Có nên coi giáo dục là dịch vụ?

01/06/2018 09:03

Coi giáo dục là một ngành dịch vụ, tức là thiên về khía cạnh kinh tế chứ không phải một lĩnh vực xã hội đặc thù. Khi đó, người học sẽ dễ dàng hiểu rằng mình là người mua chữ.

Sáng 30.5, trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trước đó, dư luận cũng đã có nhiều ý kiến phản đối tương tự bởi vấn đề không đơn giản chỉ là sự thay đổi về mặt câu từ mà nó còn phản ánh sự thay đổi về bản chất của loại hình giáo dục đào tạo trong đời sống kinh tế - xã hội. Sự thay đổi này có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường.

Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế. Khái niệm này đã quen thuộc với toàn thể người dân từ trước đến nay nên tất cả đều hiểu nội hàm của nó là chi phí người học phải trả khi đến trường. Xét về nội dung của khái niệm "giá dịch vụ đào tạo" thì cách hiểu không mấy khác, song cách tiếp cận bản chất của ngành giáo dục và đào tạo lại có sự khác biệt lớn. Đó là coi giáo dục là một ngành dịch vụ, tức là thiên về khía cạnh kinh tế chứ không phải một lĩnh vực xã hội đặc thù. Khi đó, người học sẽ dễ dàng hiểu rằng mình là người mua còn nhà trường, giáo viên là người bán, hàng hóa ở đây là các khóa học, kiến thức.

Với cách hiểu đó, sẽ có sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ thầy - trò. Yếu tố trao đổi, mua bán được chú trọng hơn thì khía cạnh đạo đức, tình cảm sẽ bị suy giảm. Điều này không phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc ta. Trong xã hội Việt Nam từ nhiều đời nay, mối quan hệ thầy - trò được xem là một trong những quan hệ căn bản, nền tảng của đạo đức xã hội. Những câu tục ngữ như: “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Không thầy đố mày làm nên” … đã khẳng định vị thế của người thầy giáo đồng nghĩa với tôn vinh sự hiếu học của dân tộc ta. Người giáo viên được xem như "những kỹ sư tâm hồn" góp phần quan trọng xây dựng nhân cách, đạo đức cho các thế hệ học trò. Nếu quan hệ thầy - trò được nhìn nhận đơn thuần là sự trao đổi sòng phẳng giữa tiền bạc và kiến thức thì sự tôn trọng người thầy ít nhiều sẽ bị suy giảm, việc giáo dục đạo đức cho học sinh sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.

Khi giáo dục thiên về thương mại thì cơ hội học tập cho toàn thể người dân, đặc biệt là những đối tượng có kinh tế khó khăn sẽ bị giảm sút. Điều này đi ngược lại với chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước ta. Có những ngành đào tạo nếu tính đúng, tính đủ chi phí thì người học sẽ phải trả giá rất cao như ngành y, dược, các ngành kỹ thuật. Trong khi đây là những ngành học khó và rất cần thiết cho sự phát triển của xã hội. Khi chi phí người học phải đóng tăng cao thì những ngành này sẽ chỉ thu hút được những thí sinh thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Về lâu dài, sẽ khó lòng bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho những ngành đó và hậu quả là sự phát triển chung của nước nhà sẽ phải gánh chịu.

Thay vì tìm cách thương mại hóa nền giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng chiến lược nâng tầm chất lượng đào tạo và tham mưu xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách "cởi trói" cho các trường đại học trong tự chủ tài chính để đa dạng hóa nguồn thu chứ không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào học phí như hiện nay.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên coi giáo dục là dịch vụ?