Cô giáo Lương Thị Nụ, Trường Tiểu học Gia Hòa (Gia Lộc) đã mang về cho ngành giáo dục và đào tạo Hải Dương một giải nhất, một giải nhì Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc vào các năm 2011 và 2021.
Cô giáo Nụ đồng hành với học sinh trong phong trào văn hóa, văn nghệ
Truyền cảm hứng
Chị Nụ sinh năm 1981, là con thứ ba trong một gia đình nghèo có 4 người con tại xã Gia Xuyên (TP Hải Dương). Bố là bộ đội xa nhà, mẹ làm nông nghiệp nên chị Nụ trải qua tuổi thơ vất vả, thiếu thốn.
Tuy khó khăn, vất vả nhưng từ nhỏ niềm đam mê ca hát của chị đã rất mãnh liệt. Chị có giọng hát cao, trong sáng và truyền cảm nên từ nhỏ đã tham gia nhiều chương trình văn nghệ cấp trường và địa phương. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương. Giai đoạn này, bố chị mất, anh cả bị ung thư nên hoàn cảnh gia đình ngày càng khó khăn hơn. Chị đã nỗ lực học tập, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động phong trào do Tỉnh đoàn tổ chức. Vừa đi học, chị vừa tranh thủ đi làm, nhận hát tại đám cưới và các quán cà phê tại TP Hải Dương để hỗ trợ gia đình. Ngay từ khi còn học tại trường, chị đã được Công ty Than Mạo Khê tuyển về để phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ. Ở đó 4 năm, đến năm 2007, chị quyết định trở về Trường Tiểu học Gia Hòa công tác.
Thời gian đầu công tác trong ngành giáo dục và đào tạo, chị Nụ cảm thấy chạnh lòng khi cha mẹ học sinh ít quan tâm đến các môn như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục... của các con. Nhưng sau này chị đã tìm ra niềm vui trong công việc cũng như cách truyền cảm hứng cho học trò bằng cách đa dạng hóa phương pháp tiếp cận môn học để tạo cảm hứng cho học sinh. Vừa dạy hát, chị vừa dạy các em phát âm chuẩn, tròn, rõ chữ, truyền cảm, đệm đàn cho học sinh hát, thông qua các bài hát để giáo dục học sinh thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước. Mỗi dịp kỷ niệm của nhà trường có tổ chức chương trình văn nghệ, chị đồng hành với học sinh các lớp tập luyện các tiết mục văn nghệ. “Khi thấy môn học của mình giúp học sinh giảm bớt áp lực học tập, tạo thêm niềm vui trong cuộc sống, tôi rất vui”, chị Nụ chia sẻ.
Kỷ niệm khó quên
Năm 2021, chị Nụ là một trong hai giáo viên được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ định tham gia Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc năm 2021 do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. Cuộc thi này được tổ chức 5 năm/lần. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên liên hoan diễn ra dưới hình thức ghi hình tiết mục dự thi gửi về tham gia vòng chung khảo toàn quốc. Chị Nụ chỉ có 5 ngày để chuẩn bị ghi hình thể hiện tác phẩm để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Đó là tác phẩm “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho. Là một trong những bài hát “đi cùng năm tháng” nên việc hòa âm phối khí lại ca khúc này không dễ nhưng chị Nụ đã quyết tâm thực hiện để "Đất nước lời ru" không chỉ là giai điệu trữ tình mà còn thể hiện khí thế hào hùng, sức mạnh, ý chí dân tộc qua bản phối lại của riêng mình. Đây cũng là ca khúc phù hợp với chất giọng truyền cảm của chị. Vì thế khi quay ca khúc này tại sân khấu của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chị đã biểu diễn khá tự tin và hài lòng với chất lượng video khi gửi đến cho Ban tổ chức. Dù gặp sự cố kỹ thuật khiến tác phẩm của chị không phát được trọn vẹn trên fanpage Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhưng tác phẩm vẫn được Ban tổ chức đánh giá cao và giành giải nhì cuộc thi.
Trước đó năm 2011, chị cũng có kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia cuộc thi này. Năm đó chị chọn tác phẩm hát ru "Khúc hát người mẹ trẻ" do tác giả Khúc Hà Linh sáng tác và giành giải nhất tỉnh. Chị dự định mang tác phẩm này đi thi cấp quốc gia nhưng sau đó lại đổi sang hát ca trù. Ý tưởng này do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thời điểm đó gợi ý vì Hải Dương là một trong những địa phương có không gian hát ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Tác phẩm ca trù “Ca ngợi thầy giáo Chu Văn An” do nhạc sĩ Ngọc Cuông sáng tác là tác phẩm chị Nụ thể hiện tại liên hoan.
Dù rất thích tác phẩm này nhưng chị Nụ cũng khá lo lắng vì từ khi học nhạc đến lúc đó chị chưa từng hát ca trù. Để thể hiện tốt tác phẩm, chị đã gặp gỡ một số người trong nghề để học cách hát ca trù, cách nhả chữ, luyến láy, gõ thanh, gõ phách, cách hát để giọng hòa quyện với đàn nguyệt… “Lần đó, sau khi hát xong tại sân khấu của Trung tâm Văn hóa Bắc Ninh, cả hội trường òa lên tiếng vỗ tay. Cuối cùng tác phẩm giành được giải cao nhất của cuộc thi, tôi xúc động và cảm nhận nỗ lực của mình đã được đền đáp”, chị Nụ nhớ lại.
Nhận xét về chị Nụ, cô Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gia Hòa chia sẻ: “Cô Nụ luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là một giáo viên tài năng, nhiệt tình trong hoạt động phong trào của nhà trường và các cấp”.
VIỆT QUỲNH