Cái tin con bé Diệu Linh nhà cô Tươi nhận được suất học bổng du học của một trường đại học danh giá ở tận nước Mỹ xa xôi, cách đây những nửa vòng trái đất khiến cả xóm Chợ xôn xao.
Cái tin con bé Diệu Linh nhà cô Tươi nhận được suất học bổng du học của một trường đại học danh giá ở tận nước Mỹ xa xôi, cách đây những nửa vòng trái đất khiến cả xóm Chợ xôn xao. Mọi ngày người ta chỉ bàn tán về giá thịt cá, rau quả. Nào là: "Thịt lợn tăng rồi, dự đoán còn tăng nữa. Vải vụ này được mùa, ăn thích nhé". Nhưng mấy hôm nay họ truyền tai nhau không ngớt: "Cái nhà chị Tươi thế mà sướng, có con gái học giỏi quá". "Đấy! Cứ chê nó là con hoang đi, khối đứa xách dép cho nó ấy chứ". "Chả gì bằng con cái học giỏi, thành đạt, của để dành đấy chứ đâu". "Cứ bảo dân xóm Chợ học dốt nữa đi, giờ thì xóm mình tự hào rồi nhá"…
Mới tang tảng sáng, còn chưa rõ mặt người, Diệu Linh đã bị đánh thức bởi những âm thanh hỗn tạp. Tiếng lợn bị chọc tiết rít lên một hồi dài, tiếng gà vịt quang quác, tiếng mặc cả trả giá, tranh giành, tiếng xe máy rồ ga. Ầm ĩ, xô bồ. Ngày nào cũng thế, dù mưa hay nắng, chợ vẫn họp. Người mua kẻ bán vẫn tấp nập bon chen. Diệu Linh quờ tay sang bên cạnh, mẹ đã dậy từ khi nào. Có lẽ mẹ đang tranh mua, tranh bán dưới chợ kia. Từ hôm nhận được thư của trường đại học ở Mỹ đồng ý trao học bổng toàn phần cho Diệu Linh trong 5 năm học đại học vì thành tích học tập trong những năm THPT và những bài luận của cô bé quá xuất sắc thì mẹ không gọi Linh dậy sớm học bài nữa. Mẹ muốn giữ giấc ngủ cho Linh, muốn Linh có sức khỏe tốt để chuẩn bị lên máy bay. Nhưng Linh quen dậy vào giờ ấy rồi, thành ra được mẹ cho ngủ nữa thì nó cũng không ngủ được. Hé mắt nhìn qua khung cửa sổ gác xép xuống đường, Linh thấy người mua kẻ bán xếp hàng cả một dãy dài. Chợ này là chợ đầu mối nên khắp nơi đổ về đây từ sớm để lấy hàng.
Nhà Diệu Linh cách chợ chưa đến dăm chục mét nên mẹ mở cửa hàng tạp hóa và tranh thủ buôn đi bán lại đủ các mặt hàng, khi thì rau củ, khi thì trái cây, khi thì mớ tôm mớ cá để kiếm lời lãi mong trả hết khoản nợ vay ngân hàng xây nhà và lo cho Linh ăn học. Mẹ nhồi vào đầu Diệu Linh một ý chí mãnh liệt: "Chỉ có học mới thoát khỏi cảnh nghèo và không bị người ta khinh. Chỉ có học mới có cơ hội đổi đời thôi con ạ!".
Suốt bao nhiêu năm nay mẹ Linh vẫn ám ảnh về cái chuyện mình không có chồng mà có con. Mẹ lo sợ bị thiên hạ khinh thường. Nỗi ám ảnh ấy ngấm sang Diệu Linh. Nó biết mình là một đứa con không có cha từ khi cắp sách đến trường. Năm nào con bé cũng được liệt vào danh sách "học sinh có hoàn cảnh đặc biệt" hoặc "học sinh nghèo vượt khó". Cứ hết học kỳ, hết năm học hay dịp Tết là Diệu Linh lại được lớp, được trường, được Hội Chữ thập đỏ của huyện tặng quà, tặng học bổng. Chả có đứa bạn nào ghen tị với Linh về chuyện đó vì chúng có đủ đầy bố mẹ, ai lại đi "ga tô" với một đứa không có cha như Linh.
