết đúng nguyện vọng, lợi ích của nông dân. Nhờ đó, Đảng đã động viên và tổ chức được đến mức cao nhất những năng lực cách mạng to lớn, sáng tạo vô tận của quần chúng trong cuộc đấu tranh phá ách kìm kẹp, giành lại quyền làm chủ. Chính tờ báo Diễn đàn Anh ngày 6-3-1964 đã bình luận: “Việt cộng đã thắng lợi vì họ mang lại cho nông dân những cái mà họ mong muốn, nhất là ruộng đất... Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã có chương trình rõ ràng để giải quyết vấn đề ruộng đất ở miền Nam, đã và đang thực hiện chương trình đó bằng cách đem hàng triệu ha ruộng đất chia cho nông dân ở các vùng giải phóng”. Vì vậy, khi phát động cuộc đấu tranh, quần chúng trong thôn ấp đã nổi dậy mạnh mẽ tạo thế cho lực lượng vũ trang ở bên ngoài phối hợp phá kìm kẹp giành quyền làm chủ của mình.
Ba là, phải tin dân, dựa vào dân, bàn bạc với dân về kế hoạch thực hiện chủ trương, biện pháp đấu tranh. Điều nổi bật nhất trong quá trình tiến hành hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta là ở bất kỳ địa phương nào, trong mọi hoàn cảnh nhân dân ta đều thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc và một lòng, một dạ hướng về cách mạng, hướng về Đảng. Vì vậy, tin dân, dựa vào dân chính là tăng thêm sức mạnh cho Đảng, dân còn thì Đảng còn tồn tại và phát triển.
Bốn là, phải luôn chú trọng xây dựng và bồi dưỡng cơ sở nòng cốt cách mạng trong nhân dân, bồi dưỡng tư tưởng, khả năng công tác và tạo uy tín cách mạng cho cơ sở, đặc biệt là ở những vùng chưa có hoặc tổ chức cơ sở Đảng còn yếu. Khẩu hiệu “phải mang nắp hầm bí mật vào ấp chiến lược”, để từ đó “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch” trở thành phương châm hành động, là bí quyết bám trụ của Đảng trong thời kỳ đầy khó khăn thử thách của cách mạng miền Nam. Các đảng viên ở cơ sở đã gắn bó máu thịt với dân, vì vậy được nhân dân tin yêu và che chở trước sự khủng bố ráo riết của kẻ thù. Câu nói: “Dù hoàn cảnh nào cũng nhớ đến Đảng” của nhân dân miền Nam khi địch đang tiến hành càn quét, khủng bố gay gắt lực lượng cách mạng đã trở thành phổ biến và ăn sâu trong lòng quần chúng cách mạng miền Nam. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức cơ sở đảng trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Năm là, phải lựa chọn hình thức tổ chức và cách thức vận động quần chúng một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với yêu cầu của phong trào và từng thời điểm lịch sử nhất định. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi và sinh mạng cho nhân dân trong các cuộc đấu tranh, động viên nhân dân đấu tranh dưới mọi hình thức ở từng vùng khác nhau, phát huy sáng kiến hết sức phong phú của phong trào quần chúng. Trong cuộc đấu tranh cách mạng, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với một hệ thống tổ chức phong phú đa dạng, thích hợp với từng đối tượng đã tập hợp được đông đảo nhân dân để tuyên truyền, vận động tập trung mũi nhọn vào cuộc đấu tranh. Đặc biệt tại các cơ sở, Đảng đã chỉ đạo cho xây dựng những tổ chức như tổ thanh vận, tổ binh vận, tổ an ninh trật tự, tổ tuyên - văn - giáo, tổ dân vận... Chính nhờ các hình thức tổ chức đấu tranh rất phong phú đó, Đảng ta đã thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những binh sĩ và gia đình binh sĩ có tinh thần yêu nước góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh giành dân, giành đất với địch. Bởi vì các tổ chức đó đã “phải giáo dục, làm cho quần chúng tự giác tự động biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh”.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hơn lúc nào hết Đảng phải tiếp tục quán triệt "lòng dân là bảo quốc" cả trong hoạch định đường lối và cả trong chỉ đạo thực hiện đường lối trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện lịch sử mới.
PGS.TS TRẦN THỊ THU HƯƠNG(Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)