Trong khi nhiều người tốt nhiệp đại học tìm mọi cách ở lại các thành phố lớn thì có một cặp vợ chồng kỹ sư lại về xã - quê hương Minh Đức (Tứ Kỳ) lập nghiệp...
Vợ chồng chị Trâm - anh Thụ mang những kiến thức học được về thực hành tại quê hương
VỀ QUÊ LẬP NGHIỆP"Em thấy vui khi kiến thức của mình được sử dụng và giúp ích cho nhiều người. |
|
Biết tôi có ý định tìm hiểu về những cử nhân, kỹ sư trẻ ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Đình Tính, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ giới thiệu: “Hãy gặp khuyến nông viên Trương Thị Trâm của chúng tôi, cô ấy rất cừ trong làm kinh tế đấy!"
Theo lời anh Tính, tôi về thôn Minh Lộc, xã Minh Đức. Căn nhà ngói đơn sơ của gia đình chị Trâm nằm tít ở cuối xóm. Nhìn cơ ngơi ấy, ít ai nghĩ vợ chồng chị đang là chủ của một trang trại nhỏ cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm. Qua câu chuyện với chị Trâm, tôi phát hiện ra một thông tin thú vị, không chỉ chị Trâm mà cả anh Nguyễn Văn Thụ, chồng chị cũng là một kỹ sư đang làm việc tại UBND xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ). Cả hai vợ chồng chị Trâm đều là kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi và cùng là cán bộ phụ trách nông nghiệp của các xã. Chị Trâm làm việc ở xã Phượng Kỳ, còn anh Thụ làm ở xã Đông Kỳ. Cả hai đều còn rất trẻ: chị Trâm sinh năm 1985, anh Thụ sinh năm 1984. Chị Trâm chia sẻ: “Em quê ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), còn anh Thụ là người ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ). Hai vợ chồng cùng học ở Trường Đại học Nông nghiệp I. Tốt nghiệp, chúng em cùng về làm ở Trại Nhân giống thỏ thịt Ninh Bình, thuộc Trung tâm Nghiên cứu dê, thỏ Sơn Tây, Viện Chăn nuôi quốc gia và đều được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Sau gần 3 năm làm việc tại đây, chúng em thấy, ở xa quê nên tiền lương, thu nhập làm thêm của hai vợ chồng cũng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Trong khi đất ở quê lại rộng, rất thích hợp để phát triển kinh tế trang trại, phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo nên hai vợ chồng quyết định về quê. Em về quê từ năm 2010, còn chồng em về năm 2011. Mục đích ban đầu của vợ chồng em khi về quê là vừa làm kinh tế, vừa chăm sóc bố mẹ”.
Với số tiền tích lũy được sau 3 năm công tác, vợ chồng chị Trâm đầu tư 50 triệu đồng để làm chuồng nuôi thỏ. Họ gọi vui đó là “trang trại” nhỏ của gia đình. Chị Trâm cho biết: “Chúng em chọn nuôi thỏ New Zealand (Niu Di-lân) vì đã có kinh nghiệm từ những năm công tác tại Trại Nhân giống thỏ thịt Ninh Bình. Hướng đi ban đầu của gia đình là phát triển thỏ giống, cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Đây là vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, tốn ít công lao động, lại có thể tận dụng các loại rau cỏ trong vườn nhà. Với 100 con thỏ sinh sản, mỗi năm người chăn nuôi bình thường có thể thu lãi 100 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng em làm tất cả các khâu, từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm nên thu nhập cao hơn". Hiện tại, trong chuồng của gia đình có 80 con thỏ sinh sản, 100 thỏ giống và 100 con thỏ theo mẹ. Khách hàng từ khắp các xã ở trong và ngoài huyện, thậm chí cả ở các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh... đã tìm đến trang trại của gia đình chị Trâm. Không chỉ cung cấp thỏ giống, vợ chồng chị Trâm còn cung ứng cho khách cả một số vật tư chăn nuôi như máng cho thỏ ăn, vòi uống nước, thuốc chữa bệnh...
GÓP SỨC PHỤC VỤ NHÀ NÔNGĐang là viên chức nhà nước, trở về quê, vợ chồng chị Trâm quay lại xuất phát điểm là lao động tự do. Khi biết thông tin một số xã trong huyện đang cần người tốt nghiệp đại học chính quy làm việc ở vị trí cán bộ địa chính - nông nghiệp, cả hai lại làm đơn dự tuyển và đều được nhận làm hợp đồng.
- Vậy là vợ chồng Trâm phải từ bỏ ý định “làm kinh tế” để chuyên tâm với vai trò của một cán bộ xã? - Tôi hỏi.
- Không, chúng em đang cố gắng để làm tốt cả hai việc! Với vai trò là cán bộ phụ trách nông nghiệp, phát triển nông thôn, hằng ngày em có mặt ở xã Phượng Kỳ làm việc theo giờ hành chính. Công việc chính là tham mưu giúp UBND xã trong điều hành, quản lý sản xuất nông nghiệp, rà soát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Từ tháng 7-2012, em ký hợp đồng với Trạm Khuyến nông huyện kiêm thêm nhiệm vụ của một khuyến nông viên.
Chị Trâm như chiếc cầu nối giữa bà con nông dân với chính quyền địa phương, giúp chính quyền và các ngành chức năng hiểu hơn những khó khăn, vướng mắc của nhân dân để tìm cách tháo gỡ. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu được các chương trình, dự án mà địa phương đang triển khai, cổ vũ, động viên họ thực hiện các phong trào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
- Thế còn “ông xã” thì sao? - Tôi hỏi tiếp.
- Hai vợ chồng em làm cùng một công việc nên chỉ cần tìm hiểu việc của vợ thôi là biết việc của chồng. Chúng em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều nhờ được làm việc ở xã, được tiếp xúc trực tiếp với nhân dân - Anh Thụ vui vẻ cho biết.
Chị Trâm thêm vào:
- Em cũng học được rất nhiều kinh nghiệm chăn nuôi hay của bà con nông dân khi gặp gỡ, làm việc với họ. Đồng thời, mở rộng được các mối quan hệ, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế gia đình. Em thấy vui khi kiến thức của mình được sử dụng và giúp ích cho nhiều người.
Vợ chồng chị Trâm còn chia sẻ mong muốn sẽ được tuyển dụng vào công chức để yên tâm phục vụ nhân dân. Là những thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, họ mong được sự hỗ trợ về vốn để mở rộng sản xuất, góp phần làm giàu cho gia đình, cho quê hương, giúp cho nhiều thanh niên khác có cơ hội được làm giàu từ nghề nuôi thỏ.
Khi trao đổi với lãnh đạo các xã Phượng Kỳ và Đông Kỳ, nơi hai vợ chồng chị Trâm đang công tác, chúng tôi đều nhận được những ghi nhận, đánh giá tốt về họ. Chia tay vợ chồng chị Trâm, chúng tôi thầm nghĩ đến câu chuyện thu hút trí thức trẻ về xã. Những kỹ sư như anh Thụ, chị Trâm đang làm việc tại các đơn vị cấp xã hiện chưa nhiều. Ngành nội vụ tỉnh hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ bởi phần lớn những trí thức này vẫn đang làm hợp đồng. Mức lương công chức xã hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn những cử nhân, kỹ sư năng động. Mong một ngày không xa, tỉnh có chính sách thu hút nhiều trí thức trẻ về nông thôn giúp quê hương ngày một phát triển.
THANH MAI