Hải Dương đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng vốn có, đồng thời tạo thương hiệu điểm đến, nâng cao sức cạnh tranh.
Khu du lịch đảo Cò (Thanh Miện) mới chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan thuần tuý, dịch vụ bổ trợ còn nghèo nàn
Tiềm năng lớn
Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" đã xác định rõ 8 sản phẩm du lịch đặc thù để định hướng phát triển.
Đó là sản phẩm về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng ở Hồng Phong (Ninh Giang); tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực vùng đồng bằng sông Hồng tại đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); “Con đường khoa cử Việt” kết nối làng tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang) với Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) - đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách) - đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Chí Linh); "Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” ở thôn Chu Đậu, xã Thái Tân (Nam Sách) kết nối với Bảo tàng tỉnh Hải Dương; du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt ở khu vực sông Hương (Thanh Hà); du lịch nghỉ dưỡng - thiền/dưỡng sinh ở khu hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm (Chí Linh); chạm khắc gỗ Đông Giao - nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ xứ Đông ở xã Lương Điền (Cẩm Giàng) và văn hóa ẩm thực người xứ Đông ở xã An Thanh (Tứ Kỳ).
Phường múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) nên xây dựng hoạt động tham gia chế tác con rối với sự hướng dẫn của nghệ nhân để hấp dẫn du khách
Đây là những sản phẩm du lịch đặc thù mà các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng không có được, nếu có thì tính đặc sắc khó bằng Hải Dương. Tuy nhiên, đến nay Hải Dương vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc thù theo đúng nghĩa, mặc dù đã có một số sản phẩm được hình thành.
Bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Tràng An (Hà Nội) cho biết: "Từng về Hải Dương khảo sát, tôi thấy hầu hết các điểm đến trên đều có giá trị cảnh quan, lịch sử, văn hoá truyền thống đặc sắc. Nếu được xây dựng bài bản sẽ rất hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, những điểm đến này mới dừng lại ở hoạt động tham quan thuần tuý, cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, dịch vụ bổ trợ nghèo nàn, rất khó hình thành sản phẩm chào bán".
Cần tạo cú hích
Đã từng tới đảo Cò, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội cho rằng ngoài tăng cường các dịch vụ bổ trợ, cần khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây là sản phẩm du khách quốc tế, du khách thành thị thích khám phá và có thể níu khách ở lại qua đêm. Với làng gốm cổ Chu Đậu, cần phát triển dịch vụ trải nghiệm để du khách tham gia vào quy trình sản xuất truyền thống. Làng chạm khắc gỗ truyền thống Đông Giao cũng tương tự. Những sản phẩm này cần đầu tư, xây dựng rõ nét, bài bản và chuyên nghiệp mới có thể chào bán.
Bà Hoàng Thị Thuý, đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) cho rằng ngoài quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, các điểm đến trên cần quan tâm dịch vụ bổ trợ phong phú. Phường múa rối nước Hồng Phong cần xây dựng hoạt động tham gia chế tác con rối với sự hướng dẫn của nghệ nhân. Xây dựng tour kết nối làng tiến sĩ Mộ Trạch với di tích Văn miếu Mao Điền, đền thờ Mạc Đĩnh Chi, đền thờ thầy giáo Chu Văn An và đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ để hình thành sản phẩm du lịch đặc thù “Con đường khoa cử Việt”.
Du khách sẽ rất thích thú nếu được tham gia vào quy trình làm gốm tại Chu Đậu (Nam Sách)
Với văn hóa ẩm thực đặc trưng của xứ Đông là rươi, cáy Tứ Kỳ nên nghiên cứu hình thành sản phẩm theo hướng trải nghiệm quá trình đánh bắt hoặc nuôi, cách chế biến, thưởng thức món ăn...
Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù chưa phát triển khiến du lịch Hải Dương chưa có sự khác biệt. Nguyên nhân chính do nhận thức về sản phẩm du lịch đặc thù còn hạn chế và chưa nhất quán; thiếu định hướng cụ thể về phát triển hệ thống sản phẩm du lịch; năng lực quản lý nhà nước về du lịch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cũng hạn chế, thiếu sự liên kết.
Mục tiêu đến năm 2030, Hải Dương sẽ đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 4,8 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 21.000 tỷ đồng. Hải Dương hướng tới du lịch là một ngành kinh tế quan trọng với những sản phẩm du lịch đặc thù đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của du khách và là một trong 4 trụ cột quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu cũng như định hướng trên, theo ông Tiến cần tạo cú hích mạnh mẽ để phát triển du lịch Hải Dương gắn với khu vực đồng bằng sông Hồng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo nền tảng phát triển du lịch chất lượng cao. Chú trọng nâng cao nhận thức xã hội về du lịch; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; có chính sách phù hợp đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; xác định thị trường trọng tâm, phát triển sản phẩm du lịch và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển du lịch.
"Đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch tại các điểm đến. Tăng cường liên kết vùng, liên vùng và liên kết với doanh nghiệp lữ hành; tích cực xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến...", ông Tiến nói.
THẾ ANH