Chuyện về những thôn, xóm đặc biệt ở Kinh Môn

14/11/2022 12:30

Dù biệt lập với các xóm, thôn khác trong xã, nhưng bà con thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận và xóm 7, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng luôn vượt khó vươn lên.


Nhiều ngôi nhà ở thôn Bãi Mạc được xây dựng khang trang

Dù địa giới hành chính thuộc thị xã Kinh Môn nhưng do bị chia cắt bởi những con sông nên thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận và xóm 7, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng lại liền thổ với các địa phương của huyện, tỉnh bạn. Bởi thế cuộc sống của người dân nơi đây cũng có nhiều điều đặc biệt.

Vị trí biệt lập

Thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận nằm giáp quốc lộ 5, liền thổ với xã Kim Xuyên (Kim Thành). Để đến trung tâm xã, người dân phải qua đò, nếu không sẽ phải đi theo quốc lộ 5 hướng Hà Nội-Hải Phòng rồi rẽ vào cầu An Thái sang Kinh Môn với quãng đường dài khoảng 18 cây số. Theo ông Bùi Văn Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Quận, thôn Bãi Mạc trước đây vốn là một phần của thôn Quế Lĩnh. Khoảng năm 1979-1980, xã Thượng Quận khuyến khích người dân đến khai hoang, phục hóa diện tích đất của thôn Quế Lĩnh. Ban đầu chỉ có khoảng 40 hộ dân đến khai mở. Do sông Kinh Môn chảy qua làng Quế Lĩnh theo hướng vòng cung, mùa mưa bão gây ra sóng to, xoáy nước lớn nên sau đó con sông này đã được nắn dòng chảy. Một phần của thôn Quế Lĩnh trở nên biệt lập khi bị ngăn cách bởi dòng sông, từ đó cũng hình thành nên thôn Bãi Mạc. Năm 1989 có thêm 110 hộ “di dân” đến đây. Đến nay, Bãi Mạc có 411 hộ sinh sống với tổng số hơn 1.000 nhân khẩu. Đứng trên đê hữu sông Kinh Môn nhìn xuống là màu xanh tốt tươi trải dài ngút ngát tầm mắt của những cây chuối, sắn dây - hai loại cây chủ lực mang lại sự giàu có, sung túc cho người dân Bãi Mạc.

Nếu như thôn Bãi Mạc được hình thành cách đây gần 40 năm thì xóm 7, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng có lịch sử lâu đời hơn, từ năm 1945 trở về trước. Theo ông Phạm Quang Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, xóm hình thành do có một số hộ dân của thôn Trạm Lộ làm nghề chài lưới sau đó phiêu bạt rồi chọn định cư ở vùng đất này.

Chúng tôi đến xóm 7 vào một chiều tháng 11. Nhìn từ phía thôn Trạm Lộ, đã thấy những ngôi nhà khang trang lưng tựa hướng núi, mặt quay ra phía sông. Đi đò qua sông Kinh Thầy, vừa đặt chân đến xóm7, tôi được Trưởng xóm Nguyễn Thị Tấm tiếp đón. Người phụ nữ này cũng là trưởng xóm duy nhất của xã Bạch Đằng, bà đã giữ cương vị này suốt 20 năm qua. Bà Tấm bảo: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, tôi chứng kiến biết bao sự thay da đổi thịt của xóm”. Theo bà Tấm, xóm 7 có hơn 50 hộ dân với gần 170 nhân khẩu, tiếp giáp phường Văn Đức (Chí Linh), xã Nguyễn Huệ và Thủy An của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, bà Tấm chỉ cho chúng tôi những trụ thanh long xanh mướt, vườn bưởi sai trĩu quả, những luống hành tỏi đã đâm chồi xanh, len mình qua sợi rơm rạ. Ở đây, nhà ai cũng có một khoảnh vườn rộng và điều đặc biệt là ngay phía ngoài cánh cổng là những thửa ruộng, cánh đồng rất thuận tiện cho bà con nông dân canh tác, sản xuất.


Từ lâu, người dân thôn Bãi Mạc đã biết khai thác tiềm năng đất đai, biến nơi đây thành vựa chuối Tết của thị xã Kinh Môn

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoàn đi làm đồng về, chị Hoàn bảo: “Sau khi nhổ cỏ, chăm bón cho những luống hành, tôi tranh thủ bắt vài con cua, con cáy. Với chỗ cua cáy này, gia đình tôi sẽ có canh ngon cho bữa tối”. Chị Hoàn vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem rất nhiều con cua, con cáy to mẩy đang bò lổm ngổm bên trong chiếc thùng. Cảm nhận của chúng tôi khi đến xóm 7 chính là sự bình yên khác biệt hẳn với sự phát triển, sôi động của khu vực trung tâm xã Bạch Đằng. Nơi đây cuộc sống như chậm lại, thật bình yên. Sự sôi động duy nhất có lẽ là những chuyến tàu bè qua lại trên dòng sông Kinh Thầy.