Hồi còn ở trong làng với bà ngoại, mẹ Linh thường làm hàng xáo, rồi làm thuê làm mướn, rảnh là mò ốc, mò trai đem bán. Mẹ là người phụ nữ khỏe mạnh, xốc vác, thời con gái cũng có người hỏi cưới nhưng Linh nghe người làng đồn mẹ phải lòng người đàn ông đã có gia đình nên đâm ra lỡ dở cả cuộc đời. Đẻ Diệu Linh, mẹ chấp nhận điều tiếng và ở vậy nuôi con. Bà ngoại thì trồng rau, nuôi gà. Ba mẹ con bà cháu quây quần đùm bọc. Nhưng từ khi ngoại mất, vợ chồng cậu Cung giành phần ngôi nhà, chia cho mẹ góc vườn bé bằng hai cái chiếu. Người làng bảo cậu Cung tham quá và xui mẹ vác đơn lên xã kiện. Mẹ lắc đầu, bảo: "Chả dại! Lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt". Xây nhà ở góc vườn ấy cũng không đành, án ngữ ở đấy khác nào cái gai trong mắt em dâu nên mẹ quyết định bán lại cho vợ chồng cậu Cung. Được ít tiền bán đất đó cộng với số của nả tích cóp được trong bao năm chắt chiu, dành dụm, mẹ mua một mảnh đất nhỏ, giáp cánh đồng, xây ngôi nhà bé như túp lều vừa gần bãi rác, vừa gần nghĩa trang của xã. Mảnh đất ấy rẻ vì địa thế xấu, chả mấy ai thiết mua. Nhà Diệu Linh nằm trơ trọi giữa mênh mông khoảng trống, lưa thưa vài ngôi nhà ở phía xa. Mùi rác thải cách mấy chục mét bay vào nồng nặc, khó thở. Diệu Linh rất sợ cái mùi xú uế đó, bất chợt ngửi thấy là cô bé nôn khan nên nó đóng cửa suốt ngày để tránh khí độc bay vào nhà. Hễ làng có người chết thì kiểu gì cũng phải đưa ma qua lối ấy, trước cửa nhà Linh. Tiếng kèn đám ma rền rĩ, nỉ non làm mẹ lại thở dài. Còn Diệu Linh lấy bút đỏ, vạch lên bức tường quét ve màu xanh một vạch nữa, để đánh dấu số người của làng về với cát bụi.
Dự án đường liên tỉnh chạy qua cánh đồng kèm dự án xây chợ gần nhà Linh đột ngột được triển khai để tập hợp tất cả các chợ cóc, chợ vỉa hè cản trở giao thông quanh vùng về đó cho thuận tiện. Toàn bộ bãi rác mênh mông được sơ tán hết. Đường được làm mới, rộng thênh thang. Dân tình không biết trước chuyện này nên nháo nhác mua đất. Giá đất ở khu nhà Linh bỗng tăng vọt gấp ba, gấp bốn lần. Cậu Cung ghen tị ra mồm: "Mẹ con chị may nhá, khác nào trúng số nhỉ". Mẹ Linh đốp lại: "Vợ chồng cậu thích không? Tôi đổi cho. Tôi về làng tôi ở để con tôi học hành tử tế. Gần chợ, bát nháo, làm sao mà học giỏi được". Cậu Cung ngắn tũn mặt lại, từ đó không dám hé miệng về chuyện may rủi của mẹ con Linh nữa.
Chợ xây xong, phân chia thành các gian hàng, trông rộng rãi và khang trang lắm, rồi chính quyền tổ chức đấu thầu. Người ta tranh nhau xếp lốt trước hàng năm trời. Ai muốn có một gian hàng thì cũng mất khối tiền. Chợ họp đông đúc nhất là lúc sáng sớm bán buôn và buổi chiều tà, khi công nhân tan ca. Vì gần đường lớn nên ai cũng có thể tạt vào chợ, mua sắm rất thuận tiện.
Xóm Chợ ngày một đông vui, chả khác nào khu phố mới, nhộn nhịp từ sáng sớm đến tận khuya. Nhà cao tầng mọc lên san sát. Cửa hàng, cửa hiệu phong phú, đủ các chủng loại, từ đồ điện tử đến mỹ phẩm, thực phẩm, giải khát. Thậm chí có cả phòng tập thể hình. Mới có mấy năm mà diện mạo xóm Chợ thay đổi chóng mặt, không ai còn nhận ra dấu tích ban đầu của cái xóm bãi rác và nghĩa địa này nữa. Nhưng cùng với sự sầm uất của khu chợ mới, những tệ nạn ở đâu cũng tràn về. Người lớn đua nhau làm giàu, trẻ con nghiện chơi game, chọc bi a và tập tọng kiếm tiền.
Đi học nửa ngày, nửa ngày Diệu Linh chúi mắt vào hiệu sách cũ của cô Thoan gần nhà. Bán sách cũ với cô Thoan chỉ là việc phụ mà kinh doanh phòng hát karaoke ở trên tầng hai, tầng ba mới là thu nhập chính. Thấy Diệu Linh chăm đọc, cô vui vẻ cho mượn sách về nhà, không phải trả tiền. Cô có thằng con trai bằng tuổi Linh - thằng Đạt - nhưng nó lười học nên bị đúp, học sau Linh một lớp. Cứ dăm bữa nửa tháng nó lại dọa bỏ nhà đi nếu cô Thoan không chiều theo yêu sách của nó. Nhiều lần cô năn nỉ, nhờ cậy Diệu Linh: "Cháu khuyên nó hộ cô với. Thằng này hết thuốc chữa rồi. Bố nó đánh gãy cả roi mà nó chả sợ". Diệu Linh dạ vâng nhưng cũng không giúp gì được cô Thoan. Hễ Linh lại gần là thằng Đạt hét lên: "Đồ mọt sách! Vì mày mà tao bị bố đánh". Có lần nó quát Linh với giọng tức tối: "Phắn ra chỗ khác mau. Mày là cái gì mà bố mẹ tao cứ so sánh tao với mày. Đồ con hoang!". Linh lủi thủi về nhà, không thích gây sự với thằng "đầu gấu" của xóm Chợ. Nước mắt đầm đìa trên mặt, Linh khóc nấc lên. Cô Tươi đang đóng gói từng lạng mộc nhĩ vào túi nilon, ngẩng mặt lên, nhìn con gái bằng ánh mắt đượm buồn: "Chẳng ai chọn được nơi mình sinh ra con ạ! Chỉ có một cách thôi. Học giỏi cho chúng nó khỏi khinh!".
