Cô giáo trẻ "ủ mưu" kéo học trò từ thích mạng xã hội sang... mê sách

12/11/2021 08:38

Để tạo được sự hứng khởi, niềm say mê với sách cho học sinh là cả sự nỗ lực miệt mài, bền bỉ của cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân, Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Hà Nội).

Co giao tre 'u muu' keo hoc tro tu thich mang xa hoi sang... me sach hinh anh 1

Cô Phạm Thị Hệ Ngân cùng các học sinh đọc sách. (Ảnh: NVCC)

Trống báo giờ nghỉ trưa vừa điểm cũng là lúc các cô cậu học trò lớp 5A3 chạy ào đến giá sách được kê ngay ngắn ngay sát tường trong lớp, nhanh tay chọn cho mình một cuốn truyện, nào “Thuyền trưởng  Sinbad,” “Doraemon,” “Cô bé quàng khăn đỏ,” “Công chúa tóc mây”… rồi vội vã ai vào chỗ nấy. Những tiếng đọc sách rì rầm, tiếng cười rúc rích bắt đầu, có em bỗng bật cười khanh khách khiến cả lớp lao xao…

Phía trên bục giảng, cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Hệ Ngân rạng rỡ, thư thái lặng ngắm những gương mặt học trò khi được lật giở từng trang sách, báo với biết bao yêu thương và hạnh phúc.

Đó là hình ảnh thường ngày trong giờ đọc sách trước giờ ngủ trưa của các học sinh lớp 5A3, Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) năm học 2020-2021, thời điểm các em chưa phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.

Để tạo được sự hứng khởi, niềm say mê với sách cho học sinh là cả sự nỗ lực miệt mài, bền bỉ của cô giáo Phạm Thị Hệ Ngân mà như cô nói là phải “ủ mưu, tính kế” với rất nhiều “chiêu trò” để thu hút các em.

Kéo học trò ra khỏi Facebook, Zalo…

Nhận thấy học sinh ngày càng ít đọc sách hơn và bị thu hút bởi các kênh mạng xã hội như Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok… cô Ngân luôn trăn trở làm cách nào để thu hút học sinh đến với văn hoá đọc.

Thư viện của nhà trường có rất nhiều sách nhưng học sinh toàn trường rất đông, mỗi tuần chỉ có một tiết học trên thư viện nên để xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thì thư viện của nhà trường là chưa đủ.

Với khát khao mang sách đến gần học sinh hơn, trong suốt bốn năm qua, cô Ngân đã miệt mài thực hiện ước mơ gieo mầm từ những trang sách cho học trò, “lôi kéo” các em đến với sách bằng mô hình “thư viện trong lớp học” cùng hàng loạt hoạt động phong phú để thu hút hết lứa học trò này sang lứa học trò khác. Và, năm học 2020-2021 là lứa học sinh lớp 5A3.

Những cô cậu học trò vừa lò dò từ lớp 4 lên đã rất bất ngờ khi thấy trong phòng học lớp 5 có một giá sách hai tầng nho nhỏ, trong đó đặt những cuốn sách, truyện, báo phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi mà cô chủ nhiệm Hệ Ngân mang đến, cẩn thận đặt lên và không quên dặn dò đám học trò đang tròn xoe mắt tò mò: “Đây là sách dành cho các con khám phá!”

Co giao tre 'u muu' keo hoc tro tu thich mang xa hoi sang... me sach hinh anh 2

Giá sách trong lớp học của lớp 5A3 Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Để thu hút học trò, mỗi ngày, trước giờ ngủ trưa, cô đều đọc truyện cho các con nghe, vừa giúp các em ổn định, vừa mang đến cho học sinh cảm giác gần gũi như được bố mẹ đọc sách cho nghe trước khi đi ngủ lúc các em còn nhỏ.

Áp dụng chiêu thức của nàng Shaherazade trong truyện cổ tích kinh điển “Nghìn lẻ một đêm,” mỗi ngày cô chỉ đọc cho học sinh nghe một phần của câu chuyện và luôn dừng ở phần gay cấn, hấp dẫn nhất.

Để biết được diễn biến tiếp theo của câu chuyện, các em sẽ phải tranh thủ giờ ra chơi hoặc cuối buổi học để tìm đọc truyện trong thư viện sách của lớp thay vì phải đợi đến tận trưa hôm sau nghe cô đọc tiếp.

Những cuốn sách ban đầu nằm im lìm khi chỉ có vài học sinh rụt rè ngó nghiêng, nhưng sau mỗi ngày, mỗi giờ ra chơi, số học sinh kéo đến tìm sách mang ra bàn đọc càng nhiều, thậm chí tranh cãi nhau vì một cuốn có nhiều bạn cùng muốn đọc.

Nhìn giá sách vơi hẳn đi và nghe tiếng tranh nhau của bọn trẻ, cô Ngân khấp khởi trong lòng vì đã bắt đầu “dụ” được học sinh. Cô tiếp tục “ủ mưu, tính kế” làm thế nào để có nhiều sách hơn cho các em, để học sinh thích đọc sách hơn nữa và đặc biệt là nhớ lâu hơn, hiểu được sâu hơn những điều được gửi gắm trong từng trang sách.

Phê bình học sinh bằng… sách

Để tăng số lượng sách cho “thư viện lớp” cô Ngân đã tận dụng những cuốn sách cũ của thư viện nhà trường. Nhận thấy học sinh ham đọc sách, phụ huynh cũng tích cực góp sách ủng hộ. Chỉ trong thời gian ngắn, lớp 5A3 đã phải thay giá sách hai tầng bằng một giá mới có bốn tầng.

Co giao tre 'u muu' keo hoc tro tu thich mang xa hoi sang... me sach hinh anh 3

Học sinh say sưa đọc sách trước giờ ngủ trưa. (Ảnh: NVCC)

Quan sát thấy phần đông các em chỉ thích xem, đọc truyện tranh và ngần ngại trước những cuốn sách dày kín chữ, cô khéo léo lồng ghép nội dung sách vào mỗi tiết dạy và giao nhiệm vụ cho học sinh trả lời các câu hỏi, giúp các em hình thành thói quen tự tìm sách để đọc và tra cứu. Tiết sinh hoạt tập thể, hoạt động trải nghiệm hay hoạt động ngoài giờ lên lớp thường xuyên có nội dung giới thiệu sách để cô trò hào hứng chia sẻ về những cuốn sách hay đã đọc, từ đó gợi sự tò mò để học sinh trong lớp cùng tìm đọc. Từ những cuốn sách, cô trò cùng sân khấu hoá trong những buổi sinh hoạt lớp. Những giờ học tập đọc, kể chuyện, đạo đức, trải nghiệm…. cũng vì thế mà bớt khô khan và trở nên sinh động hơn, sự kết nối cô trò gần gũi hơn.

Ở lớp 5A3 còn có một hình thức phạt “độc nhất vô nhị” khi cô chủ nhiệm thống nhất với phụ huynh học sinh quy định thưởng - phê bình học sinh bằng… sách. Nếu trong tuần, em nào chưa ngoan thì sẽ góp một cuốn sách hoặc cuốn truyện, hoặc tờ báo. Ngược lại, học sinh tích được 30 bông hoa việc tốt, điểm tốt sẽ được thưởng một cuốn truyện, cuốn sách mới tinh do giáo viên chủ nhiệm tự tay chọn mua.

Những giá trị không thể cân đo

Với việc thực hiện đồng thời rất nhiều hình thức khác nhau, những học sinh của cô Ngân đã ngày càng thích đọc sách hơn. Từ việc chịu khó đọc sách, những học sinh của cô tiến bộ hơn về nhiều phương diện, từ vốn tri thức rộng hơn đến khả năng ngôn ngữ linh hoạt hơn, kỹ năng sống tốt hơn và đặc biệt là có tâm hồn phong phú hơn, tình cảm hơn. Những cuốn sách đã bồi đắp không chỉ về kiến thức mà cả kỹ năng sống và tâm hồn cho các em.

Những việc làm ý nghĩa của cô Ngân đã được sự ủng hộ rất lớn từ phụ huynh. Không chỉ đóng góp cho giá sách, phụ huynh còn tạo điều kiện cho con đọc sách tại nhà, cổ vũ học sinh tích cực tham gia chương trình Ngày hội đọc sách ở trường hay các cuộc thi tìm kiếm đại sứ văn hoá đọc, thi giới thiệu sách qua Internet…

Co giao tre 'u muu' keo hoc tro tu thich mang xa hoi sang... me sach hinh anh 4

Cô Phạm Thị Hệ Ngân được vinh danh Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo năm 2021. (Ảnh: NVCC)

Chị Lê Thị Kim Dung, phụ huynh em Minh Hải, lớp 5A3 xúc động: “Nghe con kể cùng các bạn ở lớp đọc sách sau giờ ăn trưa, trong lòng tôi vừa vui vừa thầm cảm ơn cô chủ nhiệm đã dành tâm huyết xây dựng hoạt động đọc sách thường xuyên cho các con”.

“Đây là hoạt động mang giá trị lâu dài, giúp các con mở rộng tầm hiểu biết qua những cuốn sách, là nền tảng quan trọng góp phần xây dựng cho các con tinh thần tự học,” chị Phùng Thị Khanh, Trưởng ban phụ huynh lớp 5A3 chia sẻ.

Nhận thấy những hiệu quả tích cực từ mô hình “thư viện trong lớp học” của lớp 5A3 cũng như những giải pháp khuyến khích học sinh đọc sách của cô Hệ Ngân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung đã khuyến khích các giáo viên nhân rộng ra tất cả các lớp học trên toàn trường.

“Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, tâm huyết của cô Ngân. Để lập một giá sách trong lớp học là không khó, nhưng khó nhất là làm sao thu hút được các em tự tìm đến với sách, và cô Hệ Ngân đã làm được điều đó. Tôi cũng mong hoạt động ý nghĩa này sẽ được nhân rộng ở nhiều trường bạn,” cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung chia sẻ.

Với tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, say mê sáng tạo và cống hiến bền bỉ cho sự nghiệp trồng người, cô Phạm Thị Hệ Ngân đã vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vinh danh là Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2021.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Cô giáo trẻ "ủ mưu" kéo học trò từ thích mạng xã hội sang... mê sách