Giáo dục

Có nên bỏ kỳ thi "2 trong 1", khôi phục thi đại học?

Theo VTC News 26/11/2023 14:30

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, đâu là phương án phù hợp, có thể mang lại sự thỏa đáng và khách quan nhất?

Những cơn mưa điểm 10 của kỳ thi 3 chung khiến điểm chuẩn vào đại học trở nên khó lường. Những đề thi trắc nghiệm gây nhiều tranh cãi? Tình trạng gian lận thi cử tại một số địa phương khó kiểm soát…

Đó có phải là những bất cập đã, đang và sẽ tiếp tục nảy sinh sau 8 năm tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng?

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia? Đâu là phương án phù hợp, có thể mang lại sự thỏa đáng và khách quan nhất?

Có nên bỏ kỳ thi '2 trong 1', khôi phục thi đại học? - 1

Những bất cập trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức quyết định gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học vào làm một với kỳ vọng, giúp các trường đại học có thể sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng mục tiêu của kỳ thi THPT không đạt được như kỳ vọng: "Kỳ vọng về việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT cho việc xét tuyển đại học… mục tiêu không cao lắm, nhất là khi sự phân hóa không cao lắm, đặc biệt ít sự phân hóa trong kỳ thi THPT hàng năm".

Bên cạnh đó, việc chuyển từ thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm từ năm 2017 đã tạo thành cơn mưa điểm 10 với trên 4.200 bài thi, gấp 70 lần so với năm 2016. Điểm thi cao khiến điểm chuẩn của các trường tăng cao đột biến, thậm chí vượt qua mức 30 điểm, khiến không ít thí sinh và các phụ huynh không kịp trở tay.

Đặc biệt, việc chuyển đổi môn Toán thi trắc nghiệm cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi không phát huy được kỹ năng tư duy logic, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề của học sinh và chưa tạo sự công bằng trong học tập và thi cử. Nhiều học sinh trông vào sự may rủi hơn là tập trung tự ôn tập.

Em Lê Đức Trí, sinh viên năm thứ nhất, Học viện Ngân hàng, Hà Nội bày tỏ: "Với cách thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, các môn đều thi bằng hình thức trắc nghiệm, ngay cả môn Toán, nên điểm thi không phản ánh đúng thực chất năng lực học tập của học sinh và không phát huy tư duy logic.

Nhiều bạn trong lớp học bình thường nhưng khi thi điểm đứng đầu lớp. Hoặc điểm thi tốt nghiệp các môn quá cao dẫn đến điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường đại học rất cao, 27, 28 điểm mới đỗ đại học, thậm chí, nhiều trường hợp thủ khoa thi Tốt nghiệp vẫn trượt đại học".

Theo một số chuyên gia, kỳ thi THPT thực chất là để xem xét chất lượng dạy và học có đạt được những yêu cầu do Nhà nước đề ra trong chương trình giáo dục phổ thông. Thực tế cho thấy, hiện nay, có trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp, thậm chí tại nhiều địa phương con số này lên tới trên 100%.

Trong khi, Việt Nam đang hướng tới phổ cập THPT, theo một thính giả, chất lượng tốt nghiệp THPT chỉ cần yêu cầu ở mức trung bình, không nhất thiết đầu tư quá lớn cho một kỳ thi hay thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt giữa các trường.

Một thính giả nêu ý kiến: "Hàng năm, dù là thi theo kiểu nào tập trung hay không tập trung… đều bộc lộ những bất cập như tốn tiền, tức là chúng ta sẽ mất quá nhiều tiền, hàng nghìn tỷ rồi. Thứ hai, việc tuyển sinh đại học dựa trên điểm thi THPT cũng không khoa học chút nào, do đó nó không đạt được yêu cầu. Việc tuyển sinh đại học không ăn nhập với kỳ thi THPT. Theo tôi, không nên thi theo kiểu bây giờ tốn kém, làm sao thi được phải để đỡ tiền. Thi đại học nên tách riêng ra".

