Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra thông điệp về công tác bảo đảm an toàn không gian mạng Việt Nam.
Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên đưa ra các cảnh báo về an toàn, an ninh mạng. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thay đổi thái độ khi tiếp nhận các cảnh báo đó, vì hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây thiệt hại về uy tín cũng như tiền bạc.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến nghị cần tham gia vào mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia để chia sẻ, tiếp nhận các thông tin về sự cố an toàn, an ninh mạng và hỗ trợ xử lý nếu cần.
Khi xảy ra các sự cố về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định trách nhiệm vào cuộc ngay lập tức. Bộ Thông tin và Truyền thông khi gửi cảnh báo sẽ phải gửi thêm bản sao cho người đứng đầu bộ, ngành, địa phương tương ứng.
Thông điệp của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh việc thống nhất, chia sẻ thông tin, phối hợp liên kết giữa các lực lượng Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao), Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng) và chủ quản Hệ thống thông tin trong công tác về an toàn, an ninh mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp, lựa chọn, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển các sản phẩm về an toàn, an ninh mạng, sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc để bảo đảm một không gian mạng an toàn cho Việt Nam.
Trên thực tế, theo khảo sát của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp thực hiện, bên cạnh những yếu tố khác, điểm yếu nhất của các cơ quan và tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn là nhận thức về an toàn thông tin.
Báo cáo đánh giá cho biết xếp hạng mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2018 được Cục An toàn thông tin công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy tỷ lệ cơ quan có khả năng ghi nhận tấn công mạng là 25,3%; tỷ lệ cơ quan có hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng chỉ chiếm 9,2%; tỷ lệ cơ quan có quy trình thao tác chuẩn ứng phó sự cố là 35,7%.
Đáng chú ý, báo cáo cũng cho thấy có tới 51,82% cơ quan tự đánh giá an toàn thông tin chưa được ưu tiên đúng mức và gần 30% cơ quan cho rằng lãnh đạo chưa quan tâm đến an toàn thông tin.
Theo Vietnam+