Cô gái đó là Nguyễn Thị Nga, 27 tuổi, ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ - người đang từng ngày phải sống trong những cơn đau quằn quại do căn bệnh "u tủy sống" quái ác.
Bị bệnh hiểm nghèo nhưng Nga luôn sống với tinh thần “thép”
"Khi nhắm mắt xuôi tay, tôi xin tự nguyện hiến giác mạc của mình cho Ngân hàng Mắt để giúp cho một người khiếm thị nào đó có thể nhìn thấy ánh sáng. Tôi chỉ có ước nguyện duy nhất vậy thôi...". Đó là những lời tâm sự chân tình, mộc mạc, mang đầy tính nhân văn của chị Nguyễn Thị Nga, 27 tuổi, ở khu An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ - người đang từng ngày phải sống trong những cơn đau quằn quại do căn bệnh "u tủy sống" quái ác.
Tính đến nay đã tròn 10 năm chị Nga nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt hằng ngày của chị đều do một mình mẹ chị lo liệu. Thời gian này, các cơn đau, co giật diễn ra nhiều hơn, cơ thể chị teo tóp, cân nặng chỉ còn khoảng 25 kg, trên khắp cơ thể xuất hiện nhiều vết nấm màu đỏ, nhiều chỗ bị lở loét, 2 xương đùi bị gẫy rời... Thế nhưng, những cơn đau thể xác không thể khuất phục được nghị lực của chị Nga. Hôm chúng tôi đến thăm, mặc dù không còn sức để ngồi dậy được, nhưng chị vẫn chào hỏi, trò chuyện vui vẻ với chúng tôi. Chị Nga tâm sự: "Tôi biết bệnh và sức khỏe của mình như thế nào. Không biết tôi còn có thể sống được bao lâu nữa. Nhưng còn ngày nào thì mình phải sống cho thật tốt, cho có ý nghĩa". Khi chúng tôi hỏi về chuyện tự nguyện hiến giác mạc, chị chia sẻ: "Năm 2009, tôi xem một chương trình nhân đạo trên truyền hình. Sau chương trình ấy, tôi đã suy nghĩ và quyết định xin bố mẹ được viết đơn tự nguyện hiến giác mạc. Tuy nhiên, gia đình tôi đã phản đối rất kịch liệt. Tôi nói với mẹ, trong xã hội không hiếm người mang bệnh hiểm nghèo như con. Trước khi chết, nhiều người đã tự nguyện hiến nội tạng, giác mạc của họ cho những bệnh nhân cần đến hoặc để phục vụ nghiên cứu khoa học. Đó là một việc làm thật có ý nghĩa và bản thân con cũng mong muốn sẽ làm được một việc như vậy. Khi con hiến giác mạc của mình, tức là con đã giúp được một ai đó bị khiếm thị có thể nhìn thấy. Và nếu họ thường xuyên đến thăm mẹ thì cũng coi như là con đang ở bên và nhìn thấy mẹ rồi. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng thì mẹ và mọi người trong gia đình đã hiểu hết tâm nguyện của tôi. Cùng năm đó, tôi viết đơn tình nguyện hiến giác mạc gửi lên Ngân hàng Mắt Trung ương và đã nhận được thư đồng ý".
Lật từng trang học bạ và những tấm ảnh cũ của con, bà Vũ Thị Dụ (mẹ của chị Nga) nghẹn ngào kể: Từ nhỏ Nga đã chăm ngoan, học giỏi, luôn biết lo lắng và thương bố mẹ vất vả. Hồi học cấp 1, Nga phát triển bình thường, nhưng chân thi thoảng lại có biểu hiện "rung rung". Lên cấp 2, Nga thường xuyên bị tê chân. Trong đó có lần đôi chân của Nga không thể bước đi được trong nhiều ngày. Sức khỏe Nga suy giảm nhanh, những cơn đau bắt đầu xuất hiện và hết lớp 9 phải xin nghỉ học giữa chừng. Bác sĩ kết luận Nga bị "u tủy sống". Đây là ca bệnh khá hiếm gặp và buộc phải phẫu thuật. Nhưng trớ trêu ở chỗ, nếu phẫu thuật thì tỷ lệ Nga bị liệt lên tới 90%. Còn nếu không phẫu thuật thì cũng rất nguy hiểm đến tính mạng. Sau lần phẫu thuật đó, Nga bị liệt hoàn toàn và phải nằm một chỗ, kèm theo đó là những cơn đau, co giật vẫn xảy ra nhiều lần trong ngày...
Qua tìm hiểu được biết, gia đình chị Nga thuộc diện hộ nghèo. Chị có một anh trai làm công nhân trên Hà Nội. Bố mẹ chị quanh năm vất vả với 4 sào ruộng, cuộc sống đầy khó khăn, túng thiếu. Đã vậy, mẹ chị còn bị sỏi thận, gai cột sống, quanh năm phải dùng đến thuốc...
TIẾN MẠNH