Sau Tết, hình ảnh một cô giáo đội mưa chở hai con trai ngược núi để gieo con chữ, trong đó cháu nhỏ là một em bé mẫu giáo đang nằm ngủ trong tay anh trai khiến dân mạng xúc động.
Mấy ngày qua, trên Facebook đăng một clip ghi lại cảnh cô giáo chạy xe máy dưới mưa lạnh chở theo hai con trai để lên lại trường ở miền núi Nam Trà My, Quảng Nam dạy học sau những ngày về quê ăn Tết cùng gia đình.
Người mẹ chở hai con vượt quãng đường đèo dốc hơn 100km từ huyện Thăng Bình đến Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trà Dơn, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My.
Phía sau cô giáo là hai con trai, cậu con lớn học lớp 9 ôm em trai học mẫu giáo còn đang ngủ. Ba mẹ con ngược núi trong tiết trời đầu năm ở huyện Nam Trà My mưa tầm tã, lạnh thấu xương.
Clip được chia sẻ trên Facebook khiến nhiều người xúc động và thương cảm. Có người bình luận: "Thấy tự nhiên chảy nước mắt, thương thắt lòng. Giáo viên vùng cao đa số vậy hết".
Còn có người bình luận: "Thấy thương quá, chỉ vì muốn mọi trẻ em miền núi có được cái chữ, trân quý những con người đi gieo cái chữ".
Một người là cô giáo dạy ở vùng cao huyện Nam Trà My chia sẻ: "Tôi cũng đã từng đưa con theo mình sau mỗi dịp nghỉ Tết lễ. Về sau thấy tội quá phải để con ở nhà với ông bà từ lúc 3 tuổi".
Theo tìm hiểu, người chạy xe trong clip là cô giáo Nguyễn Thị Hà, 39 tuổi, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Dơn, xã Trà Dơn.
Chồng cô Hà mất sớm, những năm qua cô đưa hai con lên ở gần trường tại xã Trà Dơn học để tiện chăm sóc.
Cô Hà cho biết hôm qua 29.1, cô chở hai con trai lên lại điểm trường để hôm nay dạy học sau những ngày về quê ở xã Bình Quý, huyện Thăng Bình ăn Tết cùng gia đình.
Đoạn đường từ quê lên huyện Nam Trà My mưa lạnh, cậu con trai 4 tuổi được anh trai bế suốt quãng đường.
Chồng mất sớm, trước đây cô gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, nhưng sau đó đưa con lên ở chung để tiện chăm sóc.
13 năm gieo chữ cho trẻ em miền núi, nhiều năm cô dạy ở điểm trường lẻ, có nơi phải đi bộ 4 giờ đồng hồ.
"Mình muốn ở trên này để dạy chữ cho các em vùng cao, đa số thầy cô trước đây cùng dạy ở miền núi họ về dưới xuôi hết rồi.
Yêu trẻ, mình mới có động lực ở lại đây. Dù dạy ở đâu cũng được, nhưng ở nơi nào người dân, học sinh cần mình thì thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn".
Cô bộc bạch cuộc sống của ba mẹ con dù khó khăn, điều kiện không bằng dưới xuôi nhưng có mẹ có con cũng vui.
"Mình muốn gắn bó ở nơi đây đến khi nào không còn sức khỏe nữa thì thôi" - cô Hà tâm sự.
Theo Tuổi trẻ