Cơ sở để khai thác tiềm năng phát triển

08/03/2012 07:08

Quy hoạch tốt, sự chỉ đạo xuyên suốt, khớp nối hạ tầng hợp lý theo quy hoạch thì tỉnh mới có vị thế đối ngoại tốt để kêu gọi đầu tư phát triển...



Thị trấn Kẻ Sặt đang phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2020


Vừa qua, Hải Dương đã công bố quy hoạch vùng của tỉnh. Quy hoạch vùng nhằm cụ thể hóa tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, kết nối đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội, kinh tế trọng điểm Bắc Bộ  và đồng bằng sông Hồng có liên quan.

Tỉnh ta hiện có 10 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, phân bổ ở 3 không gian tự nhiên kinh tế tương đối rõ rệt. Thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn nằm phía bắc tỉnh, trên hành lang quốc lộ 18 và là vùng đất đồi núi xen kẽ, thuận lợi trồng cây công nghiệp và phát triển công nghiệp, du lịch. Khu vực này đã có các cụm công nghiệp sản xuất điện, xi măng và một số vật liệu xây dựng khác, có di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc đang xây dựng lễ hội thành quốc lễ, có cảnh quan Bến Tắm. Ngoài ra có chuỗi thị trấn Phả Lại, Sao Đỏ, Kinh Môn, Minh Tân, Phú Thứ nên có khả năng đô thị hoá cao. Không gian kinh tế trung tâm dọc hành lang quốc lộ 5, có điều kiện phát triển công nghiệp - dịch vụ, mức độ đô thị hoá nhanh. Các đô thị dọc hành lang này là TP Hải Dương, các thị trấn Kẻ Sặt, Lai Cách, Cẩm Giàng, Nam Sách, Gia Lộc, Phú Thái. Không gian kinh tế phía nam có đặc trưng của vùng kinh tế nông nghiệp sinh thái, chưa có nhiều điều kiện phát triển công nghiệp - dịch vụ mà chỉ có tiểu, thủ công nghiệp tập trung ở các thị trấn Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà... nên mức độ đô thị hoá thấp và là khu vực phát triển chậm nhất tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tiến Hóa, tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh hiện mới đạt 21%, thấp hơn trung bình cả nước (28%). Tốc độ đô thị hoá ở các thị trấn huyện lỵ cũng còn thấp, dáng dấp nông thôn còn nhiều... Do đó, tỉnh ta cần nỗ lực rất lớn mới có thể tiến kịp xu thế phát triển. Dự báo đến năm 2020 tỉnh ta sẽ có tỷ lệ đô thị hóa đạt 40 - 42%, năm 2030 đạt trên 62%.

Điểm nhấn quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là sẽ hình thành 3 cụm đô thị động lực mạnh: TP Hải Dương - hành lang quốc lộ 5; Chí Linh - Kinh Môn; Thanh Miện và khu vực phía nam. Phát triển theo các trục hành lang tạo thành mạng lưới, khung phát triển của quy hoạch lãnh thổ tỉnh. Định hướng phát triển công nghiệp gồm 25 khu công nghiệp (KCN) có tổng diện tích gần 5.400ha và gần 40 cụm công nghiệp.

Hệ thống đô thị được định hướng gồm TP Hải Dương là hạt nhân (đạt đô thị loại I trước năm 2020) phát triển chủ yếu về phía tây dọc quốc lộ 5 hướng về thị trấn Lai Cách và phía nam dọc theo trục đường mới 62m kéo dài đến thị trấn Gia Lộc. Tại đây đang và sẽ hình thành nhiều cụm trung tâm như dịch vụ thương mại, tài chính, y tế, đào tạo nghề, thể dục thể thao... các công viên cây xanh được bố trí 2 bờ sông Sặt, tạo cảnh quan sinh thái. Dự báo TP Hải Dương sẽ phát triển nhanh là do có hàng loạt các khu, cụm công nghiệp đã và đang hình thành, nhiều trung tâm dịch vụ lớn, khu đô thị mới, nhiều công trình đầu mối hạ tầng.

Thị xã Chí Linh là đô thị trung tâm khu vực phía bắc tỉnh, trung tâm năng lượng cấp vùng. Năm 2025, dự kiến dân số đô thị này khoảng 14 – 15 vạn người, khu vực nội thị với khoảng 10 phường (hiện là 8 phường) phân bổ dọc theo hành lang quốc lộ 18 từ Phả Lại tới Hoàng Tân. Chí Linh tập trung nhiều nguồn lực phát triển công nghiệp (công nghiệp năng lượng, công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến...), phát triển du lịch (du lịch cảnh quan - di tích - nghỉ ngơi vui chơi giải trí, du lịch văn hoá, sinh thái). Đồng thời, Chí Linh lại là một hành lang kỹ thuật quan trọng (quốc lộ 18, đường cao tốc Nội Bài -  Hạ Long, 2 tuyến đường sắt, các tuyến đường điện cao thế, thông tin liên lạc, các cầu và nơi hội tụ 6 sông lớn). Quy hoạch vùng tập trung bảo đảm về quỹ đất công nghiệp, du lịch, công nghiệp - quốc phòng, gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa.

Chuỗi thị trấn Kinh Môn, Minh Tân, Phú Thứ phát triển thành thị xã Kinh Môn vào năm 2015; thị trấn Sặt (Bình Giang) mở rộng và nâng cấp lên đô thị loại IV và thành thị xã vào năm 2020; các thị trấn Phú Thái (Kim Thành), Ninh Giang và Thanh Miện nâng cấp thành đô thị loại IV khoảng năm 2025... Quy hoạch cũng thể hiện quan điểm lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2015 - 2020 gồm các công trình kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật,  nâng cấp và quy hoạch mới các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và các cảng nội địa, bến bãi…

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương là tiền đề và cơ sở quan trọng để quản lý, khai thác hiệu quả những tiềm năng và nguồn nội lực. Từ đó, quy hoạch phải được hiện thực hóa bằng các dự án đầu tư, xây dựng hiệu quả. Trong đó cần thực hiện nhanh việc điều chỉnh quy hoạch chung để mở rộng TP Hải Dương (lần 2), điều chỉnh địa giới hành chính các huyện và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch phải tuân thủ quy định về hạn chế lấy đất nông nghiệp và chuyển dịch địa giới các xã, tham khảo ý kiến phản biện của chuyên gia, của các nhà đầu tư để tránh điều chỉnh về sau. TP Hải Dương sẽ là một đô thị hiện đại, có bản sắc. Lộ trình của quy hoạch bao gồm 3 thời kỳ: thời kỳ 2010 - 2020, phát triển Hải Dương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; thời kỳ 2021 - 2030, tăng trưởng kinh tế cao, đô thị hóa mạnh; từ năm 2031 đến giữa thế kỷ, phát triển bền vững. Thực hiện thành công quy hoạch vùng, Hải Dương sẽ phát triển năng động, hiệu quả, thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của quốc gia và khu vực.

GS.TS Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương quan trọng nhất là khai thác được nguồn lực địa phương, vị trí trung tâm, giao thông thuận tiện, nhân lực chất lượng để phục vụ phát triển đô thị hiện đại. Quy hoạch tốt, sự chỉ đạo xuyên suốt, khớp nối hạ tầng hợp lý theo quy hoạch thì tỉnh mới có vị thế đối ngoại tốt để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở để khai thác tiềm năng phát triển