Tình yêu nghề sâu sắc, sự đam mê nhiệt huyết, tận tình của cô Hồng Thanh đã mang về cho trường Nguyễn Trãi một “vụ mùa bội thu” năm vừa qua.
Cô giáo ấy được mệnh danh là “Sát thủ học đường” bởi khuôn mặt “đằng đằng sát khí” mỗi khi học sinh không học bài về nhà. Nhưng sau cái tên gọi thân mật đó là tất cả những tình cảm sâu sắc mà các bạn học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương) dành cho cô Nguyễn Thị Hồng Thanh - giáo viên dạy bộ môn Lịch sử.
Đằng sau biệt danh “Sát thủ học đường”
Chắc hẳn ai cũng ngạc nhiên bởi nụ cười tươi tắn, sự gần gũi và thân thiện của cô Hồng Thanh lại gắn với biệt danh “Sát thủ học đường”. Khi nhắc đến biệt danh mà học sinh Nguyễn Trãi đặt cho cô, cô lại cười vui vẻ và đùa hóm hỉnh: “Tại cô bắt các bạn học nhiều quá nên các bạn ý ghét cô.”
Hỏi ra mới biết sự tình, “Cô Thanh vui tính lắm. Nhưng mà khi học thì cô rất nghiêm khắc, sẵn sàng không khoan nhượng với bạn nào không học bài. Học sử cô dạy, chẳng bao giờ em thấy buồn ngủ”- bạn Phạm Văn Long ( học sinh lớp 10 Sử).
Dành sự yêu mến cho cô Hồng Thanh, trên mạng xã hội Facebook, các bạn học sinh trường Nguyễn Trãi còn lập hẳn một fanpage “Hội phát cuồng vì u Thanh xinh gái”, cập nhật thông tin từ cô Hồng Thanh và là nơi để học sinh thể hiện sự yêu mến với cô. Hiện tại, trang fanpage thu hút gần 500 thành viên tham gia.
Trang fanpage do học sinh cô Hồng Thanh lập nên
Tốt nghiệp Đại học, cô đã có quãng thời gian bị “lỡ nhịp”, chưa được trở thành giáo viên dạy Lịch sử chính thức và đã trải qua 2 năm làm giáo viên tiểu học, 6 năm đứng trên bục giảng cấp 2.
Đến năm 1999, cô mới chính thức nhận vào dạy tại trường THPT Nguyễn Trãi, trở thánh giáo viên dạy chuyên môn sử. Và bắt đầu từ đây, cô giáo trẻ đã bắt đầu biến ước mơ, niềm đam mê môn sử của mình thành hiện thực.
Khi được hỏi tại sao cô vẫn tiếp tục kiên trì, quyết tâm trở thành cô giáo dạy sử mặc dù bị gia đình ngăn cản, muốn cô đổi nghề, cô Hồng Thanh lại cười: “Ngay từ nhỏ cô đã thích đọc sách lịch sử. Với cô, lịch sử là bất tận, rất nhiều điều còn chưa được giải đáp, đó là động lực giúp cô muốn tìm hiểu, khám phá, đam mê và yêu nghề hơn.”
Cô Hồng Thanh và đội tuyển sử
Chính tình yêu nghề sâu sắc, sự đam mê nhiệt huyết, tận tình của cô Hồng Thanh đã mang về cho trường Nguyễn Trãi một “vụ mùa bội thu” về giải quốc gia môn Lịch sử năm vừa qua. Ba giải Nhất quốc gia, 1 giải Nhì và 2 giải Ba - là những thành tích mà đội tuyển sử giành được sau kì thi học sinh giỏi quốc gia.
Trong ngày vinh danh học sinh học sinh quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cô Hồng Thanh cùng đội tuyển Lịch sử tới tham dự và nhận bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận trao tặng.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học của mình, cô Hồng Thanh cho biết: ”Cô yêu cầu các bạn phải nắm chắc kiến thức lịch sử, tự động hóa kiến thức thành các chuyên đề. Mỗi bài kiểm tra, cô áp dụng cách cho học sinh chấm chéo nhau trên nền tảng đáp án đưa ra, qua đó, học sinh tự học hỏi lẫn nhau cả điểm mạnh và tránh các lỗi mà bạn mình mắc phải”.
Mặc dù bị áp lực cao trong thời gian học đội tuyển, nhưng đây cũng là khoảng thời gian mà cô và trò đội tuyển sử mới được gần gũi, tâm sự với nhau nhiều điều. Trong đội tuyển quốc gia, dưới sự hướng dẫn của cô, bạn Đào Phương Bình ( cựu học sinh 12 Sử) không chỉ giảnh giải nhất quốc gia môn Lịch sử mà còn đạt điểm thủ khoa thi vào Học viện An ninh nhân dân với 25,5 điểm (trong đó, môn Lịch sử được 8,75 điểm).
Cô Hồng Thanh cùng đội tuyển HSG Quốc gia môn Lịch sử
Chàng trai đam mê môn Lịch sử nhớ lại: “Hồi học đội tuyển với cô Thanh nhiều kỉ niệm lắm, nhưng em nhớ nhất là trước hôm đi thi 3 ngày. Cô cho chúng em tự đặt các câu hỏi từ giai đoạn 1939- 1945 của Lịch sử Việt Nam. Hôm đấy, chúng em đặt được 100 câu hỏi. Cô cũng tâm sự rất nhiều về kì vọng đội tuyển năm nay, về niềm tin vào thành công. Nghe cô nói, chúng em thực sự xúc động và bạn nào cũng cố nhủ với mình là quyết tâm đi thi trên tinh thần cao nhất.”
Trước những thành công của mình, chàng sinh viên Học viện An ninh nhân dân, Đào Phương Bình xúc động nói về người cô dìu dắt mình trong suốt 3 năm học chuyên sử: “Cô Thanh là người tạo cho em một thói quen học Lịch sử một cách thường xuyên và hiệu quả nhất. Thành công của em ngày hôm nay tất cả đều nhờ cô cũng như mọi kiến thức cô truyền dạy cho bọn em.”
Những “trăn trở” về môn Lịch sử.
Hơn 20 năm trải dạy học môn Lịch sử, điều mà cô Hồng Thanh trăn trở chính là thái độ của xã hội đối với môn Lịch sử nhất là khi mỗi kì thi đại học trôi qua, trên báo chí ngập tràn thông tin về sự xuống dốc của vấn đề học Lịch sử trong giới trẻ.
Cô tâm sự: “Cô mong xã hội hãy coi trọng môn Lịch sử, coi Lịch sử là một phần trong cuộc sống. Bởi con người ta không thể hướng tới tương lai tốt đẹp khi không có gốc rễ. Không có Lịch sử là mất gốc, là mất nước. Coi trọng lịch sử chính là giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh đặc biệt lòng yêu nước.”
Theo cô, phương pháp dạy học và ra đề thi nên tiến hành đổi mới linh hoạt và đánh giá đúng năng lực của học sinh, không nên tiếp tục duy trì lối học thuộc sáo rỗng.
Có lẽ, đó cũng là mong mỏi của nhiều thầy cô giáo đang trong sự nghiệp “trồng người” gian nan mà cao quý, nhất là những người thầy, người cô đang dạy môn Lịch sử.
Mai Linh (Petrotimes)