Một ẩn dụ về hạnh phúc gia đình

14/07/2019 08:12

Bài thơ "Vườn hoang" (Báo Văn nghệ số 17+18 ngày 28.4.2018 ) của tác giả Ninh Đức Hậu đem lại sự ám ảnh, suy tư cho bạn đọc.

Bài thơ "Vườn hoang" (Báo Văn nghệ số 17+18 ngày 28.4.2018 ) của tác giả Ninh Đức Hậu đem lại sự ám ảnh, suy tư cho bạn đọc. Vẫn là giọng điệu thơ lục bát mượt mà, êm ả như một khúc ru “bắc cầu vào tim” nhưng sao ở bài thơ này nó lại đằm sâu, da diết pha chút xót xa, bắt người ta phải đọc đi đọc lại, rồi trăn trở nghĩ suy đến vậy? 

Trong cảm nhận của Ninh Đức Hậu, “Vườn hoang” hiện lên tiêu điều, xơ xác, vắng lặng đến rợn người: không cây cỏ, không tiếng chim, tiếng gió. Những quen thuộc xưa kia, giờ đã thành xa xỉ, bởi từ rất lâu, nó đã bị bỏ quên, thiếu vắng dấu chân người: Đã lâu bằn bặt bóng chim tìm mồi/Thoảng qua ngọn gió rong chơi/Còn đâu xao xác mấy lời lá khô. Từ láy bằn bặt là lời khẳng định cho sự thiếu vắng không chỉ là bóng chim tìm mồi mà chính là sự thiếu vắng của bình yên, hạnh phúc.

Bằng những từ chỉ thời gian quá vãng: Đã lâu, còn đâu, bằn bặt, rêu phủ, xưa ấy, xa xôi, cái thời ngày xưa… ba khổ thơ đầu tái hiện một không gian chỉ còn trong hoài niệm. Qua đó, nhà thơ xa xót trước những giá trị từng là một phần quan trọng của cuộc sống giờ đây bị lãng quên. Dù không trực tiếp miêu tả vườn xưa, nhưng từ những hình ảnh thơ giàu sức gợi, ta có thể hình dung được cái thời đã qua của “Vườn hoang”. Ngày ấy, nơi đây là một thế giới sinh động, cây cối xanh tươi, âm thanh náo nhiệt, mầm sống bật lên Mở xanh mắt lá... Tất cả được hòa âm với lao xao của gió, tạo thành một bức tranh sống động, đa sắc màu vừa quen, vừa lạ. Nhưng buồn thay, hạnh phúc của một thời giờ đây đã thành xa xôi. Thay vào đó là cảnh “Vườn hoang”: Mục thân ải gốc… lặng im, ẩn chứa ngàn câu hỏi. 

Vậy điều gì đã làm thay đổi để vườn xưa thành “Vườn hoang”? Có phải do ý thức? Do tính ích kỷ, vô trách nhiệm của con người? Hay là do ngoại cảnh tác động... mà những giá trị xưa kia không còn được nâng niu, trân trọng? Những băn khoăn ấy, tác giả không trực tiếp đề cập nhưng tự mỗi câu chữ, hình ảnh của bài thơ đã gợi những suy ngẫm về trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ, giữ gìn thành quả của quá khứ và hạnh phúc gia đình. Thế nên, từ “Vườn hoang” ta có thể liên tưởng đến cuộc sống gia đình. Khởi đầu, gia đình nào mà không hạnh phúc, ấm êm? Thế rồi, do áp lực của cuộc sống, do sự ích kỷ của vợ (chồng) mà cái hạnh phúc ban đầu đã không còn được gìn giữ chăm lo, vun xới mỗi ngày. Hạnh phúc sẽ mai một, đổ vỡ…

Lặng im trước “Vườn hoang”, người thơ không giấu được cảm xúc buồn, có cả thất vọng, tiếc nuối trước sự thay đổi: Lối mòn rêu phủ ngẩn ngơ/Dấu chân xưa ấy bây giờ nơi nao/Cong queo mấy cái que rào/Ngày vài ba bận nắng vào rồi ra. Hình ảnh Cong queo mấy cái que rào rất giàu sức biểu cảm, vừa có ý nghĩa tả thực, vừa như lời tố cáo về sự tàn lụi, chơ vơ của mảnh vườn, làm cho sự hoang vắng càng hoang vắng hơn. Xót xa nhất, khi tác giả dùng hình ảnh “dấu chân xưa” để nói về sự đổi thay và quên lãng của tình người. Không biết người ấy có nhớ về ngày xưa, nhớ về những kỷ niệm nơi này? Chỉ còn ánh nắng Ngày vài ba bận nắng vào rồi ra là hình ảnh duy nhất làm cho “Vườn hoang” có vẻ bớt hoang sơ nhưng vẫn tẻ ngắt.

Trước “Vườn hoang” ai mà không khỏi chạnh lòng khi đầm ấm, hạnh phúc của một thời giờ đã thành lạnh lẽo, hoang phế? Ba khổ thơ đầu hàm chứa tâm trạng ưu tư, buồn bã, thất vọng trước sự đổi thay không đáng có của mảnh vườn. Vì sao vườn xưa lại trở thành “Vườn hoang”? Vườn hoang có trở lại vườn xưa được không? Câu hỏi ấy vẫn là nỗi ám ảnh không thôi trong lòng người đọc…

Khổ thơ cuối phần nào hé mở đáp án cho những câu hỏi ấy: Bỗng trời rắc mấy hạt mưa/ Vườn hoang thảng thốt như vừa dứt mê/Lại mong có bước chân về/Cho biêng biếc lá xum xuê cây cành!  Biện pháp nhân hóa đã biến vườn hoang thành một thực thể có hồn, sinh động. Vậy nên, "mấy hạt mưa" chỉ là chất xúc tác cho sự thay đổi, hay đúng hơn là sự mong muốn được thay đổi, được trở về cái nguyên xưa. Khổ thơ đã phần nào cân bằng lại cảm giác hụt hẫng, đem đến hy vọng về một ngày không xa, nơi này sẽ đổi khác, bước chân sẽ trở lại, hạnh phúc sẽ quay về, cây cối lại biêng biếc lá xum xuê cây cành, màu xanh hy vọng sẽ trải khắp, chim chóc lại rủ nhau về tìm mồi, xây tổ… Và cứ thế, sự sống lại nảy nở, sinh sôi. “Vườn hoang” sẽ không còn là vườn hoang nữa. Đó không chỉ là mong ước của nhà thơ, mà còn là của tất cả mọi người về một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. 

NGUYỄN THỊ BÌNH

Vườn hoang

      Mục thân ải gốc… lặng im
Đã lâu bằn bặt bóng chim tìm mồi

Thoảng qua ngọn gió rong chơi
Còn đâu xao xác mấy lời lá khô


Lối mòn rêu phủ ngẩn ngơ
Dấu chân xưa ấy bây giờ nơi nao

Cong queo mấy cái que rào
Ngày vài ba bận nắng vào rồi ra


Lích cha lích chích đàn gà
Quẩn quanh mái mẹ đã là xa xôi

Ủ trong đất ướt lên chồi
Mở xanh mắt lá… cái thời ngày xưa


Bỗng trời rắc mấy hạt mưa
Vườn hoang thảng thốt như vừa dứt mê

Lại mong có bước chân về
Cho biêng biếc lá xum xuê cây cành!

NINH ĐỨC HẬU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Một ẩn dụ về hạnh phúc gia đình