Việc các quốc gia thành viên EU thông qua thỏa thuận mới về việc nước Anh rời khỏi khối đã mở đường cho hy vọng mong manh rằng một tiến trình "ly dị có trật tự".
Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tối 17.10 đã thông qua thỏa thuận mới về việc nước Anh rời khỏi khối (gọi là Brexit), mở đường cho hy vọng mong manh rằng một tiến trình "ly dị có trật tự" sẽ được thực hiện đúng ngày 31.10.
Một lần nữa, "quả bóng" lại được đẩy về sân Anh khi thỏa thuận trên còn phải nhận được "cái gật đầu" hết sức khó khăn từ đa số nghị sĩ Hạ viện Anh trong phiên họp đặc biệt ngày 19/10.
Câu chuyện của bản thỏa thuận mới tưởng chừng sẽ còn rất dài, nhưng thật bất ngờ lại được kết thúc một cách vô cùng chóng vánh, và EU cũng thể hiện thái độ "không thể thiện chí hơn". Chỉ mất 5 ngày thảo luận không ngừng nghỉ giữa Brussels và London để sinh ra "bản thỏa thuận ly dị" mới. Nếu so với "bản thỏa thuận ly dị cũ" mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May ký với EU, bà May phải cần tới 18 tháng thương lượng nhọc nhằn, kể từ khi hai bên bắt đầu đàm phán vào tháng 6.2017 tới khi chấp thuận thỏa thuận vào mùa Thu năm 2018. Đáng nói là bản thỏa thuận phải rất khó khăn mới đạt được này đã bị "chết yểu" vào mùa Xuân năm 2019, sau 3 lần bị Hạ viện Anh từ chối. Tuy nhiên, lần này, ông Boris Johnson đã chỉ tham gia đàm phán một cách nghiêm túc vào đầu tháng 10.
Có thể nói "năng lượng Brexit" khá tích cực mà ông Boris Johnson tạo ra đã phát huy hiệu quả, dù ban đầu khá nhiều ý kiến nghi ngờ và chỉ trích. Những "nước cờ" của ông Johnson, từ việc tìm cách trì hoãn các cuộc họp của Hạ viện Anh đến việc dùng lập trường sẵn sàng chấp nhận "Brexit không thỏa thuận" như một cách gây sức ép với EU, đang được đánh giá là táo bạo và khôn khéo. Điều quan trọng nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson luôn kiên định với con đường Brexit mà ông vạch ra, dù cả EU và chính giới Anh liên tục "nói ngả nói nghiêng", dù phải hứng chịu vô số trắc trở, khi thì EU "giội gáo nước lạnh", lúc các nghị sĩ đảng Bảo thủ của chính ông "đâm sau lưng", hay làn sóng "phản kháng nội bộ" với hàng loạt bộ trưởng tuyên bố từ chức.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ireland Leo Varadkar và ông Boris Johnson ngày 10.10 tại Wirral, Tây Bắc nước Anh, chính là thời điểm đột phá. Tại đây, Thủ tướng Anh đưa ra những nhượng bộ quan trọng nhất, đó là không còn vấn đề trao quyền phủ quyết về giải pháp Bắc Ireland cho đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) ở Anh, cũng như loại bỏ các biện pháp kiểm soát hải quan trên đảo Ireland sau Brexit.
Cũng tại Wirral, ông Varadkar đã có một bước đi quyết định và phát tín hiệu cho phần còn lại của EU là Ireland chấp nhận "ranh giới đỏ" của London. Vùng Bắc Ireland của Anh có thể vẫn ở lại hợp pháp trong một liên minh hải quan, nếu một biên giới "cứng" không xuất hiện giữa tỉnh Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland - một thành viên của EU. Theo cách này, tính toàn vẹn của lãnh thổ Anh sẽ được tôn trọng sau khi ly dị và điều đó phù hợp với ý tưởng của những người ủng hộ Brexit cũng như các nghị sĩ của đảng DUP.
Các động thái trên đã được phía EU đồng ý để bước vào vòng đàm phán cấp tốc với London, trong khi một tuần trước đó, hai bên gần như vẫn bế tắc về một thỏa thuận trước hạn chót của Brexit là ngày 31.10.
Phải thừa nhận rằng trong tổng số 600 trang của bản thỏa thuận ký giữa cựu Thủ tướng Anh Theresa May và 27 nước EU, phần lớn các nội dung vẫn được giữ nguyên. Hai bên chỉ thay đổi nội dung một số văn bản pháp lý liên quan đến các vấn đề như quyền phủ quyết của Bắc Ireland, hải quan, thuế VAT và viết lại 20 trang của tuyên bố chính trị, trong đó nêu lên mối quan hệ tương lai giữa EU và Vương quốc Anh.
Thỏa thuận mới không còn điều khoản "chốt chặn" nhằm giữ Anh ở lại trong không gian hải quan của EU. Mục đích của điều khoản "chốt chặn" là tránh việc thiết lập một biên giới cứng trên đảo Ireland vốn từng bị chia rẽ xung đột trong nhiều thập niên, song nội dung này bị Thủ tướng Johnson từ chối vì nó sẽ ngăn chặn Anh ký hiệp định thương mại với các nước khác.
