Tôi ra trường rồi về làm việc tại một bệnh viện đa khoa cấp huyện ở xa trung tâm tỉnh. Sau 5 năm, tôi đã quen và thành thạo với công việc mổ xẻ. Một buổi sáng xe cấp cứu đưa từ trạm xá xã đến một bệnh nhân.
Minh họa: HUY CHƯƠNG
Một ngày bình thường như mọi ngày. Có khác chăng là lâu lắm rồi tôi mới được nghỉ 48 giờ liên tục. Sau khi chồng đi làm, hai con đi học, tôi bắt đầu dọn dẹp nhà cửa. Căn nhà trở nên yên tĩnh, nghe rõ cả tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ điện tử treo trên tường. Tự nhiên tôi ao ước có tiếng chân trẻ con nhè nhẹ, rón rén từ sau lưng tiến lại gần. Một tiếng ú òa kèm theo tiếng cười khanh khách của nó. Chợt có tiếng chuông reo. Tôi ra mở cửa. Đứng trước mặt tôi là một thiếu phụ chừng ba tư, ba lăm tuổi, khá xinh, không son phấn, dáng vẻ phúc hậu. Bên cạnh chị là một cậu con trai khoảng bẩy tuổi. Chị hơi cúi đầu chào khẽ:
- Em chào bác sĩ Thắm.
Đứa con cũng khoanh tay chào:
- Cháu chào cô ạ!
Tôi hơi ngỡ ngàng nhìn người khách lạ. Chị hạ nón, ngẩng lên nhìn tôi. Đôi mắt chị long lanh tỏ vẻ vui mừng. Mặc dù chưa kịp nhớ ra người thiếu phụ này là ai, tôi vẫn mở rộng cửa, đứng lệch về một bên nói:
- Mời hai mẹ con vào nhà.
Lấy tư cách của một chủ nhà hiếu khách, tôi mời chị ngồi và đi pha nước. Đỡ chén nước từ tay tôi trao, chị nở một nụ cười thật hiền:
- Em xin chị. Chị Thắm còn nhớ em không?
Quả thực tôi chưa thể nhớ ra người phụ nữ này là ai. Tôi lúng túng chưa biết trả lời sao. Tôi là bác sĩ khoa ngoại. Một ngày tiếp xúc với bao bệnh nhân nặng nhẹ khác nhau, làm sao tôi nhớ nổi mẹ con chị là ai. Tôi đành thú thật:
- Xin lỗi chị, tôi chưa kịp nhớ đã gặp mẹ con chị trong hoàn cảnh nào.
Người mẹ như có phần tủi thân:
- Chị không nhớ mẹ con em thật sao? Em là Lan. Bẩy năm trước chị và các bác sĩ trong bệnh viện huyện đã cứu sống mẹ con em. Chị còn nhớ vụ đó không?
Tôi giật mình khẽ “à” lên một tiếng. Chén nước đang cầm trên tay dừng lại giữa khoảng không. Tôi đã nhớ. Thì ra thời gian không lấy đi tất cả. Thời gian chỉ cất giữ những kỷ niệm vào ký ức để rồi đến một lúc nào đó gặp điều kiện thuận lợi sẽ trả cho ta nguyên vẹn. Tôi chăm chú nhìn Lan như cố tìm những nét quen thuộc của người bệnh nhân năm xưa. Vẫn đôi mắt ấy, vẫn khuôn mặt xinh đẹp hiền hậu ấy. Cái khác là bây giờ chị có vẻ già dặn hơn, nghị lực hơn. Bẩy năm đã trôi qua. Ngày ấy...
Tôi ra trường rồi về làm việc tại một bệnh viện đa khoa cấp huyện ở xa trung tâm tỉnh. Sau 5 năm, tôi đã quen và thành thạo với công việc mổ xẻ. Một buổi sáng xe cấp cứu đưa từ trạm xá xã đến một bệnh nhân. Chị tên Lan, 27 tuổi, là nông dân, có bầu lần đầu được hơn tám tháng. Chị bị trượt chân ngã cầu thang. Vụ tai nạn khiến chị bị gẫy đùi trái, thai bị va đập mạnh dẫn tới vỡ ối và băng huyết, mất rất nhiều máu. Tuy bị thương rất nặng nhưng Lan hoàn toàn tỉnh táo. Tiên lượng cho thấy tình trạng của Lan rất nguy kịch. Chúng tôi cùng kíp trực nhanh chóng làm tất cả mọi biện pháp để cầm máu cho Lan. Nhìn chị cong người nén chịu nỗi đau, tim tôi như thắt lại. Cùng là đàn bà với nhau nên tôi dễ cảm thông, sẻ chia những trường hợp “vượt cạn” đầy nguy hiểm. Lan nói giọng khẩn khoản:
- Tình trạng của em nặng lắm phải không bác sĩ? Em thì không quan trọng. Chỉ mong các bác sĩ hãy cố gắng cứu lấy con em.
Tôi nhẹ nhàng an ủi động viên:
- Đừng nghĩ nhiều, đã đến đây rồi xin chị yên tâm. Cố gắng hít thở thật sâu, thật đều nhé.
Trưởng khoa Trần Cung bảo:
- Đưa ngay bệnh nhân lên viện tỉnh, ở trên đó có đầy đủ các phương tiện hiện đại và các bác sĩ có chuyên môn giỏi.
Tôi nói:
- Không được đâu anh Cung ạ. Từ đây lên tỉnh những ba chục cây số, đường gập ghềnh rất khó đi. Người khỏe còn mệt nữa là người bệnh. Mẹ con chị Lan sẽ chết trên đường mất.
Trần Cung nói như gắt:
- Cô cứu được à?
Tôi chưa kịp trả lời chợt có tiếng nói sau lưng chúng tôi:
- Cô Thắm nói phải đó. Trong hoàn cảnh này chúng ta không thể đưa người bệnh đi được.
Thực ra với ca bệnh này không có gì khó khăn nếu được đưa tới viện kịp thời. Nhưng vì bệnh nhân đã nằm ở trạm xá xã mất một ngày đêm rồi nên cơ hội cứu sống cả mẹ lẫn con rất mong manh.
Hội đồng hội chẩn xác định mổ chỉ có thể cứu được con, còn người mẹ thì rất khó. Tôi được trưởng khoa Trần Cung chỉ định cầm dao mổ. Phó Giám đốc hỏi:
- Tại sao không phải là Vũ Tâm? Cậu ấy dù sao cũng quen tay hơn cô Thắm.
Trưởng khoa trả lời:
- Anh yên tâm, cô Thắm cũng rất giỏi chuyên môn. Tôi đã nghĩ kỹ rồi, nếu việc gì cũng đến tay Vũ Tâm thì bao giờ lớp kế cận mới phát triển lên được. Mới lại Vũ Tâm không phải lúc nào cũng tỉnh táo, khỏe mạnh.
Vừa nói Trần Cung vừa đưa mắt về phía tôi với ánh nhìn rất lạ. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Tiếng Cung lại vang lên:
- Còn ai có ý kiến khác không? Không hả? Vậy thì ca mổ khẩn trương y lệnh.
Nói xong anh đứng dậy đi về phía tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai tôi, nói:
- Tôi rất tin tưởng vào chuyên môn của cô, cô Thắm ạ!
Tôi đáp khẽ:
- Cảm ơn trưởng khoa đã tin tưởng.
