Cơ chế vận hành, thu thập thông tin của Bluezone như thế nào?

09/08/2020 09:57

Nhiều người thắc mắc về tính chính xác của ứng dụng Bluezone vừa cài đặt để phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Hiểu và dùng Bluezone như thế nào?


Ông Trần Việt Hải

Phóng viên đã trao đổi với ông Trần Việt Hải, phụ trách dự án Bluezone, về vấn đề này.

- Nhiều người chỉ ở trong nhà suốt ngày nhưng ứng dụng Bluezone lại thông báo đã có tiếp xúc hàng chục người. Hiểu khái niệm ''tiếp xúc'' này như thế nào?

- Người dùng cần để ý phân biệt số người dùng tiếp xúc và số lần tiếp xúc có ghi rõ trên ứng dụng Bluezone. Do BluezoneID (số định danh người dùng Bluezone) thay đổi liên tục nên cho dù ở trong nhà, tiếp xúc 1 - 2 người nhưng nhiều lần thì lượt tiếp xúc có thể lên tới hàng chục.

Bluezone dùng sóng bluetooth là sóng không dây nên không phân biệt được có vách ngăn hay không, chỉ cần sóng bluetooth trên 2 điện thoại cài Bluezone ''gặp'' nhau đủ lâu thì ứng dụng sẽ ghi nhận là có tiếp xúc.

- Thời gian ''gặp'' giữa 2 người bao lâu thì được ghi nhận là tiếp xúc? Khoảng cách bao xa thì Bluezone xem là tiếp xúc và tiếp xúc gần?

- Nếu cả 2 người dùng đều mở màn hình ứng dụng thì chỉ cần lướt qua nhau cũng đã được ghi nhận tiếp xúc. Còn nếu để ứng dụng chạy nền thì có thể lâu hơn, nhưng tối đa không quá 5 phút.

Dựa vào khoảng cách phát và nhận sóng bluetooth giữa 2 thiết bị, nếu dưới 2m thì Bluezone ghi nhận tiếp xúc gần, và xa hơn là tiếp xúc.

- Có trường hợp 2 người chung nhà cùng cài Bluezone nhưng ứng dụng vẫn ghi nhận không tiếp xúc ai, liệu có sự nhầm lẫn nào không?

- Chung nhà mà không tiếp xúc thì xem lại kết nối bluetooth vì khi đó có thể thiết bị không được bật bluetooth. Nếu người dùng tắt bluetooth, giả sử họ có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 thì sự tiếp xúc này sẽ không được ghi nhận.

- Nhiều người dùng vẫn tỏ ra lo ngại về việc thông tin cá nhân của mình có thể bị thu thập và khai thác sau này. Điều này đúng không?

- Ứng dụng Bluezone hoạt động theo mô hình phân tán, dữ liệu hoàn toàn nằm trên máy người dùng. Chính vì vậy, các biện pháp bảo đảm an ninh chính là từ phía người dùng. Người dùng sẽ phải có ý thức bảo vệ giống như là bảo vệ các thông tin cá nhân, riêng tư của họ trên điện thoại.

Đội ngũ phát triển và vận hành Bluezone không thu thập dữ liệu người dùng. Do dữ liệu nằm trên máy người dùng nên việc xóa dữ liệu sau đó là do người dùng tự quyết định.

Ứng dụng Bluezone hoạt động theo mô hình phân tán nên dữ liệu hoàn toàn do người dùng quản lý. Do vậy, giả sử khi hệ thống Bluezone bị tấn công, hacker không có được toàn bộ dữ liệu của người dân. Đơn giản là vì hệ thống không hề lưu trữ dữ liệu người dùng.

- Khi có người cài Bluezone được phát hiện nhiễm COVID-19, cơ chế hoạt động và cảnh báo của ứng dụng sẽ ra sao?

- Khi người đó được xác nhận nhiễm COVID-19, thông tin từ Bluezone của người bệnh sẽ được Bộ Y tế đưa lên hệ thống.

Tiếp đó, Bluezone trên máy của những người cài đặt sẽ lấy thông tin từ hệ thống đối chiếu với lịch sử tiếp xúc trên máy của mình. Nếu có trùng khớp sẽ cảnh báo cho người là F1 trước, sau đó lại tiếp tục khai thác F1 thì ra được F2...

Hơn 12 triệu lượt cài ứng dụng Bluezone

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Bkav, tính đến chiều ngày 8.8 đã có hơn 12 triệu lượt người dân cài đặt ứng dụng Bluezone.

Bluezone là ứng dụng cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Khi có một người nhiễm bệnh, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng sẽ cho những người khác biết họ đã từng tiếp xúc với bệnh nhân nếu cả hai đều dùng Bluezone. Vì vậy, càng nhiều người cài đặt Bluezone thì hiệu quả bảo vệ càng cao.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế vận hành, thu thập thông tin của Bluezone như thế nào?