Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Chung là một giáo viên giỏi. Cô thường xuyên được giao bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi môn sử của trường, giúp học sinh đạt được nhiều thành tích cao trong học tập.
Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Chung
(ảnh), giáo viên môn lịch sử Trường THPT Kinh Môn 2 (Kinh Môn).
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I với tấm bằng loại khá, cô về nhận công tác tại trường. Do trường mới được thành lập, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chất lượng đầu vào của học sinh rất thấp nên những ngày đầu lên lớp, đối mặt với sự thờ ơ của học sinh với môn sử, cô giáo trẻ cảm thấy chán nản. Nhưng nhớ những lời dặn dò của các thầy, cô trước khi ra trường cùng sự động viên của bố mẹ, bạn bè khiến cô thay đổi suy nghĩ của mình. Cô cho rằng, phải thay đổi quan niệm của học sinh về môn sử, phải làm cho học sinh yêu và thích học môn sử. Để làm được điều đó, chính bản thân người giáo viên phải thay đổi.
Để có thể làm chủ được kiến thức, trước mỗi tiết học, cô chuẩn bị giáo án và các phương tiện dạy học một cách nghiêm túc. Cô thường xuyên kết hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau trong cùng một tiết học để bài giảng thêm sinh động, tránh nhàm chán; chú ý đến những phương pháp nhằm phát huy tính tự giác, tích cực trong học tập của học sinh; không ngừng khuyến khích học sinh đặt câu hỏi để tranh luận về một vấn đề trong lịch sử. Trong các giờ học, cô thường kể về những tấm gương đạo đức của các danh nhân văn hóa và các anh hùng dân tộc để giáo dục học sinh, khơi gợi tinh thần ham học hỏi của các em. Với quan điểm: học lịch sử không chỉ để biết về quá khứ, mà với những bài học kinh nghiệm quý giá do lịch sử đem lại, con người có cái nhìn khách quan hơn, nhiều chiều hơn về hiện tại và tương lai. Vì thế, trong các bài giảng của mình, cô luôn liên hệ với thực tế trong nước và quốc tế để học sinh thấy được những kiến thức lịch sử có thể giúp các em nhìn nhận thế giới xung quanh một cách đa chiều, tránh những cảm nhận và đánh giá tiêu cực.
Nhờ sự nhiệt tình và say mê trong công việc của cô, nhận thức của học sinh về môn sử cũng dần thay đổi. Với kiến thức vững vàng, cô thường xuyên được giao bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi môn sử của trường. Từ năm học 2006 – 2007, đội tuyển học sinh giỏi môn sử do cô phụ trách năm nào cũng đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, trong đó có 2 giải nhì, nhiều em lọt vào vòng lựa chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia.
Trẻ tuổi, say nghề là điều kiện để cô giáo Nguyễn Thị Thanh Chung ngày càng vững bước trên con đường trồng người vốn rất gian nan, vất vả.
VỊ THUỶ