Chúng tôi không xa lạ gì nhau vì đã làm việc với nhau 5 năm, tính nết thói quen đã thuộc làu. Từ ngày Cung còn là phó khoa và tôi là “lính mới” vừa rời ghế nhà trường. Năm đó tôi tròn 24 tuổi, xinh tươi mơn mởn. Về làm việc được một năm thì cùng lúc tôi được hai người đàn ông ngỏ lời cầu hôn. Một người là bác sĩ Vũ Tâm, 36 tuổi. Còn người thứ hai chính là phó khoa Trần Cung, 33 tuổi. Mỗi người một tính nết, một hoàn cảnh khác nhau. Cả hai đều yêu tôi thật lòng. Bạn bè và đồng nghiệp mỗi người khuyên một kiểu. Bố mẹ tôi bảo:
- Tùy con lựa chọn. Bố mẹ tin và ủng hộ quyết định của con.
Tôi như kẻ đứng giữa ngã ba đường. Nhiều đêm tôi mất ngủ vì suy nghĩ cân nhắc. Trong hoàn cảnh này buộc tôi phải đưa hai người lên bàn cân. Cung là trai chưa vợ, người thành phố. Hoàn cảnh gia đình anh khá giả, nếu không muốn nói là giàu. Bố mẹ anh hiện còn đang công tác ở một cơ quan tương đối lớn của tỉnh. Người con gái nào làm vợ anh chắc chắn không phải lo chuyện áo cơm. Ngược lại, Vũ Tâm đã một lần mặc áo chú rể. Hiện có một cô con gái lên ba. Vợ Tâm mất được hai năm nay do tai nạn giao thông. Khi chị mất, đứa con gái mới được một tuổi. May mắn là có mẹ đẻ từ quê lên trông giúp. Tôi đã gặp bà vài lần ở nhà Vũ Tâm. Qua tiếp xúc với cả hai, tôi thấy ở Cung có cái gì đó chưa thật lòng. Còn Vũ Tâm, tôi cảm thông và thương nhiều hơn yêu. Tôi chia sẻ điều suy nghĩ này với mẹ thì được mẹ bảo: “Linh cảm của người con gái thường rất chính xác. Tình thương rồi sẽ dẫn đến tình yêu”. Nghe mẹ, tôi nhận lời cầu hôn của Vũ Tâm. Ba năm sau chúng tôi về ở chung một nhà. Kể từ đó trưởng khoa Trần Cung nhìn tôi bằng con mắt khác. Ngay trong công tác hằng ngày anh luôn đùn cho tôi những việc khó khăn nhất. Ngoài miệng anh nói: “Ủng hộ lớp trẻ”, nhưng tôi hiểu anh đang nghĩ gì trong đầu. Được đồng nghiệp và người chồng nhiệt tình giúp đỡ nên tôi luôn vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng khiến Trưởng khoa Trần Cung khó chịu.
Trường hợp Trưởng khoa Trần Cung chỉ định tôi cầm dao mổ hôm nay chính là thể hiện thái độ khó chịu ấy. Tôi bình tĩnh nghe quyết định của trưởng khoa và im lặng đón nhận. Mọi ánh mắt đổ dồn vào tôi. Hình như có người còn tỏ ra lo lắng cho tôi. Trưởng khoa nhìn tôi nửa như thách thức nửa như thỏa mãn. Tôi biết đây là cuộc thử thách về chuyên môn. Tôi cũng biết Cung đang đặt tôi vào tình thế không thể từ chối. Một mũi tên của anh trúng hai đích. Nếu tôi thành công, anh sẽ được cái tiếng là người biết quan tâm, nâng đỡ tạo điều kiện cho lớp trẻ rèn giũa tay nghề. Còn như thất bại thì chắc chắc anh sẽ chụp xuống đầu tôi bao nhiêu cái mũ tệ hại. Sinh mệnh chuyên môn của tôi sẽ phụ thuộc vào ca cấp cứu này.