Cái Hoài, cái Thơm ở xóm Chợ cùng lứa tuổi với Diệu Linh nhưng bọn nó không thích chơi với Linh. Chúng chê Diệu Linh là "đồ nhà quê". Tuổi thơ của Diệu Linh chỉ có sách làm bạn, chẳng có bạn hàng xóm, nghĩ cũng buồn, cũng tủi. Chiều chiều cái Hoài thường sàng sẩy, buôn trái cây lặt vặt để lấy tiền mua phấn son và váy áo, chả bù cho Linh, quanh năm chỉ mặc đồng phục của trường. Cái Thơm thì xin một chân phục vụ trong quán karaoke của nhà cô Thoan. Mới học lớp 11 mà nó đã biết trang điểm lòe loẹt, đôi môi lúc nào cũng đỏ chót như quả ớt ngọt chín mọng, váy thì ngắn đến ngang đùi, hở cặp chân trắng nõn. Bố mẹ chúng nó không bận tâm đến chuyện ăn mặc của con cái hoặc nói mãi không được nên làm ngơ vì họ còn mải kiếm tiền. Mẹ Diệu Linh cũng miệt mài kiếm tiền nhưng mẹ không khiến Diệu Linh động vào việc buôn bán. Mẹ bảo: "Việc của con là học, chỉ có học thôi. Đời mẹ đã khổ lắm rồi. Con phải tìm cách thoát ra". Có lẽ chính bản thân Diệu Linh cũng ý thức được điều đó nên năm nào con bé cũng đứng đầu lớp về thành tích học tập. Diệu Linh rinh về rất nhiều giải thưởng cho nhà trường và giành được hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác khiến các bậc phụ huynh cũng phải ngỡ ngàng, băn khoăn: "Lạ nhỉ. Mẹ nó mới học hết cấp hai mà con gái giỏi thế". Dần dà bạn bè trong lớp bắt đầu nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt ngưỡng mộ, còn các ông bố, bà mẹ ở xóm Chợ thì lấy Diệu Linh ra làm gương, bắt con cái họ noi theo. Vì thế mà Linh càng bị bọn thằng Đạt, cái Hoài, cái Thơm ghét tợn.
Khi tích cóp được một khoản kha khá thì mẹ Linh vay mượn thêm, đập cái nhà bé xíu ra xây lại cho nó khỏi lạc lõng giữa cái xóm Chợ sầm uất này. Mẹ xây một tầng rưỡi, bên dưới bán hàng và nấu ăn. Gác xép ngăn làm hai, một bên là phòng ngủ của hai mẹ con, một bên kê cái bàn thờ gia tiên.
Diệu Linh học luôn trong phòng ngủ, giá sách treo trên tường. Gia tài của nó là những cuốn sách, cuốn từ điển tiếng Anh dày cộp cùng cái máy vi tính xách tay đã cũ. Trong căn phòng nhỏ bé ấy, ngày nào Diệu Linh cũng dậy từ tờ mờ sáng để học bài, khi mẹ đã xuống chợ. Mẹ tảo tần sớm khuya chỉ để mong đứa con gái duy nhất có ngày thành công trên con đường học vấn. Diệu Linh đã không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Từ căn gác xép chật chội ấy, Diệu Linh quan sát sự chuyển mình của xóm Chợ và những bài luận bằng tiếng Anh ra đời ở đó. Diệu Linh gửi đi và hồi hộp chờ đợi. Không ngờ kết quả mỹ mãn hơn cả sự mong đợi của mẹ, của Linh vì những ý tưởng độc đáo trong bài luận.
Bây giờ, chỉ còn chưa đầy một tiếng đồng hồ nữa máy bay sẽ cất cánh, Diệu Linh ôm chặt mẹ trước khi đi đến một chân trời mới. Mẹ khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên gò má đã lốm đốm tàn nhang. Diệu Linh nén xúc động để khỏi òa lên nức nở, để mẹ an lòng rằng con gái mẹ đã lớn, đã có thể tự lập được ở một nơi xa lạ. Diệu Linh sẽ rất nhớ mẹ, nhớ xóm Chợ và những âm thanh ồn ã mỗi buổi sớm, buổi chiều. Tất cả đã trở thành hành trang để Diệu Linh mang theo đến miền đất hứa.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH