Cờ người - Môn thể thao dân tộc hấp dẫn

17/04/2010 07:02

Ngay từ lần đầu tiên phục dựng môn cờ người nhằm khôi phục những tinh hoa văn hóa của các vùng quê gắn với truyền thống lịch sử, tôn vinh văn hiến tỉnh Đông đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt.


Một trận đấu cờ người tại lễ hội mùa xuân Văn miếu Mao Điền 2010. Ảnh: Tăng Bá Hanh.
Cờ người là môn thể thao cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được hình thành từ xa xưa, tại các làng, xã thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Do việc chơi cờ người đòi hỏi công phu, chi phí khá tốn kém nên việc tổ chức chơi cờ người trong các lễ hội trên địa bàn tỉnh ta đã bị mai một theo thời gian. Để phục dựng một môn thể thao độc đáo, góp phần hưởng ứng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vừa qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thi đấu cờ người tại lễ hội truyền thống mùa xuân Văn miếu Mao Điền 2010.

Theo ông Phạm Sỹ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, bản chất của cờ người chính là cờ tướng dùng người thay quân cờ di chuyển trên bàn cờ có mặt bằng rộng rãi. Không như thi đấu cờ tướng bằng bàn con, chơi cờ người cũng lắm công phu. Trước hết bàn cờ người là một bãi sân rộng, thường là sân đình. Bàn cờ được bố trí như "một trận địa", có tầng có lớp, đủ các binh chủng trên chiến trường: Tượng, xe, pháo, mã, tốt. Các quân được chia thành ba lớp xen kẽ hài hoà, lại còn có cả sông, cung cấm. Hình tượng quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, quan ở nhà, quân ra trận. Ðịnh được bàn cờ - sân bãi mới chỉ là việc phụ. Quan trọng nhất là việc tuyển người. Những người được chọn làm quân cờ phải là những trai thanh, gái lịch, con cái của những gia đình có nền nếp được dân làng quý trọng. Số lượng cần thiết là 16 nam, 16 nữ. Trong số này chọn ra một Tướng Ông, một Tướng Bà. Ngoài ra, không thể thiếu người thứ 33 là trịch cờ (trọng tài) trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi cuộc đấu. Chọn người xong, trịch cờ tập hợp hai đội nam, nữ thông báo về trang phục (một bên xanh, một bên đỏ), dặn dò về phong thái trong lúc làm nhiệm vụ "quân cờ". Mỗi "quân cờ" có ghế đẩu ngồi, tướng có lọng che, trên ngực và sau lưng áo các "quân cờ" đều in tên quân bằng chữ Hán. Hai người chơi cờ (cai cờ) ngồi trên ghế cao trực tiếp quan sát trận đấu và chỉ đạo quân cờ dưới sự giám sát của trịch cờ. Mỗi khi di chuyển quân cờ đều có trống lệnh và mỗi lần thắng (ăn quân) đều có trống đại vang lên rộn rã. Bên cạnh sự náo động của các trò chơi khác trong các lễ hội như chọi gà mang tính "ăn thua"; hoặc cuộc đấu vật thiên về sức mạnh cơ bắp, thì cái đẹp của sân cờ người là sự tinh tế, rèn cho người chơi tâm trí sáng suốt, tư duy lô-gích, sự điềm đạm. Các trận đấu cờ người thường thu hút đông đảo quần chúng tới xem, tạo không khí vui tươi cho ngày lễ hội.

Từ xưa, ở tỉnh Hải Dương, cờ người đã trở thành một môn chơi hấp dẫn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Lịch sử cũng ghi nhận: Hải Dương có những người giỏi cờ vang danh khắp thiên hạ. Làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) không chỉ là "Lò tiến sĩ xứ Đông" với 39 vị tiến sĩ nho học mà còn là nơi sinh ra Trạng cờ Vũ Huyên nổi tiếng.

Ngày nay, ở tỉnh ta việc khôi phục những tinh hoa văn hóa của các vùng quê gắn với truyền thống lịch sử là một việc làm hết sức thiết thực nhằm tôn vinh văn hiến tỉnh Đông. Trong lễ hội truyền thống mùa xuân Văn miếu Mao Điền vừa qua, môn thi đấu cờ người đã được phục dựng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Nổi bật trong trang phục "quân cờ" đỏ, xanh là các em học sinh Trường  THCS Cẩm Điền (Cẩm Giàng). Người chơi là những kỳ thủ đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Trong tiếng trống lệnh rộn rã, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, trận cờ ly kỳ, hấp dẫn đã làm cho không khí lễ hội thật vui tươi, náo nhiệt. Theo ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, Trưởng ban Quản lý di tích Văn miếu Mao Điền, do mới được phục dựng nên cờ người mới chỉ thi đấu biểu diễn, chưa tổ chức thành giải. Việc đưa môn cờ người vào thi đấu trong lễ hội còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm tổ chức, chi phí khá tốn kém. Để có thể đánh cờ người, ban tổ chức lễ hội phải thuê đạo diễn chương trình, thuê trang phục, trang thiết bị... Tuy vậy, ngay từ lần đầu tiên phục dựng, môn cờ người đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt. Rút kinh nghiệm từ lần đầu tổ chức, ông Mậu cho biết, từ năm 2011, lễ hội Văn miếu Mao Điền sẽ tổ chức giải thi đấu cờ người, với quy mô lớn, quy tụ nhiều kỳ thủ ở khắp các địa phương tham dự.

VĂN NGHIỆP

(0) Bình luận
Cờ người - Môn thể thao dân tộc hấp dẫn