Có một chuyện tình nơi xóm đạo

27/12/2020 13:44

Chuyện tình buồn ấy đã đi vào thơ thi sĩ Kiên Giang và âm nhạc của Huỳnh Anh.

Chuyện tình buồn ấy đã đi vào thơ thi sĩ Kiên Giang và âm nhạc của Huỳnh Anh. Từ đó, mỗi mùa Noel, trái tim tôi lại ngân nga lời thơ và khúc hát về một mối tình lãng mạn nhưng buồn thương da diết, đẹp đẽ nhưng chất chứa nỗi bi thương. Chính cái bi kịch độc đáo nhưng cũng mang tính phổ quát ấy trong hoàn cảnh đất nước điêu linh, thành ra cái tình riêng lại hóa thành nỗi đau chung của dân tộc. Xóm đạo, tình yêu xứ đạo và nỗi đau chinh chiến đã thành thi đề kép cho tác phẩm “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang. 

Bài thơ viết thật tự nhiên như lời tâm sự của chính tác giả với bạn đọc. Những cảm xúc chân thành qua hồi ức kỷ niệm về xóm đạo trước ngày “binh lửa xóa không gian” hiện lên thật cụ thể, như bức tranh cận cảnh của điện ảnh. Thuở ấy, em còn đi học, màu áo điểm tô cuộc đời học sinh trong trắng, ngây thơ. Mỗi lần đi lễ nhà thờ, em đẹp kiêu sa và lãng mạn qua hình dáng “hoa trắng cài duyên trên áo tím”. Nơi xóm đạo bình yên, ngôi trường học của anh và giáo đường em thường đi lễ đối diện nhau. Âm thanh tiếng chuông nhạc đạo nghe "u buồn", nhưng tiếng chuông nhà trường vang lên "rộn rã”. Nhưng rồi thời gian và chiến chinh vô tình đã cướp đi tất cả, thật đau lòng khi giờ đây thảng thốt nhớ thương về. Lời thơ mộc mạc, giản dị, nhưng ý tình lại sâu lắng, thiết tha: “Lâu quá không về thăm xóm đạo/Từ ngày binh lửa xóa không gian/Khói bom che lấp chân trời cũ/Che cả người thương, nóc giáo đường”.

Từ hồi ức về xóm đạo, tác giả tiếp tục để cho cảm xúc của mình tan chảy theo những rung ngân hoài niệm của câu chuyện lòng thầm kín. Tình yêu với người em xóm đạo trong tâm hồn chàng thư sinh nhiều mơ ước thật sáng trong, đẹp đẽ. Mỗi lần tan lễ, chàng thư sinh kia chờ người em xóm đạo trước thánh đường. Hai hình bóng mỗi ngày chung một lối về. Người em “e lệ”, riêng anh “thẹn thùng” với niềm hạnh phúc vô biên. Mối tình đẹp đẽ và lãng mạn ấy tưởng không có gì có thể cách ngăn, chia lìa nhau được: “Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ/Hai bóng cùng đi một lối về/E lệ, em cầu kinh nho nhỏ/Thẹn thùng, anh đứng lại không đi”.

Có ai ngờ mối tình thơ mộng tưởng không gì phai nhạt kia bỗng một ngày tan tác. Người con trai “sau mười năm lẻ” đã thôi học nơi giảng đường, tiếng chuông nhà trường rộn rã năm nào giờ hóa thành nỗi buồn “nức nở”. Ngược lại, xóm đạo lại “rộn rã” từng hồi chuông tiễn người em gái lên xe hoa về nhà chồng trong lễ vu quy. Cùng một không gian, thời gian nhưng hai cảnh tượng, tâm trạng vui - buồn, đau khổ - hạnh phúc khác nhau làm cho người đọc không thể kìm được nước mắt, tưởng tiếc một mối tình đẹp như giấc mơ giờ đã vỡ tan. Đau khổ tột cùng, chàng trai nhìn chiếc áo cưới của người yêu hóa thành “chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình”. Dù vậy, trái tim sầu mộng, yêu thương của chàng trai vẫn giữ nguyên hình bóng cũ và tình thơ vẫn ủ kín trong lòng dù người yêu đã “cách mấy sông” vời vợi: “Em lên xe cưới về quê chồng/Dù cách đò ngang, cách mấy sông/Anh vẫn yêu em người áo tím/Nên tình thơ ủ kín trong lòng”.

Từ chàng thư sinh với sách vở học đường và mối tình thơ mộng, nhân vật trữ tình xưng “anh” giờ đây đã thành người chiến sĩ giữ quê hương. Giặc vào xóm đạo gieo rắc tai ương, đẹp biết bao tâm hồn “người chiến sĩ” ấy vẫn hiên ngang “giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường”. Hào hùng trong hành động mặc dù đau thương, giằng xé rất nhiều trong tâm tưởng, đoạn thơ đã thực sự mang lại xúc động nơi trái tim người đọc qua nhiều hình ảnh thơ chân thật và nhiều trắc ẩn: “Mặc dù em chẳng còn xem lễ/Ở giáo đường u tịch chốn xưa/Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh/Nghe chuông truy niệm mối tình thơ”.

“Hoa trắng thôi cài trên áo tím” ra đời đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn làm xúc động trái tim độc giả mỗi lần đọc lại những vần thơ bình dị, chân thành về tình yêu của thi sĩ Kiên Giang. Tôi tin rằng, thi phẩm chính là điệu hồn tác giả, là nỗi niềm mà thi nhân đã chưng cất thành men rượu tình ngây ngất, đắm say, dù chất rượu ấy có cả nỗi sầu thương thăm thẳm. Một cuộc tình buồn nhưng đẹp, nhiều đau xót và trái ngang nhưng thánh thiện vô cùng. Ngôn ngữ và hình ảnh thơ xuyên suốt thi phẩm khá dài này lại dung dị, gần gũi song vẫn có sức hút đặc biệt. Với chừng ấy vẻ đẹp thơ, tôi nghĩ rằng đủ để lưu giữ trong tâm hồn bạn đọc dài lâu.

LÊ THÀNH VĂN

Hoa trắng thôi cài trên áo tím

          (Trích)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang, cách mấy sông
Anh vẫn yêu em người áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ.

KIÊN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có một chuyện tình nơi xóm đạo