Nguồn nước đầu vào ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao do chất thải độc hại thì công việc và trách nhiệm của những người “gác” nước ngày một nặng hơn.
Xét nghiệm mẫu nước trước khi đưa vào sản xuất tại Xí nghiệp Sản xuất nước sạch Cẩm Thượng thuộc
Công ty TNHH một thành viên kinh doanh nước sạch Hải Dương
Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương hiện có 11 cơ sở sản xuất nước sạch với tổng công suất gần 90 nghìn m3/ngày đêm. Nguồn nước sản xuất chủ yếu được lấy từ nước mặt của các sông Thái Bình, Kinh Thầy và các sông nội đồng. Từ nguồn nước này đã cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho gần nửa triệu người dân trong tỉnh. Làm thế nào để có nguồn nước chất lượng tốt là công việc thầm lặng của những kỹ sư sinh hóa, những người “gác” nước của công ty.
Trên bàn làm việc bộn bề chai lọ, hoá chất, kỹ sư Trịnh Thái Hằng đang kiểm tra mẫu nước vừa lấy từ sông Thái Bình về. Đây là nguồn nước đầu vào trước khi đưa vào quy trình xử lý. Mắt không rời bình thí nghiệm, tay lắc đều lọ hoá chất để chẩn đoán kết quả mẫu nước, chị Hằng nói: “Nghe các nhà báo ví chúng tôi như những người “gác” nước, tôi lại liên tưởng tới những người gác đèn biển, gác “cổng trời” để giữ bình yên cho mỗi vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Công việc đó lớn lao hơn nhiều, còn chúng tôi chỉ mong muốn được góp một phần nhỏ để mỗi người dân có nước sạch sử dụng hằng ngày thôi”. Tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành hóa học, nhưng chị Hằng lại có duyên với nghề “gác” nước. 28 năm qua, niềm đam mê trong công việc của chị ngày càng lớn. Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, chị cùng những kỹ sư sinh hoá nơi đây phải ra đầu nguồn nước tại sông Thái Bình, cách nơi lấy nước vào nhà máy xử lý chừng 3-4 km, thậm chí có khi đi gần chục km chỉ để lấy vài ml nước làm mẫu thí nghiệm. Các mẫu nước được đem về phòng thí nghiệm để kiểm tra độ đục, độ pH, chỉ tiêu hoá, lý, độ phèn… để nước máy bảo đảm 15 tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định.
Không chỉ kiểm tra nguồn nước đầu vào, những kỹ sư sinh hoá của Công ty Kinh doanh nước sạch Hải Dương còn phải thường xuyên thực hiện kiểm tra chất lượng nước thành phẩm. Nói đến việc kiểm tra chất lượng nước thành phẩm, chị Hằng kể: Tôi nhớ có lần đầu năm, chúng tôi vào một cửa hàng lấy mẫu nước thành phẩm kiểm tra bị chủ nhà mắng té tát chỉ vì họ kiêng cho nước đầu năm. Ai cũng có buồn vui nghề nghiệp nhưng với chúng tôi làm thế nào để có nguồn nước bảo đảm chất lượng, người dân an tâm sử dụng là chúng tôi vui rồi”.
Phòng xét nghiệm của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương chỉ có 7 người, mỗi người một việc, đều đặn hằng ngày lấy mẫu nước, xử lý hóa chất, kiểm tra, ghi lại kết quả và báo lại với bộ phận kỹ thuật để điều chỉnh hoá chất, xử lý nước cho phù hợp. Làm nghề “gác” nước, nhiều người tưởng như nhàn hạ nhưng có tiếp xúc với những kỹ sư ở đây chúng tôi mới thấy hằng ngày họ phải tiếp xúc với rất nhiều hóa chất độc hại. “Thậm chí vào mùa dịch bệnh, nhiều người dân thiếu ý thức vứt xác lợn, gà chết ra sông, trôi đến gần khu vực lấy nước của nhà máy, trong quá trình đi kiểm tra, lấy mẫu nước, chúng tôi lại là những người xử lý. Nếu những vật này bị hút vào nhà máy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của nước”, anh Vũ Văn Kiệm, Phó Trưởng Phòng kỹ thuật của công ty cho biết.
Hiện nay, để có mẫu nước đạt chất lượng, các kỹ sư tổ xét nghiệm của công ty đã có sáng kiến dùng phèn cao phân tử và chất trợ lắng pô-li-me để tạo sự keo tụ các tạp chất ở nguồn nước đầu vào. Nếu như trước đây, các kỹ sư của phòng cho xét nghiệm và thực hiện xử lý clo sau khi đã lọc xong thì nay xử lý ngay từ nguồn nước đầu vào nên các chất hữu cơ và một số tạp chất đã được phân huỷ và xử lý sớm. Điều này khiến các kỹ sư của tổ xét nghiệm phải thực hiện việc kiểm tra mẫu nước 2 lần/ngày, thậm chí 5-10 lần/ngày nếu nghi nhiễm hoá chất độc hại, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước. 6 năm trước đây, sau nhiều lần đi lấy mẫu nước kiểm tra, những kỹ sư sinh hoá đã phát hiện ra nước đầu nguồn có biểu hiện của rất nhiều hoá chất công nghiệp. Cả ngày hôm đó, cả phòng đã được huy động đi tìm nguồn xả thải ra đầu nguồn nước của nhà máy. Sau gần 1 ngày tìm kiếm, các kỹ sư sinh hoá đã tìm được cống xả thải của cụm công nghiệp Việt Hoà - Cẩm Thượng. Công ty đã đề nghị không được xả nước thải ra đầu nguồn nước sạch, ảnh hưởng tới chất lượng nước của toàn thành phố. Đến nay, nước thải bẩn của cụm công nghiệp này đã được chuyển sang hướng khác để xử lý.
Ông Trần Quốc Khanh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết: “Công việc của những người làm công tác kiểm tra mẫu nước đã giúp công ty tạo uy tín đối với khách hàng. Bởi sức khỏe của hàng trăm nghìn người sử dụng nước của công ty đang đặt trên đôi vai của họ. Với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng và vài chục nghìn trợ cấp độc hại theo quy định của Nhà nước, các kỹ sư nơi đây đã làm việc phần lớn vì tinh thần trách nhiệm và niềm đam mê nghề nghiệp”.
Hiện nay, với nhu cầu nước sạch ngày càng lớn, trong khi nguồn nước đầu vào ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao do chất thải độc hại từ nông nghiệp và công nghiệp thì công việc và trách nhiệm của những người “gác” nước ngày một nặng hơn. Hy vọng với niềm đam mê, kiên trì và tinh thần trách nhiệm cao, những người “gác” nước của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương sẽ góp phần đem đến cho người dân nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống.
LAN ANH - ANH TUẤN