Cười tươi hồn nhiên trước ca mổ, “turtle girl” Việt Nam nói nhớ anh hai quá. Chỉ mong sớm hết bướu, được về nhà chơi với anh.
Hình ảnh “cô bé mai rùa” Việt Nam trước khi được phẫu thuật. Ảnh: Quốc Ngọc
Sáng 29-8, đúng như dự kiến, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cùng ê kíp phẫu thuật của mình đã tiến hành ca mổ cắt khối bướu hắc tố bẩm sinh khổng lồ trên lưng bé gái Trần Thị N.T. (10 tuổi, trú tại Sóc Trăng).
Khối bướu có đường kính hơn 22cm, úp trọn lên lưng cô bé. Khối bướu màu đen, bề mặt sần sùi, có lông và rất nhiều nốt ruồi “vệ tinh” vây xung quanh.
Theo bác sĩ Hiếu, trường hợp này tương tự “cậu bé mai rùa” Didier Montalvo người Columbia, do một nhóm bác sĩ thiện nguyện phát hiện và được cả thế giới biết đến năm 2012.
Sau đó, Didier đã được phẫu thuật cắt bỏ bướu tại Anh năm 2015. Khi đó, trường hợp Didier được bình chọn là 1 trong 8 ca bệnh lạ nhất thế giới. Trường hợp bé T là trường hợp thứ hai trên thế giới mang khối bướu hiếm gặp này. Bác sĩ Hiếu cũng tạm gọi T. là “turtle girl” của Việt Nam với hy vọng giúp cô bé có thể trở lại cuộc sống bình thường.
“Turtle girl” Việt Nam quấn lấy mẹ trước giờ lên bàn mổ sáng 29-8. Ảnh: Quốc Ngọc.
Tiếp xúc với phóng viên trước ca mổ sáng nay, “cô bé mai rùa” khá vui tươi, hồn nhiên, cho biết: “Từ nhỏ đến lớn chỉ có anh hai chơi với con thôi, không bạn bè nào chơi với con hết. Mấy bạn nói con có cái gì đó trên lưng nên sợ. Con nhớ anh hai quá. Con mong bác sĩ cho con khỏi bướu để về chơi với anh hai”, bé T. nói.
Mẹ của em, bà Thạch Thị Đ.N. (34 tuổi) cho biết, học hết lớp 3 thì T. không muốn đi học nữa vì mặc cảm. Mỗi lần về nhà là bé lại khóc với mẹ vì bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh… Cũng theo bà N., khối bướu đã có trên lưng T. khi bé mới lọt lòng mẹ.
Ban đầu, to cỡ quả quýt và cứ lớn dần lên. Lúc bé được 6 tuổi cũng là lúc khối bướu phát triển rất nhanh. Đêm đến, khối bướu thường làm bé ngứa ngáy, khó ngủ. Thậm chí, có những lần bé gãi đến nỗi khối bướu bật máu.
Bác sĩ Hiếu cho biết, dự kiến ca mổ sẽ kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. “Nếu không cắt bỏ, khối bướu này sẽ tiếp tục lớn đến mức không thể phẫu thuật được nữa. Chưa kể, để lâu, bướu có khả năng gây ung thư”, ông Hiếu nói. Đó là chưa kể, chất lượng sống của bé gái bị ảnh hưởng xấu vì “chiếc mai rùa”.
Những đường dao đầu tiên của bác sĩ Hiếu trên khối bướu khổng lồ sáng 29-8. Ảnh: Quốc Ngọc
Một khó khăn đối với ê kíp phẫu cho “cô bé mai rùa”, đó là thể trạng bé T. hơi nhẹ cân, nên việc lấy da đùi để ghép lên lưng sau khi cắt bỏ khối bướu là cả một thách thức. Ngoài ra, theo bác sĩ Hiếu, ê kíp phẫu thuật sẽ phải cắt sâu vào mô lưng để có thể lấy trọn khối bướu, nhằm tránh tái phát.
Cha mẹ của “cô bé mai rùa” chờ đợi tin con bên ngoài phòng mổ. Ảnh: Quốc Ngọc
Theo Tiền phong