Có chí thì nên

18/07/2014 10:36

Với ý chí vượt lên, chị Vũ Thị Loan (34 tuổi) ở thôn Tân Hưng, xã Tân Việt (Bình Giang) đang thành đạt trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng gia đình hạnh phúc...



Chị Vũ Thị Loan là một trong những gương phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu của huyện Bình Giang


Chị Vũ Thị Loan (34 tuổi) ở thôn Tân Hưng, xã Tân Việt (Bình Giang) xuất thân trong một gia đình thuần nông. Với ý chí vượt lên chính mình, người phụ nữ trẻ ấy đang thành đạt trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Nỗ lực không ngừng

Sau khi tốt nghiệp THPT năm 1998, chị Loan đã thi trượt đại học 2 năm liền sau đó. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, chị thương bố mẹ vất vả nuôi 4 người con ăn học nên chị nản lòng, quyết định từ bỏ ước mơ thoát ly, chấp nhận đi làm thuê suốt đời. Chị làm công nhân cho một công ty sản xuất giày da ở Hải Phòng và thấu hiểu nỗi khó nhọc của người lao động. Với lý tưởng thành công không phải ngẫu nhiên mà có, cuộc sống là do bản thân mỗi người lựa chọn và cố gắng, vài tháng sau chị Loan đã bỏ làm công nhân và theo học ngành kế toán của Trường Trung cấp Lương thực - Thực phẩm ở Hải Phòng. Trong thời gian theo học, chị đã nung nấu ước mơ trở thành chủ doanh nghiệp. Đến khi ra trường năm 2002, mặc dù được bố mẹ lo cho công việc ổn định ở Quảng Ninh nhưng chị Loan vẫn quyết tâm “tự thân lập nghiệp”. Cứ khi nào Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh có đợt giới thiệu việc làm là chị lại đến tìm hiểu. Chị bươn chải làm nhân viên, kế toán cho một số công ty tư nhân trên Hà Nội. Môi trường làm việc khắc nghiệt, không ít lần chị tủi thân vì bị cấp trên quở trách và tưởng chừng sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng với tinh thần cầu thị, khắc phục khó khăn, sửa chữa khuyết điểm, chị đã lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm từ mọi người, năng lực, chuyên môn ngày càng cao. 4 năm sau đó, chị lập gia đình và trở về quê nhà để thực hiện ước mơ làm giàu.

Chị Loan cùng chồng là anh Trần Đức Tiến (quê ở Quảng Ngãi) quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh i-nốc. Lúc đầu với số vốn khoảng 200 triệu đồng vay của bạn bè, người thân nên xưởng sản xuất của gia đình chị chỉ rộng vài trăm m². Do chưa có thị trường tiêu thụ nên chị thuê ô-tô đi quảng bá sản phẩm ở nhiều nơi trong tỉnh. Chi phí cho mỗi chuyến xe lên tới cả triệu đồng, sản phẩm bán ra không đủ để chi trả. Nhiều người khuyên chị nên bỏ cuộc vì đầu tư lớn mà chẳng có lãi, nhưng chị vẫn kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Chị Loan chia sẻ: "Kiên trì, ham học hỏi và không ngại khó, ngại khổ là những kinh nghiệm giúp tôi vượt qua thử thách trong công việc và thành công như ngày hôm nay. Dù cuộc sống có nhiều biến động nhưng tôi luôn tâm niệm rằng hãy không ngừng nỗ lực với khả năng của mình”.

Giàu tình thương

Trải qua bao khó khăn đến nay xưởng i-nốc của gia đình chị Loan đã được mở rộng với nhiều cơ sở, tổng diện tích lên tới gần 3.500 m². Từ những sản phẩm đơn lẻ và đơn giản nay đã đa dạng hơn với tính thẩm mỹ cao và sang trọng Thị trường tiêu thụ vươn ra nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Những năm qua, chị Loan không chỉ tự làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Xưởng sản xuất đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 công nhân với mức lương đạt 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hằng năm của xưởng khoảng 3 tỷ đồng.

Hiện nay, công việc chính của chị là kế toán của Trường Mầm non xã Tân Việt và hằng ngày vẫn cùng chồng quán xuyến việc sản xuất, kinh doanh. Dù đã trở thành bà chủ nhưng chị Loan vẫn luôn hòa đồng, thân thiện, nhiệt tình và giàu tình thương đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Công nhân nào chưa thạo việc hoặc mắc lỗi thì chị nhắc nhở và chỉ bảo tận tình. Hằng năm, cứ đến mùa vụ chị lại cho công nhân nghỉ khoảng 1 tuần để tập trung làm việc đồng áng. Người nào bị ốm phải nghỉ việc tạm thời, chị đến hỏi thăm, tặng quà và động viên. Hằng năm, chị tổ chức cho người lao động đi du lịch để có thêm động lực phấn đấu trong công việc. Chị tích cực ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị lũ lụt và hỗ trợ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi. Chị Vũ Thị Thơm (36 tuổi) đang làm việc tại xưởng i-nốc của gia đình chị Loan chia sẻ: “Tôi làm ở đây đã 3 năm rồi. Con trai của tôi cũng mới vào làm được hơn 1 tháng. Ở nông thôn mà có công việc thu nhập ổn định, tôi rất hài lòng. Là quản lý nhưng chị Loan luôn quan tâm, giúp đỡ công nhân”.

Chặng đường lập nghiệp của chị Loan đã trải qua nhiều mồ hôi và có cả nước mắt. Chị là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt qua thử thách, khó khăn trong cuộc sống và công việc.

LÊ XUYỀN

(0) Bình luận
Có chí thì nên