Một số ý kiến cho rằng, cần xem xét lại cách thức tổ chức thi THPT hiện nay, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, từ đó đửa giải pháp tháo gỡ, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cần sự đổi mới trong kỳ thi THPT

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù, thời gian qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa đạt được kỳ vọng về việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT cho việc xét tuyển vào đại học do thiếu sự phân hóa, nhưng nó vẫn rất cần thiết.

"Kỳ thi THPT quốc gia rất quan trọng để xếp hạng các trường THPT, các cơ sở giáo dục và đào tạo, đồng thời đánh giá tình hình học tập của các học sinh. Những môn nào học sinh yếu để chúng ta có những chính sách phù hợp trong những năm tiếp theo. Do vậy, đây là một kỳ thi cần thiết. Tuy nhiên, cần có cách tổ chức như thế nào cho đỡ mệt mỏi thí sinh dự thi, không tạo sự tốn kém trong xã hội.

Thay vì tổ chức thi trong một ngày, học sinh tốn quá nhiều công sức, thời gian đi lại, thì có thể chia kỳ thi đó thành nhiều giai đoạn để các trường có thể thực hiện. Nếu áp dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các nhà trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm, đặc biệt phải trung thực thì chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi ở từng trường phổ thông dựa trên nền tảng ngân hàng đề thi quốc gia. Nếu làm được việc đó, Hiệu trưởng các trường THPT có thể cấp Giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh trong tương lai", PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nói.

Có nên bỏ kỳ thi '2 trong 1', khôi phục thi đại học? - 2

Hiện nay, đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Quốc hội, GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng, sau năm 2025 việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cần có sự cải cách cho phù hợp với tình hình thực tế:

"Còn 1 năm nữa chúng ta vẫn tiếp tục giữ kỳ thi này. Còn từ năm 2025 trở đi, theo chúng tôi vẫn tổ chức kỳ thi 2 trong 1 nhưng số môn thi tối đa chỉ 4 môn thi, trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Như vậy sẽ giảm áp lực cho học sinh. Hai môn tự chọn trong 9 môn còn lại phù hợp với chương trình, đúng với tinh thần chương trình là phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Hiện tại chúng ta đang thi 6 môn", ông Thành nêu quan điểm.

Thầy Đinh Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, về lâu dài, ngành giáo dục cần phải có lộ trình, chuẩn bị về nguồn nhân lực, lựa chọn các chuyên gia, từng bước xây dựng được ngân hàng đề thi để tạo sự chủ động trong việc tổ chức kỳ thi THPT: "Khi mà chúng ta đã xây dựng được một ngân hàng đủ để đáp ứng, một năm chúng ta có thể tổ chức kỳ thi từ 1- 2 lần. Trong tương lai vẫn là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng theo từng khu vực, theo từng địa bàn tỉnh thành phố, hướng tới lâu dài. Các trường ĐH với sự tự chủ có thể có nhiều hình thức để xét tuyển phù hợp".

Từ thực tế quá trình đi xin việc làm, theo Đinh Thế Hùng ở Hà Nội, bằng tốt nghiệp THPT chưa phải là tấm vé để xin vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp nên khâu tổ chức có thể đơn giản hóa.

"Nếu như các trường đại học có thể tự tổ chức một kỳ thi mang phong cách, yêu cầu riêng, thì họ có thể tự tổ chức mà không nhất thiết phải dựa trên kết quả theo kỳ thi THPT quốc gia. Theo quan điểm của em, cái bằng cấp 3 không còn quá là đủ để có thể xin việc đi làm phục vụ cho việc đi làm nữa. Nếu như có thể tối giản, chỉ cần cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp cho các bạn không có nhu cầu thi đại học", Hùng chia sẻ.

Theo VTC News
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên bỏ kỳ thi "2 trong 1", khôi phục thi đại học?