Mọi người trong kíp mổ khẩn trương làm phần việc của mình. Tuy có bị áp lực tâm lý đôi chút nhưng tôi tin vào bàn tay của mình. Hơn nữa tôi lại được bác sĩ Vũ Tâm, tức chồng tôi, làm phụ mổ. Dưới ánh đèn không hắt bóng, Lan nằm yên trên bàn mổ. Cái bụng cao vượt mặt của chị phập phồng. Trong ấy là sinh mạng một hài nhi bé bỏng, là niềm hạnh phúc lớn lao của vợ chồng chị. Tôi giơ tay làm hiệu. Có thể do mất nhiều máu quá nên thuốc mê không mấy tác dụng. Lan nhìn tôi, nói rất khẽ: “Hãy cố gắng cứu lấy con tôi. Phần tôi chấp nhận tất cả”. Nhìn khuôn mặt nhợt nhạt vì mất máu cùng cặp mắt nhòa lệ của Lan, lúc này tôi mới thật sự lo lắng. Nói dại, nếu ca mổ thất bại chắc tôi sẽ phải day dứt và đau khổ vô cùng. Tôi biết ăn nói thế nào với chồng chị, một người lính đang canh giữ ngoài biên cương? Giờ này hẳn anh chưa biết gì về người vợ thân yêu của mình đang gặp nạn. Bàn tay lắp lưỡi dao mổ vào cán dao của tôi rung nhẹ. Chồng tôi đứng sau dường như nhìn thấu tâm can tôi. Anh nói đủ cho tôi nghe: “Bình tĩnh, có anh bên cạnh”. Tôi gật đầu. Trong đầu tôi vang lên tiếng nói khẩn thiết của Lan: “Hãy cứu lấy con tôi”. Con dao mổ trong tay tôi hạ xuống đúng vị trí cần mổ bắt con. Không gian trong phòng tĩnh lặng và căng thẳng. Tiếng của dụng cụ y tế thi thoảng vang lên lách cách. Lưỡi dao phẫu thuật đưa lên hạ xuống chính xác và nhanh gọn. Mỗi lần lưỡi dao rạch vào da thịt là mỗi lần người Lan giật nhẹ, khuôn mặt hơi nhăn lại vì đau đớn. Tôi không thể cầm lòng khi chứng kiến suốt ca mổ mà nước mắt Lan lúc nào cũng tuôn rơi lã chã. Những giọt nước mắt kia là gì? Là do đau đớn hay hạnh phúc khi biết con trai mình chắc chắn sẽ được cứu sống? Có lẽ cả hai. Chồng tôi đứng cạnh phụ mổ cho tôi tỏ ra rất bình tĩnh. Tôi chỉ cần giơ tay ra là anh biết tôi cần gì. Đôi bàn tay khéo léo và thuần thục của tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Mười phút, hai mươi phút. Tôi giơ tay ra hiệu cho tổ gây mê chú ý huyết áp của bệnh nhân không để tụt xuống quá quy định. Hơn ba chục phút trôi qua, cả kíp mổ thở phào nhẹ nhõm khi tiếng khóc oa oa của một sinh linh bé nhỏ vang lên. Hai tay tôi nâng cái vật báu ấy đưa lại gần mặt Lan. Chị nở nụ cười mãn nguyện. Nước mắt chị trào ra. Không bỏ lỡ thời gian, kíp mổ quay sang cứu người mẹ. Thời gian tiếp theo cả kíp mổ quyết tâm giành lại sự sống cho người mẹ. Ca mổ hoàn tất sau hai giờ vắt kiệt sức lực và trí tuệ. Nói theo chuyên môn là thành công hơn dự kiến. Mẹ con chị Lan vượt qua cửa tử một cách thần kỳ.
- Chị Thắm. Chị đang nghĩ gì thế?
Tôi nói:
- À, tôi đang nghĩ về những ngày đã qua. Hình như số phận đã đưa đẩy chúng ta gặp nhau trong một hoàn cảnh không ai muốn. May mắn tất cả đều êm đẹp.
Chúng tôi nắm tay nhau cười vui vẻ!
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN