Tâm lý ngại dùng tiền mặt vì qua tay nhiều người, hạn chế đến chỗ đông người như chợ, siêu thị... đang làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của nhiều người trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua.
Thanh toán bằng QRCode đang trở nên phổ biến trong nhiều giao dịch. Ảnh minh họa: TTXVN
Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể coi là cơ hội để "bùng nổ" thanh toán số.
Thanh toán online tăng mạnh
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, nhất là các biện pháp về hạn chế ra đường, không tập trung đông người, cô Bùi Thị An (một giáo viên về hưu tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thay đổi hẳn thói quen đi chợ mỗi sáng.
"Từ khi dịch bệnh xuất hiện, tôi cũng cảm thấy ngại và lo lắng mỗi lần ra chợ, tiếp xúc nhiều người. Được các con hướng dẫn mua hàng qua mạng, lại thêm việc ngân hàng tích hợp tiện ích đi chợ online ngay trên ứng dụng thường ngày vẫn dùng để chuyển tiền nên việc chợ búa hàng ngày với tôi đã đơn giản hơn nhiều. Tôi chỉ cần vào ứng dụng, chọn hàng và thanh toán online sẽ có người giao hàng tận nhà. Tôi hoàn toàn không phải tiếp xúc với bất kỳ ai, thậm chí cả người giao hàng," cô An chia sẻ.
Đại diện một trong các ngân hàng tiên phong đưa tính năng siêu thị Vinmart Online lên ứng dụng di động, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngoài việc tích hợp các giải pháp công nghệ mới tiện lợi cho khách hàng, phục vụ người dùng trong mùa dịch, ngân hàng còn phối hợp cùng đối tác nhằm bảo đảm chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mang lại sự an tâm cho khách hàng.
Thống kê từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống này tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu từ các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, giao dịch trực tuyến đã tăng mạnh.
Như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), kết thúc quý 1, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa của ngân hàng tăng 25%, trong khi số lượng giao dịch trực tuyến tăng tới 50% so với cùng kỳ.
Số lượng và giá trị giao dịch trực tuyến tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) gần đây cũng tăng bình quân khoảng 26%/tháng so với trước đó.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối cá nhân kiêm Giám đốc Khách hàng cá nhân cho biết: "Tỷ trọng và giá trị của giao dịch ngân hàng điện tử so với tại quầy tăng đều qua các tuần trong 3 tháng qua, ghi nhận từ khi giảm phí, tỷ trọng tăng bình quân khoảng 5%.
Riêng đối với các giao dịch nhỏ dưới 500.000 đồng, tỷ trọng giao dịch online so với quầy ghi nhận tăng khoảng 21% và với giao dịch có giá trị dưới 2.000.000 đồng, mức tăng ghi nhận khoảng 16%."
Không chỉ các giao dịch mua sắm, mà ngay cả các thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng điện tử cũng có mức tăng đáng kể. Tính riêng tại Sacombank, từ khi có Chỉ thị 16, tỷ trọng thanh toán dịch vụ công online so với quầy ghi nhận tăng đáng kể, đạt mức 19%.
Đặc biệt đối với các giao dịch nhỏ dưới 500.000 đồng, tỷ trọng này tăng đến 45%, đối với giao dịch có giá trị dưới 2.000.000 đồng, tỷ trọng giao dịch online so với quầy ghi nhận tăng khoảng 40%.
Cơ hội bùng nổ
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thay vì giao dịch bằng tiền mặt thì các các kênh giao dịch và thanh toán trực tuyến trở nên tiện lợi, an toàn và phù hợp với đông đảo người dùng.
Đặc biệt, ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng đã được tích hợp thêm nhiều tiện ích, đáp ứng hầu hết các nhu cầu của người dùng thay vì chỉ xoay quanh một số giao dịch cơ bản như quản lý thông tin tài khoản, truy vấn số dư, chuyển khoản trong và ngoài ngân hàng... như trước đây.
