Coi chừng "vỡ mộng" vì điểm sàn

03/09/2021 12:44

Nhiều trường đại học đưa ra điểm sàn xét tuyển khá thấp. Thí sinh không tìm hiểu kỹ có thể không có cơ hội trúng tuyển trường mong muốn.


Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang mở để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đến 17 giờ ngày 5.9. Trong ảnh: Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 

Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh công bố điểm sàn từ 18 đến 20 cho các ngành đào tạo tại cơ sở TP Hồ Chí Minh. Mức điểm này tương đương năm 2020.

Thí sinh bị ảnh hưởng

Xét tổ hợp toán - văn - tiếng Anh điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh P.T.U. đạt 24,2 điểm. U. đăng ký hai nguyện vọng đầu tiên vào ngành kinh tế và ngành luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Các nguyện vọng còn lại, U. đăng ký vào những ngành này ở Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Tài chính - marketing, Tôn Đức Thắng.

"Thầy cô nói điểm thi năm nay cao hơn nên điểm chuẩn các trường có thể tăng. Tôi xem lại điểm chuẩn năm 2020 của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, điểm của mình vẫn thấp hơn, khả năng trúng tuyển không có. Tôi đã đổi thứ tự nguyện vọng 1, 2 và bổ sung thêm một trường khác vào nguyện vọng 3 để có thể trúng tuyển vào trường và ngành mong muốn" - U. cho biết.

Theo đề án tuyển sinh năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh xét tuyển theo 6 phương thức. Trong đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 10% chỉ tiêu. Như vậy, xét về lý thuyết chỉ còn khoảng 600 chỉ tiêu cho phương thức này. 

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh - cho biết 10% là chỉ tiêu dự kiến ban đầu, chỉ tiêu của các phương thức tùy tình hình thực tế có thể điều chỉnh. Ông Bảo cho biết thêm cũng với mức điểm sàn 20 nhưng điểm chuẩn năm 2020 của trường này thấp nhất 22, cao nhất 27,6.

Nhiều trường đại học khác như Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, Luật, Tài chính - marketing, Bách khoa, Kinh tế - luật... cũng có điểm sàn dao động từ 17 đến 20. Theo TS Nguyễn Thanh Trọng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), điểm sàn của trường năm nay tăng 1 điểm so với năm trước. 

"Trường xem xét nhiều khía cạnh khi đưa ra mức điểm sàn này. Có những chương trình đào tạo mới tuyển sinh năm nay nên mức điểm này sẽ thuận lợi cho thí sinh đăng ký. Điểm chuẩn sẽ cao hơn điểm sàn nhiều. Thí sinh tìm hiểu rất kỹ, trường cũng đã tư vấn chi tiết cho thí sinh về vấn đề này" - ông Trọng nói.

Trần điểm sàn Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh tăng 1 điểm so với năm trước. TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh - nhận định: "Lượng thí sinh đăng ký xét tuyển có thể trồi sụt nhưng có những ngành liên tục có điểm chuẩn rất cao những năm trước, khẳng định được uy tín nhưng trường vẫn đưa ra điểm sàn thấp là chưa hợp lý. Có ngành điểm sàn năm nay thấp hơn điểm chuẩn năm trước đến 5 - 7 điểm. Điều này chưa chắc mang lại thuận lợi cho trường nhưng thí sinh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Việc xác định điểm sàn nên tính toán, tiệm cận điểm chuẩn năm trước và sự khác biệt của năm nay để thí sinh có cơ sở tham khảo tốt hơn khi điều chỉnh nguyện vọng" - ông Lý nói.

Điều chỉnh nguyện vọng thế nào?

Thực tế những năm trước cho thấy điểm chuẩn của nhiều trường tăng rất nhiều so với điểm sàn, không ít ngành tăng 7 - 8 điểm. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho biết điểm chuẩn của ngành, nhóm ngành phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nộp vào, điểm của các hồ sơ này và chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đó. 

Dự kiến các ngành có điểm chuẩn năm 2020 cao như khoa học máy tính (28 điểm), khả năng năm nay điểm chuẩn tăng rất ít. Với những ngành năm 2020 có điểm chuẩn từ 23 đến 25 như kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật xây dựng, địa chất - dầu khí, tài nguyên - môi trường... điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhưng không nhiều.

Với việc các trường đưa ra điểm sàn thấp, điểm chuẩn dự kiến tăng, đối tượng nào cần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển để có thể trúng tuyển vào ngành mong muốn? TS Nguyễn Thanh Trọng lưu ý nếu thí sinh thấy điểm của mình thấp hơn điểm chuẩn năm trước của trường một vài điểm cũng đừng nóng vội điều chỉnh, hủy bỏ nguyện vọng đó. 

"Trường, ngành yêu thích nhất nên để thứ tự ưu tiên cao nhất. Thí sinh không nên đăng ký quá ít nguyện vọng. Để chắc ăn, thí sinh nên đăng ký bổ sung nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn năm 2020 thấp hơn điểm của thí sinh. Điều này giúp thí sinh vẫn có cơ may trúng tuyển vào trường mình thích nhất hoặc vẫn trúng tuyển vào trường mong muốn chứ không rớt hết các nguyện vọng và sau đó phải chọn trường không mong muốn. Điểm chuẩn năm trước là một trong những yếu tố tham khảo rất quan trọng để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng chứ không phải điểm sàn" - ông Trọng tư vấn.

TS Trần Đình Lý lưu ý thêm dù điều chỉnh hay bổ sung nguyện vọng, thí sinh cần đặt ngành, trường mình thích nhất ở vị trí cao nhất. 

"Cùng một ngành có nhiều trường đào tạo, không đủ khả năng trúng tuyển ở trường này có thể bổ sung trường khác. Không nên vì chọn trường nào đó mà chọn đại một ngành mình không thích, không có sở trường và thế mạnh" - ông Lý nói.

3 nhóm nguyện vọng

Nếu thí sinh đăng ký khoảng 9 - 10 nguyện vọng, có thể chia làm 3 nhóm:

"Nhóm ước mơ" bao gồm các nguyện vọng 1 - 3 là các ngành, trường thí sinh mong muốn học nhất dù điểm thi của mình có thể chưa đủ.

"Nhóm thực tế" với các nguyện vọng 4 - 6 là các ngành, trường thí sinh thấy phù hợp với năng lực của mình.

"Nhóm dự phòng" bao gồm các nguyện vọng kế tiếp là các trường, ngành có mức độ mong muốn ít hơn nhưng có mặt bằng điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước thấp hơn điểm thi của thí sinh.

Điểm sàn tiệm cận điểm chuẩn

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh là một trong số rất ít trường có mức điểm sàn xét tuyển cao trong mùa tuyển sinh năm nay. Điểm sàn các ngành của trường dao động từ 18 đến 26 điểm. Trong số này rất nhiều ngành có điểm sàn từ 24 đến 26.

Đây là mức điểm sàn tương đối gần điểm chuẩn của trường năm 2020. So với điểm chuẩn năm trước, điểm sàn các ngành của trường năm nay thấp hơn từ 0,5 đến 4 điểm tùy ngành.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Coi chừng "vỡ mộng" vì điểm sàn