Cơ hội để nông nghiệp phát triển

02/06/2015 18:32

Hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm bảo đảm chất lượng...


Cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay nước ta đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương và đa phương với nhiều đối tác quan trọng trong khu vực Asean và các nước Trung Quốc, Hàn Quốc.

Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, năng suất thấp và thiếu an toàn. Thay vào đó, nền nông nghiệp cần sự đầu tư của khoa học kỹ thuật, sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta những năm qua đã từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại để hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh ta đang tích cực đẩy mạnh sản xuất tập trung, đưa nhiều giống cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng. Dự án “Phát triển giống lúa và vùng lúa hàng hóa tập trung” đã và đang từng bước mang lại hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Chương trình dồn điền, đổi thửa góp phần xóa bỏ sản xuất manh mún, lạc hậu, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang. Vụ chiêm xuân năm nay, theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang đã giảm nhiều so với vụ trước. Các loại lúa chất lượng cao do có giá bán cao, tiêu thụ dễ dàng đã được mở rộng diện tích ở nhiều địa phương. Vùng sản xuất rau màu theo hướng chuyên canh đã và đang được duy trì và mở rộng mang lại thu nhập khá cho nông dân. Chăn nuôi, thủy sản hướng đến quy mô lớn gia trại, trang trại dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ... Nhiều trang trại đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài để vừa học hỏi tiến bộ kỹ thuật, vừa tìm đầu ra ổn định, đem lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm. Tỉnh ta đã có một số trang trại chăn nuôi gia cầm cho Công ty Japfa-Comfeed và trang trại chăn nuôi lợn cho Tập đoàn C.P. Các vùng nuôi thủy sản tập trung dần hình thành phương thức chăn nuôi chuyên canh quy mô lớn.

Tuy nhiên, hiện nay nền nông nghiệp tỉnh ta vẫn còn khá nhiều rào cản để hội nhập. Trước hết tư duy sản xuất theo phong trào vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều nông dân. Hệ lụy là sản xuất nông nghiệp vẫn coi trọng số lượng mà chưa bảo đảm chất lượng dẫn đến nhiều bài học đắt giá cho sản xuất vì được mùa, mất giá. Cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư nhanh, mạnh nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu phát triển nông nghiệp thời hội nhập. Tỷ lệ hệ thống kênh mương, thủy lợi được kiên cố còn thấp. Số lượng doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp chưa nhiều. Ngoài nguyên nhân phải chịu nhiều rủi ro, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu thì các chính sách để thu hút doanh nghiệp vào hoạt động này của Nhà nước vẫn chưa thực hấp dẫn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tỉnh ta có hơn 500 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng thực chất số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4-5%. Đa phần các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội nhập kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp lại rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để sản xuất những sản phẩm bảo đảm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Hiện nay, ở tỉnh ta cũng đang xuất hiện hình thức doanh nghiệp, cá nhân tự đứng ra thuê đất sản xuất để cung ứng sản phẩm xuất khẩu. Đây là những nhân tố cần được khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, khác biệt so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Sản xuất nông nghiệp cần được tiếp tục ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Trong các buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều đặt ra mục tiêu đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách riêng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao trình độ, thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân. Nông dân không chỉ làm chủ thiết bị, khoa học, mà còn phải làm chủ được thị trường, điều tiết được giá cả sản phẩm.


Để ngành nông nghiệp tỉnh ta hội nhập còn cần phải có kế hoạch, chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, thời gian tới tỉnh cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu các bộ giống, cách thay đổi mùa vụ sao cho phù hợp với thực tiễn sản xuất hiện nay, giảm ảnh hưởng xấu của thiên tai hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang lợi thế riêng của Hải Dương mà không tỉnh nào có được.

HOÀNG ANH(Gia Lộc)

(0) Bình luận
Cơ hội để nông nghiệp phát triển