Nhiều người lo ngại thanh toán bằng tiền mặt dễ lây lan dịch bệnh
Chỉ với chiếc điện thoại thông minh cùng ứng dụng ngân hàng, người dùng có thể gửi tiết kiệm, vay vốn online, thanh toán các hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet, ngay cả nhu cầu giải trí như mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn hay gửi tiền mừng tuổi... thậm chí là đi chợ online, mua từng mớ rau, con cá... cũng đều được đáp ứng tức thì.
Bà Nguyễn Phương Huyền, Phó Giám đốc Khối cá nhân Sacombank chia sẻ: "Trong tháng 4, Sacombank sẽ ra mắt tiện ích tiết kiệm online trên ứng dụng ngân hàng số Sacombank Pay và trong các tháng tới, ngân hàng sẽ kết nối các đơn vị vận chuyển thức ăn... hướng đến tích hợp nhiều tiện ích chỉ trong một ứng dụng nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng không chỉ trong thời gian giãn cách xã hội hiện nay mà còn về lâu dài."
Bên cạnh những tiện ích khi thanh toán, giao dịch online thì phí dịch vụ ngân hàng, nhất là phí chuyển tiền đang là một trong những yếu tố người dùng đặc biệt quan tâm.
Nhiều ngân hàng đã miễn phí mọi giao dịch qua ngân hàng điện tử để khuyến khích người dân sử dụng thay cho thói quen tiêu dùng tiền mặt.
Tính đến cuối tháng 3, NAPAS cho biết đã có 37 ngân hàng xác nhận tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng, chiếm tỷ trọng 98,9% tổng số lượng giao dịch chuyển tiền qua hệ thống này. Trong đó, có 14 ngân hàng đưa mức phí thu khách hàng về 0 đồng, chiếm 49,1% lượng giao dịch miễn phí dịch vụ.
Tại các ngân hàng lớn, chiếm thị phần đông đảo người dùng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phí giao dịch chuyển khoản khác ngân hàng cho các giao dịch nhỏ dưới 500.000 đồng và dưới 2.000.000 đồng hiện dao động ở mức từ 2.000 - 7.000 đồng/giao dịch.
Chị Ngọc Quỳnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Sử dụng tài khoản ngân hàng Vietcombank đã từ lâu. Do nhu cầu chuyển khoản hoặc thanh toán tiền hàng hóa cho khách hàng và đối tác nên mỗi ngày tôi thường giao dịch cả chục lần hoặc hơn. Nhưng mức phí chuyển khoản liên ngân hàng, thậm chí là chuyển khoản cùng hệ thống của Vietcombank vẫn còn khá cao làm gia tăng chi phí trong việc kinh doanh."
"Do vậy các ngân hàng cần tiếp tục tính đến việc giảm hoặc miễn phí giao dịch cho khách hàng qua kênh online để khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, nhất là trong dịch bệnh như hiện nay nhằm tránh lây, truyền virus," chị Quỳnh đề nghị.
Thêm vào đó, vấn đề bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho các giao dịch trực tuyến cũng đáng được lưu tâm.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất.
"Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn, nhưng chúng ta phải bảo đảm mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tăng mức độ tin tưởng của người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, ngành ngân hàng cần nâng cao trình độ cho nhân viên ngân hàng, cán bộ kỹ thuật, quản lý cả về nghiệp vụ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp," ông Thịnh khẳng định.
Mặc khác, đối với người tiêu dùng, ông Thịnh đưa ra khuyến cáo phải nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, kể cả người thân, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để bảo đảm phòng tránh hacker cao nhất.
Qua một số vụ mất tiền trong tài khoản gần đây, hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu cảnh giác của người dùng, làm lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cũng như mã bảo mật. Do đó, người dùng cần đặc biệt nâng cao tính cảnh giác.
Dịch bệnh xảy ra và diễn biến phức tạp là điều không ai mong muốn, nhưng ở một góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể coi là cơ hội để "bùng nổ" thanh toán số và ngành ngân hàng sớm hoàn thành mục tiêu của Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam với tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.
Theo TTXVN