Dưới ánh nắng nhợt nhạt cuối ngày, căn nhà ông Trần Văn Trạc ở cuối đội 9, thôn Sơn Khê, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) hiện ra cũ kỹ và lặng lẽ như chính chủ nhân của nó.
Mong mỏi của ông Trạc hiện giờ chỉ là có đủ sức khỏe để chăm sóc vợ con
Từ UBND xã, phải men theo các con đường nhỏ, lắt léo chừng hơn 2 km mới đến được nhà ông Trạc. Bên trong căn nhà hiu quạnh ấy, có những mảnh đời lay lắt đã bám víu vào nhau sống qua ngày đoạn tháng suốt mấy chục năm trời.
Ông Trạc năm nay 70 tuổi, nặng nhọc kéo cánh cổng sắt mời khách vào nhà. Bộ cửa sắt đã hoen gỉ ấy trước đây được ông vay mượn và hàn kiên cố để giữ cho những người con của mình không bỏ đi lang thang khắp nơi. Một trong những người con ấy đã mất vài năm trước. Hai người còn lại là chị Trần Thị Duyên nay đã 49 tuổi, anh Trần Văn Bùi 46 tuổi nhưng vẫn ngô nghê như con trẻ.
Năm 1968, ông Trạc bén duyên với bà Phùng Thị Thắm ở cùng làng. Một năm sau, chị Duyên ra đời trong niềm vui của cả gia đình. Nhưng chỉ 1 năm sau, người con cả đã có những biểu hiện bất thường về thể trạng. Ôm con đi chạy chữa không khỏi, ông bà đành mang con về. Từ bấy đến giờ, chị Duyên chỉ bò loanh quanh trong nhà, cho gì ăn nấy, lúc nào cũng ngác ngơ, sợ sệt. Còn anh Bùi đi lại được nhưng tư duy chỉ như đứa trẻ lên 3, luôn nem nép nhìn trộm khách qua khe cửa nhỏ. Với ước ao cháy bỏng về những đứa con khỏe mạnh, ngoài chị Duyên, anh Bùi, vợ chồng ông Trạc còn sinh thêm 3 người con nữa. Nhưng số phận nghiệt ngã vẫn không buông tha ông Trạc. Cả 3 người con đầu đều tâm thần thể nặng. Hai người con sau dù trí tuệ bình thường song thể trạng yếu ớt, gầy gò. Hạnh phúc nhất đời ông Trạc có lẽ là 2 người con cuối có người thương cảm, đồng ý lấy làm chồng. Hiện 2 người ở nơi khác, nhưng cũng sống trong cảnh túng thiếu, bần hàn.
Cách đây gần 10 năm, vợ ông bị tai biến, chỉ đi lại khó nhọc trong nhà, mọi việc ông Trạc phải cáng đáng. Chăm nom hai người con từ miếng cơm, cốc nước, tắm giặt, vệ sinh cá nhân cũng một tay ông Trạc làm. Cả nhà có gần 1 sào ruộng nhưng nhiều năm nay do bệnh tật, tuổi già nên ông bà đành phải bỏ hoang. Những năm gần đây, dù phát hiện bị rối loạn nhịp tim, huyết áp, song ông cũng chẳng có tiền chạy chữa, chỉ mong đủ cơm ăn. Ông Trạc trải lòng: "Bây giờ có cơm ăn là may rồi. Chỉ mong ông trời đừng bắt đi sớm, để tôi ở lại nuôi vợ, chăm con".
Anh Phạm Bá Tuyến, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết gia đình ông Trạc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cả 4 người trong nhà đều không còn khả năng lao động, chủ yếu sống nhờ lòng hảo tâm của mọi người. Hiện nay, chi tiêu của cả gia đình hằng tháng chỉ có hơn 1 triệu đồng là tiền hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật và trợ cấp người khuyết tật của 3 cha con ông Trạc.
Gia đình ông Trạc rất mong nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, thông qua địa chỉ: ông Trần Văn Trạc, đội 9, thôn Sơn Khê, xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hoặc qua địa chỉ: anh Bùi Xương Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thái Thịnh, điện thoại: 0962.892.567. Nếu cần thêm thông tin, các nhà hảo tâm có thể liên lạc qua số điện thoại của tác giả bài viết: 0922.226.444.
TIẾN HUY