Cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ lãnh thổ

01/07/2012 06:13

Các hành động như thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", mời thầu 9 lô dầu khí nằm trên lãnh thổ Việt Nam... đang gây quan ngại sâu sắc.



Bản đồ chỉ rõ 9 lô dầu khí mà phía Trung Quốc mời thầu quốc tế nằm
hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam


Những ngày qua, Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố như quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; mời thầu khai thác 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam gây quan ngại sâu sắc. Theo đó, giới hạn phía tây của các lô chỉ cách khu vực bờ biển Quảng Ngãi 76 hải lý (hơn 140km), cách bờ biển phía bắc Nha Trang 60 hải lý (110km), điểm gần nhất cách Nha Trang và Phan Thiết 57 hải lý (105km), cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý (55km).

Không thể có cái gọi là “thành phố Tam Sa”

Ít nhất từ thế kỷ 17, Việt Nam đã thực thi quyền chủ quyền, tiến hành quản lý, khai thác hòa bình liên tục hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi nó chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào. Các chứng cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang được lưu giữ không chỉ ở các cơ quan lưu trữ của Việt Nam mà còn đang được lưu giữ ở trung tâm lưu trữ của các nước như Pháp, Mỹ, Nhật, Hà Lan, Anh... Trong khi đó, sử sách các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc đều khẳng định, cương vực của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, các bản đồ của Trung Quốc cho đến tận đời nhà Thanh cũng chỉ vẽ điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam chứ không gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Qua những phân tích trên cho thấy việc ngày 21-6, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái và không có giá trị pháp lý.

Thủ đoạn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

Việc Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu khai thác 9 lô dầu khí tại vùng biển của Việt Nam vừa qua là một phần trong chiến lược từ lâu nhằm độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Chiến lược này của Trung Quốc là dùng thủ đoạn biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách biến vùng biển tranh chấp thành vùng biển của Trung Quốc. Động thái của CNOOC chỉ là một trong số nhiều hành vi của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền một cách phi pháp nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm toàn bộ biển Đông theo bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ bằng luật pháp quốc tế

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa giữa các nước xung quanh biển Đông. Đây là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. Sau khi UNCLOS 1982 được thông qua ngày 30-4-1982, Việt Nam là một trong số 107 quốc gia tham gia ký. Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Tham gia UNCLOS 1982, Việt Nam được quốc tế thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước khoảng gần một triệu km2, rộng gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Trước những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, ngày 27-6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao Công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc phản đối việc CNOOC mở thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Cũng trong ngày 27-6, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức họp báo, khẳng định, hành động của CNOOC là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với UNCLOS 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở biển Đông. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị và Hội Dầu khí Việt Nam đã lên tiếng cực lực phản đối hành động sai trái của CNOOC.

Hành động của Trung Quốc còn vấp phải sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế. Bình luận trước việc CNOOC mời thầu thăm dò, khai thác tại 9 lô trên biển Đông, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Liberman (Giô Lai-bơ-man) ngày 28-6 cho rằng, đây là tuyên bố vô căn cứ và chưa hề có tiền lệ. Ông Liberman khẳng định, các lô dầu khí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được luật pháp quốc tế thừa nhận. Thượng nghị sĩ Liberman nói: "Đây là hành động khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình trong luật quốc nội vào tuần trước. Những lời lẽ khiêu khích như vậy phải chấm dứt ngay". Trước đó, trong các phiên thảo luận tại Hội thảo quốc tế về biển Đông tại Thủ đô Washington (Oa-sinh-tơn, Mỹ) ngày 27-6, các học giả đến từ Australia (Ô-xtrây-li-a), Mỹ, Nhật Bản... khẳng định, các lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)

Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng


Tại buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội hôm 29-6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng, bức xúc trước những hành động gần đây của Trung Quốc liên quan đến biển Đông. Trước những tâm tư của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Về biển Đông, chúng ta khẳng định chủ quyền từ lâu, giờ Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tiếp tục khẳng định hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, xảy ra tranh chấp gì thì đối thoại hòa bình, giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên quyết giữ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đó là vấn đề thiêng liêng.

(0) Bình luận
Cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ lãnh thổ