Có nỗi nhớ đi cùng năm tháng

19/12/2021 09:20

Ông bảo ông sinh ra đúng vào những ngày cuối tháng 12, khi Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Ông bảo ông sinh ra đúng vào những ngày cuối tháng 12, khi Bác Hồ đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Thời đó, bụng ai cũng đói mà hừng hực khí thế chống giặc, sẵn sàng tham gia kháng chiến cứu quốc. Thế rồi không khí hào hùng của thời đại như ngấm vào máu thịt ông lúc nào chẳng biết, để rồi chưa đầy 20 tuổi, ông đã gia nhập quân ngũ. Và đến nay, dù đã ở cái tuổi nhớ nhớ quên quên nhưng những kỷ niệm một thời kháng chiến trong trái tim ông vẫn tuôn trào nhiệt huyết như chuyện mới ngày hôm qua.

Thời còn lẽo đẽo theo ông, tôi say mê những câu chuyện đời lính ông vẫn thường kể. Đó chẳng phải là những chuyện cổ tích như trong lời kể của bà, của mẹ, vậy mà vẫn hấp dẫn tôi đến lạ lùng. Ông kể chuyện ở rừng, tự làm lán trại để che mưa che nắng, về cách ngụy trang để không bị quân địch phát hiện ra. Ông kể về tình quân dân, khó khăn là thế nhưng những gì tốt đẹp nhất, người dân nơi đâu cũng dành cho tiền tuyến, cho bộ đội. Ông còn kể về những buổi chiều nhớ nhà, những lần hiếm hoi nhận được thư của bà, niềm hạnh phúc cứ thế vỡ òa, xem đó như là những báu vật trên mọi nẻo đường hành quân. Ông kể bằng chất giọng hào sảng của người lính kèm theo những cử chỉ dứt khoát, mạnh mẽ của tay về những chiến công vang dội. Có lúc giọng ông lại trầm ngâm, ngậm ngùi đến lạc giọng khi nói về những đồng đội cùng chung chiến hào, từng sát cánh bên ông đã một đi không trở về…

Chiến tranh kết thúc, dù là một thương binh nhưng ông luôn cảm thấy hạnh phúc vì mình còn may mắn được gặp lại gia đình, xóm giềng; được sống trên mảnh đất quê nhà, thấy quê hương ngày một thay da đổi thịt. Ngoài tinh thần lạc quan, vượt khó, lối sống giản dị, cần kiệm, những thói quen sinh hoạt của đời lính ngày nào ông vẫn nhớ, vẫn giữ cho đến tận bây giờ. Nào là ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, đúng giờ giấc. Nào là sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Nào là đã nói thì phải làm, biết yêu thương và sẻ chia… 

Những ngày lễ lớn của Đảng, của quân đội, tôi lại thấy ông mở chiếc rương gỗ của ông ra, ngắm nghía kho báu kỷ vật. Là đôi dép cao su vẫn còn đen bóng, là chiếc bình tông đã móp méo, là bộ quân phục sờn màu ố vàng và có cả những huân, huy chương kháng chiến… Ông nâng niu từng kỷ vật, rưng rưng niềm xúc động xen lẫn tự hào. Từng câu chuyện gắn với mỗi kỷ vật lại ùa về vẹn nguyên và ông lại kể rành rọt, chi tiết cho con cháu nghe như thể mới kể lần đầu. 

Suốt một thời cắp sách tới trường, bên cạnh lời cô giáo giảng, bên những trang sách sử còn thơm mùi giấy mực, ông còn bồi đắp cho tôi những hiểu biết về những chiến sĩ vô danh, nhất là những con người đã dành trọn trái tim yêu thương của cả dân tộc như Cụ Hồ, bác Giáp. Hiểu rõ, nhớ lắm những gian khổ, đau thương trong chiến tranh nên ông yêu lắm, trân trọng lắm cuộc sống thời bình. Bởi thế, câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác Hồ luôn được ông tâm đắc, xem như một chân lý sống cao cả.

Những kỷ niệm kháng chiến, những nhân vật lịch sử một thời, dù ông đã kể đến trăm lần nhưng tôi vẫn chăm chú lắng nghe. Càng nghe, tôi càng thương yêu, trân trọng ông lại càng luyến thương quá khứ.

Tản văn của LÊ THỊ XUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nỗi nhớ đi cùng năm tháng