Thế mạnh riêng

Với những điều kiện do thiên nhiên ưu đãi, từ lâu Bãi Mạc đã trở thành vựa chuối Tết nổi tiếng của thị xã Kinh Môn. Không mất nhiều thời gian và công sức chăm bón như nhiều loại cây trồng khác, cây chuối đã bén rễ trên những khoảnh vườn phù sa màu mỡ, mang lại thu nhập khá cho bà con mỗi dịp Tết. Cứ gần Tết Nguyên đán, nơi đây trở nên sôi động bởi những chiếc xe tải tới tận bờ ruộng, từng buồng chuối theo chân thương lái tỏa đi muôn nơi. 

Để tạo thuận lợi cho con em trong thôn học tập, xã Thượng Quận đã bố trí một điểm trường mầm non và điểm trường tiểu học ngay trong thôn. Điểm trường mầm non hiện có 125 cô trò, còn điểm trường tiểu học có 5 lớp ở 5 khối với tổng số 110 học sinh. Khi tới bậc THCS và THPT, chính quyền địa phương nhờ xã, huyện bạn tạo điều kiện để học sinh theo học tại Trường THCS Kim Xuyên và một số trường THPT ở huyện Kim Thành. Vì đò Bãi Mạc là tuyến giao thông huyết mạch nối thôn với trung tâm xã nên những chuyến đò ở đây phục vụ người dân liên tục. Các cán bộ của thôn khi đi họp, triển khai những nhiệm vụ chung của địa phương đều được miễn tiền đò. 

Theo ông Nguyễn Bá Vi, Trưởng thôn Bãi Mạc, do nằm ven quốc lộ 5 nên thôn có nhiều điều kiện phát triển ngành nghề dịch vụ. Chỉ tính riêng những người làm nghề lái xe trong thôn đã hơn 80 người. Số hộ giàu và khá chiếm khoảng 70% số hộ trong thôn, thu nhập bình quân của người dân trên 80 triệu đồng/năm. Điều kiện kinh tế của nhiều người dân khá giả cùng với nhiều con em xa quê thành đạt nên khi thôn triển khai những công việc, nhiệm vụ cần huy động xã hội hóa thì rất thuận lợi.


Đò là phương tiện giao thông quan trọng để người dân xóm 7, thôn Trạm Lộ đến trung tâm xã Bạch Đằng 

Vị trí biệt lập trong khi chỉ có vài chục nóc nhà nên người dân ở xóm 7 càng thêm đoàn kết, gắn bó. Bà Tấm kể gần chục năm trở về trước, khi nhiều địa phương triển khai phong trào dồn điền, đổi thửa, xóm 7 tuy nhỏ, những mảnh ruộng chỗ cao, chỗ thấp không đều nhau nhưng lại là xóm đầu tiên triển khai và về đích sớm trong phong trào này. Đó cũng nhờ vào sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân trong xóm với nhau. Những khi vào vụ trồng hay thu hoạch, nếu người nào chẳng may ốm đau hoặc có công việc đột xuất thì các hộ khác cùng nhau hỗ trợ. Mỗi khi nhà nào có việc hiếu, hỷ, bà con chòm xóm đều đến phụ giúp từ sớm. Đến thời điểm trồng hoặc thu hoạch xong hành tỏi, bà con xóm 7 lại cùng nhau tổ chức một bữa liên hoan nhỏ. Cũng chính vì sự đoàn kết, gắn bó, nên khi triển khai các phần việc để xây dựng nông thôn mới, rồi nông thôn mới kiểu mẫu đều nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của bà con. Người dân xóm 7 cũng rất đoàn kết, tham gia giao lưu với những người dân ở địa phương lân cận. “Tùy theo nhu cầu của gia đình, trẻ em ở đây có thể theo học bên Chí Linh hoặc Đông Triều, cũng có thể qua đò sang sông để học tại các lớp của xã Bạch Đằng”, bà Tấm chia sẻ. 

Anh Phan Văn Thế là người chèo đò ở bến đò Trạm Lộ suốt 20 năm nay. Anh Thế cười bảo: “Nhà tôi 3 đời lái đò. Nhiều khi người dân trong xóm có việc vào đêm khuya hay sáng sớm tôi đều phục vụ để bà con không bị lỡ dở công việc. Nhiều người ở xóm 7 vẫn duy trì thói quen qua đò sang chợ Lữ ở trung tâm xã để mua bán, phần vì chợ sôi động, đa dạng hàng hóa để chọn lựa, phần vì nếu đi chợ ở bên Quảng Ninh thì họ sẽ phải đi quãng đường 6-7 cây số”. Có lẽ cũng bởi sự nhiệt tình phục vụ không kể ngày đêm, mưa nắng nên những người dân xung quanh, cả những người dân ở địa phương lân cận quen gọi đò Trạm Lộ là “đò anh Thế”. Và dù cách trở đò giang nhưng cuộc sống của người dân xóm 7 vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Chúng tôi chia tay người dân xóm 7, ngồi trên chuyến đò của anh Thế khi hoàng hôn dần buông những dải lấp loáng xuống dòng sông Kinh Thầy. Tiếng cười nói của học sinh, của những người dân đi làm về rộn ràng vang vọng cả một khúc sông.

Dù ở vị trí biệt lập với các xóm, thôn khác trong xã, nhưng người dân ở 2 nơi này đã khắc phục việc đi lại khó khăn, tập trung phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về những thôn, xóm đặc biệt ở Kinh Môn