Với thỏa thuận mới này, quy chế hải quan "kép" tại Bắc Ireland sẽ được áp dụng. Vùng Bắc Ireland của Anh vẫn nằm trong khu vực hải quan của Vương quốc Anh. Hai bên thống nhất rằng với các sản phẩm có xuất xứ từ một nước thứ ba (như Mỹ, nước mà Vương quốc Anh đang mong muốn ký kết được một thỏa thuận thương mại tự do) vào Bắc Ireland và được tiêu thụ ngay tại đây sẽ được áp thuế theo quy định của Anh. Trường hợp ngược lại, nếu các hàng hóa từ các nước thứ ba được đưa vào EU thông qua ngả Bắc Ireland, khi đó phía Anh sẽ phải áp thuế theo quy định của EU. Lực lượng hải quan Anh chịu trách nhiệm kiểm tra các sản phẩm vào vùng Bắc Ireland và quy định về hải quan của EU được áp dụng trong trường hợp này.
Vấn đề thuế VAT là điểm mâu thuẫn cuối cùng trước khi đạt thỏa thuận. Nó liên quan đến mức thuế được áp dụng cho các nhu yếu phẩm cơ bản để đảm bảo không xảy ra sự khác biệt giữa mức thuế được áp dụng ở vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Trưởng đoàn đàm phán EU cho biết hai bên đã tìm ra được một cơ chế để thống nhất về các mức thuế. Để tránh một biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và vùng Bắc Ireland cũng như để bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường đơn nhất châu Âu, các quy định về VAT của EU đối với hàng hóa sẽ tiếp tục được áp dụng ở Bắc Ireland. Lực lượng hải quan Vương quốc Anh sẽ chịu trách nhiệm trong việc thực thi và thu nộp các khoản thuế VAT này.
Như đã dự đoán, Vương quốc Anh sẽ vẫn tiếp tục nằm trong Liên minh Hải quan châu Âu và thị trường đơn nhất EU trong giai đoạn chuyển tiếp, tức ít nhất cho tới cuối năm 2020 và muộn nhất là đến cuối năm 2022. Đây cũng là khoảng thời gian để đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Trong bản "tuyên bố chính trị" sửa đổi về các mối quan hệ trong tương lai, EU đã hứa hẹn về một Hiệp định thương mại tự do được "miễn trừ thuế hải quan và hạn ngạch".
Một vấn đề khác đã được giải quyết là quyền phủ quyết mà ông Johnson muốn trao cho chính quyền và cơ quan lập pháp Bắc Ireland. Điều này sẽ chỉ được áp dụng một khi thỏa thuận ly dị có hiệu lực. Cơ quan lập pháp Bắc Ireland sau đó sẽ được tham vấn mỗi 4 năm một lần, song nếu muốn thực hiện quyền phủ quyết, họ sẽ phải được một số đảng ủng hộ (để tránh chỉ một đảng DUP hoặc đảng Sinn Fein có quyền quyết định).
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, phiên bản mới của thỏa thuận đã được Cộng hòa Ireland cũng như Ủy ban châu Âu đánh giá là tích cực, điều này cho thấy nó thuận lợi và an toàn cho các công dân EU. Thay đổi quan trọng so với phiên bản trước đó của thỏa thuận là sự chấp nhận của Thủ tướng Anh Johnson về vấn để kiểm tra hải quan tại các điểm nhập cảnh vào Bắc Ireland. Sự thỏa hiệp này sẽ cho phép tránh được việc kiểm tra biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland mà vẫn đảm bảo được tính toàn vẹn của Thị trường đơn nhất EU. Thực tế thỏa thuận mới được xem là sẽ ngăn chặn sự hỗn loạn và bầu không khí xung đột giữa EU 27 và Vương quốc Anh.
Tình hình chính trị tại Anh hiện nay cho thấy khả năng Thủ tướng Anh Boris Johnson kiếm được đa số phiếu tại hạ viện cũng "mỏng như một lưỡi dao lam". Không có được đa số trong phe Bảo thủ, các thành viên Công đảng đối lập đương nhiên " không muốn tặng quà" cho ông Johnson trước cuộc tổng tuyển cử, đảng Dân chủ Tự do thì đang kêu gọi hủy bỏ Brexit, đó là còn chưa tính tới việc một số luật sư còn đang thúc đẩy các hành động pháp lý để ngăn chặn thỏa thuận ... Ngay chiều 17.10, đảng DUP liên minh của đảng Bảo thủ trong Hạ viện Anh đã khẳng định phản đối thỏa thuận mới vì cho rằng thiếu sự rõ ràng trong vấn đề thuế TVA. Khả năng thỏa thuận mới được thông qua tại Hạ viện Anh quả thật hết sức bấp bênh.
Về phần mình, Thủ tướng Boris Johnson rất tự tin ông sẽ giành được thắng lợi tại hạ viện. Trong trường hợp thất bại, ông Boris Johnson phải đề nghị hoãn Brexit trong thời gian 3 tháng, tức là tới ngày 31.1.2020, theo một đạo luật mới được Quốc hội Anh thông qua vào tháng 9 vừa qua.
Mùa thu năm 2018, các bên từng tỏ ra rất lạc quan khi đạt được một thỏa thuận giữa Chính phủ Anh và EU. Nhưng sau một năm hỗn loạn trên chính trường Anh, giờ đây đa số đều tỏ ra hết sức thận trọng.
Theo TTXVN