Có một Côn Sơn khác lạ

26/09/2021 06:05

Mùa thu này, khu di tích Côn Sơn (Chí Linh) vắng bóng du khách so với nhiều năm trước vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của thiên nhiên và cảnh quan nơi này dường như lại được tôn lên.


Với cảnh quan đặc sắc và giàu về lịch sử, văn hóa, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang phát huy ngày càng tốt hơn giá trị vốn có. Trong ảnh: Di tích Côn Sơn nhìn từ trên cao

Do dịch Covid-19, người dân trong tỉnh và du khách thập phương không được đắm mình trong những không gian đặc sắc của lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhưng ở chiều ngược lại, vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của thiên nhiên và cảnh quan khu di tích quốc gia đặc biệt này dường như lại được tôn lên.

Chốn "tùng lâm đẹp đẽ"...

Sáng sớm 23.9 (tức ngày 17.8 âm lịch), vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ Hằng ở xã Hưng Đạo (Chí Linh) là số ít người có mặt tại khu di tích quốc gia đặc biệt để dâng hương hoa lên đền thờ Nguyễn Trãi. Với một chút hoa lễ gọn nhẹ, chị Hằng cùng chồng cầu sức khỏe, cầu cho dịch bệnh sớm qua mau để người dân trở lại cuộc sống bình thường. "Trước khi có dịch, hàng vạn người trong tỉnh và ở tỉnh ngoài về làm lễ, vãn cảnh đền chùa. Nhưng từ khi có dịch, thay vì cả gia đình thì chỉ vợ chồng tôi đến đây làm lễ. Những năm gần đây, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thay đổi rất nhiều và ngày càng đẹp đẽ hơn", chị Hằng nói.

Ngày 15.2.1965, Bác Hồ về thăm Côn Sơn. Người đã căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các nhà sư tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, biến Côn Sơn thành “tùng lâm đẹp đẽ”. Khắc ghi lời Bác dạy, từ đó đến nay khu di tích không ngừng được phủ xanh với thảm cỏ, vườn hoa và những hàng cây lâu năm được giữ gìn cẩn thận. Rừng thông cổ thụ gắn với cuộc đời quan Tư đồ Trần Nguyên Đán được bảo vệ nghiêm ngặt. Xa hơn nữa, bãi rễ bạt ngàn xanh ngắt bên hồ Côn Sơn càng tôn thêm cảnh quan của khu di tích. Tại khu di tích Côn Sơn hiện có khoảng 1.500 ha rừng, chủ yếu là rừng thông, trong đó gần một nửa là rừng thông cũ, có những cây hơn 300 tuổi. Vườn thực vật Côn Sơn có hàng trăm loài được bảo tồn và liên tục bổ sung, trong đó nhiều loài có nguồn gen quý, được ghi trong Sách đỏ... 

Vắng bóng chân du khách, mùa này đường lên đền thờ Trần Nguyên Đán hay đường xuống nền nhà cũ nơi Nguyễn Trãi từng sinh sống phủ bóng rêu xanh. Hai bên vạt đường là bạt ngàn sắc hoa mua, hoa thủy tiên, thủy liễu... Dòng suối Côn Sơn trong vắt tung bọt trắng xóa càng khiến cảnh vật thêm đặc sắc.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các nghi lễ được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng, bảo đảm đúng nghi thức truyền thống. Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc không đón du khách ngoài tỉnh, chỉ có số ít khách là người dân trong tỉnh. Trong ngày đầu, chỉ có khoảng 300 du khách đến hành lễ và vãn cảnh. Tất cả du khách đều được yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, đo thân nhiệt, khai báo thông tin ngay từ cổng.


Khu di tích Côn Sơn vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong ảnh: Cảnh quan Côn Sơn nhìn từ đền thờ Trần Nguyên Đán

...và đường đến di sản thế giới

Trong vòng 10 năm trở lại đây, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc liên tục được tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch tại đây đã được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, xã hội.

Sự kiện quan trọng nhất là năm2012, khu di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Mới đây nhất, cụm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo khảo sát, đề nghị tỉnh Hải Dương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học để trình UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới. 

Lãnh đạo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết di tích được xếp hạng đặc biệt cấp quốc gia và nằm trong cụm di tích đề nghị UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là sự cố gắng rất lớn trong tìm tòi, phát huy và đưa ra với công chúng các giá trị độc đáo của di tích, cả về cảnh quan và văn hóa, lịch sử.

Trong suốt những năm qua, các hạng mục quan trọng, là thành tố góp phần thay đổi lớn về bộ mặt của di tích đã được đầu tư xây dựng. Đó là hoàn thiện khuôn viên đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán. Giai đoạn 2013 - 2014, đã có nhiều đợt khai quật khảo cổ tại Côn Sơn - Kiếp Bạc được tiến hành để phục vụ cho việc trùng tu di tích. Phục dựng tòa Cửu Phẩm liên hoa, hậu đường và tả hữu tiền hành lang, gác chuông chùa Côn Sơn các năm 2015, 2016, 2017...

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã đặc biệt quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn và tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, tuyên truyền phát huy tác dụng di tích. Tổ chức điều tra lấy tư liệu điền dã, tư liệu thành văn (văn bia, văn tế, thần tích…) qua các thời kỳ lịch sử liên quan về lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tại khu di tích và các hệ thống di tích liên quan trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, một số công trình nghiên cứu khoa học đã được hoàn thành như “Tìm hiểu hậu duệ Nguyễn Trãi từ sau vụ án Lệ Chi Viên 1442 đến nay”, “Lễ đàn Mông Sơn thí thực trong lễ hội chùa Côn Sơn”, “Vùng Vạn Kiếp trong kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII, XIV”... Đặc biệt, các nghi lễ, diễn xướng đã bị thất truyền được phục dựng, tổ chức thành công lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm...

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang trong hành trình trở thành di sản văn hóa thế giới. Với những gì đã và đang được gìn giữ, phát huy như cảnh quan đặc sắc và các trầm tích lịch sử, văn hóa vốn có, thời gian tới, khi du tích đặc biệt cấp quốc gia này sẽ tiếp tục được nâng tầm và thu hút thêm nhiều du khách.

THỦY ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một Côn Sơn khác lạ