Cổ kính đình, chùa An Thủy

23/11/2022 07:41

Di tích đình, chùa An Thủy ở khu dân cư An Thủy, phường Hiến Thành (Kinh Môn) thờ hai vị thành hoàng là Phạm Tụng và Phạm Luận - hai vị công thần của vua Lê trong thời kỳ kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV.


Đình An Thủy thờ hai vị thành hoàng là Phạm Tụng và Phạm Luận, hai vị công thần của vua Lê

Theo thần tích trước đây của đình, ở trấn Hải Dương, phủ Kinh Môn, huyện giáp Sơn có một gia đình họ Phạm sinh được 7 người con: Phạm Luận, Phạm Thị, Phạm Thành, Phạm Tường, Phạm Tụng, Phạm Kế và người con gái út là Phạm Thị Phương. Cha mẹ cho các con theo học một tiên sinh ở Kính Chủ, nên mấy anh em đều văn võ tinh thông. Sau khi cha mẹ qua đời, 7 anh em trở về quê mẹ ở Ngư Uyên. Anh em Phạm Luận ham đọc sách, thạo luyện cung tên nên được mọi người kính phục.

Vào đầu thế kỷ XV, đất nước ta bị giặc Minh xâm lược, 7 anh em họ Phạm đã lên đường vào Lam Sơn yết kiến Lê Lợi với nguyện ước phò vua, đánh giặc cứu nước. Thấy các ông tướng mạo đường đường, thần uy lẫm liệt, Lê Lợi đã chiêu nạp. Thế nghĩa quân Lam Sơn mạnh như chẻ tre, trong 10 năm đánh bại quân Minh, mang lại thanh bình cho đất nước. Vua Lê phong cho các vị làm đại tướng quân, lúc đó vua mới biết người em út của Phạm Luận là nữ nên đã phong là Bình Khôi công chúa. Nhậm chức xong, các ông bà xin về bản quán, bái tạ tiền đường, khao thưởng nhân dân. Sống ở quê được một thời gian, họ lần lượt qua đời. Nhân dân Ngư Uyên ở phường Long Xuyên, Vụ Nông ở xã Đại Bản (huyện An Dương, TP Hải Phòng) và An Thủy đều lập miếu thờ.


Đình An Thủy khởi dựng từ thời Lê, mang nét cổ kính

Theo truyền thuyết tại địa phương, chùa An Thủy được dựng từ thời Trần, thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm. Vì vậy, trong chùa có thờ sư tổ Huyền Quang. Trước Cách mạng Tháng 8, đình, chùa An Thủy là trung tâm tôn giáo, văn hóa của làng. Đây là nơi hội họp, kết giao hòa hiếu, huynh đệ giữa 3 làng An Thủy, Vụ Nông và Ngư Uyên. Hằng năm cứ đến ngày 12 tháng 3 âm lịch là ngày mất của 7 anh em họ Phạm, 3 thôn cùng mở lễ hội. Theo tục lệ, nhân dân địa phương cử những vị chức sắc đại diện sang đình Vụ Nông làm lễ, lễ tế xong về đình Ngư Uyên làm lễ giao hảo, sau đến đình An Thủy tế một tuần rồi các cụ mới trở về bản quán. Lễ hội đình An Thủy thường kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 10.3 và kết thúc vào ngày 13.3 âm lịch.


Chùa An Thủy có nhiều hệ thống tượng và cổ vật có giá trị

Đình An Thủy được khởi dựng từ thời Lê đã qua nhiều lần tu sửa. Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Trên mái đắp lưỡng long chầu nguyệt, kiến trúc phần mộc theo kiểu chồng giường đấu sen. Hậu cung và đại bái là các tòa nhà có kết cấu vững chắc bởi các vì kèo và gỗ tứ thiết, mái lợp ngói vảy cá, phần nền, tường chắc chắn, cao ráo, có nhiều bức phù điêu.

Chùa An Thủy còn có tên là “An Cảnh tự” có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung. Kiến trúc kiểu kèo cầu đơn giản nhưng chắc chắn, chùa lợp ngói vảy cá, các bức tường đều bền vững. Trước đây, ở đầu hồi phía tây có 3 gian nhà tổ nhưng đã bị dỡ vào năm 1958.


Gian nhà mẫu chùa An Thủy đã được tu bổ, sửa chữa

Trong chùa có hệ thống tượng và đồ thờ có giá trị cần được bảo vệ. Hệ thống cổ vật trong di tích khá phong phú và có giá trị, nhất là hệ thống câu đối, đại tự ở cả đình và chùa. Các câu đối và đại tự đều có nội dung ca ngợi công đức của thành hoàng, ca ngợi Phật và cảnh đẹp nơi đây. Hệ thống tượng phật trong chùa đều được tạo dựng từ thời Nguyễn, chất liệu chủ yếu là gỗ, sơn son thếp vàng. Ngoài ra, còn có hệ thống cửa võng, long đình, bát biểu, mâm triện… đều là những cổ vật có giá trị. Các cổ vật như 6 đạo sắc của triều Nguyễn, hệ thống bia đá, các câu đối đại tự là những văn bản quý của di tích.

Đình, chùa An Thủy đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 12.2.1994. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Ban Quản lý di tích đình, chùa An Thủy, những năm qua, chính quyền địa phương đã quan tâm tu bổ, sửa chữa một số hạng mục của đình và chùa. Nhà mẫu của chùa đã được sửa sang, 3 gian nhà tổ đang trong quá trình hoàn thiện. Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa hơn 7,6 tỷ đồng.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cổ kính đình, chùa An Thủy