Chuyện những người mò ve chai dưới đáy sông

23/06/2012 18:15

Bên trong những chiếc thuyền bập bềnh trên sông Thái Bình là những con người nghèo khổ phải ngụp lặn dưới đáy sông mò ve chai kiếm sống.

Tháng 6, giữa trưa hè nắng cháy, những chiếc thuyền nhỏ cứ bập bềnh trên dòng sông Thái Bình, đoạn tiếp giáp giữa huyện Nam Sách và TP Hải Dương. Bên trong những chiếc thuyền đó là những con người nghèo khổ, hết năm này qua năm khác phải ngụp lặn dưới đáy sông để mò ve chai kiếm sống.

Tôi tìm đến tiểu khu 16, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương lúc 13 giờ khi nắng gay gắt nhất. Sức nóng ngoài trời ước chừng 39 - 40độ C. Toàn khu xóm tạm cư là những mái nhà lụp xụp che tạm bằng mấy tấm phi-brô xi-măng nóng nực. Chốc chốc, chúng tôi nghe những tiếng rao “ai nhôm, đồng, sắt vụn bán không” của đội quân đi thu mua phế liệu vang lên.



Những căn nhà tạm lụp xụp của làng mò phế liệu.

Cả đời lặn mò

Đang tìm đường gửi chiếc xe, chúng tôi may mắn gặp được ông Vũ Xuân Quảng, phó khu 16 sau khi giã từ nghề lặn cách đây không lâu. Năm nay đã gần bước sang tuổi 70 và làng chài ven sông Thái Bình chính là nơi ông Quảng sinh ra, lớn lên. Ông kể: “Sau chiến tranh, làng chài chúng tôi ngoài việc xuôi ngược dòng sông Thái Bình đánh bắt cá, tôm, những ai biết lặn còn làm thêm cả nghề mò phế liệu dưới đáy sông. Khi cá tôm không còn, nghề mò ve chai trở thành nghề chính của đàn ông, con trai. Các anh vào làng bây giờ chỉ gặp phụ nữ và trẻ con thôi”.

Theo ông Quảng, đoạn sông Thái Bình chảy qua TP Hải Dương, đặc biệt đoạn cầu Phú Lương là vùng đất phải hứng chịu nhiều bom đạn, nên sau chiến tranh phế liệu rất nhiều. “Những năm chúng tôi tầm 40 – 50 tuổi là cao điểm của nghề lặn mò phế liệu. Dù nước sâu 8 – 10 sải tay, chúng tôi cũng phi xuống đáy sông. Ngày ấy làm gì có bình oxy hay mặt nạ, tất cả chúng tôi đều phải lặn vo hết. Có những hôm trúng mánh, vớ cả xác quả bom, băng đạn, ụ sắt…”, ông Quảng nhớ lại.

Vừa tâm sự, vừa điện thoại liên tục, cuối cùng ông Quảng cũng xác định được vị trí một nhóm lặn đang hành nghề. Không quản cái nắng oi ả phả vào mặt cháy rát, ông Quảng đưa chúng tôi đến bến Hàn, đoạn sông Thái Bình, giáp địa phận huyện Nam Sách. Sau tiếng gọi to của ông phó khu, một chiếc thuyền nhỏ rẽ nước vào bờ đón chúng tôi. Trên thuyền, hiện ra một người đàn ông cường tráng với nước da ngăm đen. Anh chủ thuyền là Nguyễn Văn Đang, mới ngoài 30 tuổi, nhưng đã có thâm niên gần 10 năm trong nghề.

Anh Đang với chiếc áo ba lỗ, quần ngố và bộ mặt nạ của thợ lặn trên mặt cho biết: “Tôi vừa lặn mấy chuyến từ sáng đến giờ, hôm nay không được cân sắt vụn nào, nhưng lại được cái bát khá cổ, không biết từ bao giờ”.

Theo anh Đang, có một cách mò phế liệu khác khá đặc biệt được một số người ở làng chài tiểu khu 16 phường Ngọc Châu áp dụng, đó là buộc cục nam châm thật to vào đầu dây thừng rồi thả xuống đáy sông. Ưu điểm của cách mò này không phải hụp lặn, nên khá an toàn. Nhưng nhược điểm ở chỗ, cách mò này chỉ lấy được sắt vụn, chứ những thứ khác nam châm không bắt được.

Ước mơ đổi đời

Những thợ lặn mò phế liệu như anh Đang có một giấc mơ đổi đời khác. Ngồi tâm sự với chúng tôi được một lúc, ngỏ lời mãi, anh Đang mới lôi ra từ dưới gầm tàu mấy cái “bát cổ” đã bị vỡ. Anh nói, trong số này có nhiều người đã hỏi mua, họ bảo anh đang có được một số cái “bát cổ” từ thời Lê. Trong bộ sưu tầm từ những chuyến lặn phế liệu, anh còn vớ được cả bộ xương con vật trên rừng. Anh nói, những “vật cổ” kiểu này người săn đồ cổ cũng hay hỏi han lắm, nhưng anh chưa bán cái nào. Anh nghĩ rằng, sau này con cái lớn lên, những lúc khó khăn nhất, nếu gặp người thực sự biết giá trị, anh sẽ bán toàn bộ số “cổ vật” trên.

Hiện nay, đội lặn mò phế liệu chuyên nghiệp ở làng chài thuộc tiểu khu 16 có khoảng trên 20 người, còn một số nữa đi lặn nhưng không thường xuyên. Cùng với anh Đang, những cao thủ lặn mò phế liệu ở đây còn phải kể đến nhiều cái tên như: Do, Hùng, Bình, Minh, Du…

Anh Đang chèo thuyền đưa chúng tôi ra gần đoạn giữa sông, nơi chiếc thuyền lớn của gia đình mình đang neo đậu. Khi hai chiếc thuyền chạm nhau, đặt chân lên mái nhà trên sông của gia đình anh, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Toàn bộ gia tài cùng những vật dụng sinh hoạt của vợ chồng anh Đang và hai đứa con nhỏ đều ở trên chiếc thuyền nhỏ chưa đầy 10m2. Trôi dạt dọc theo dòng sông Thái Bình, những gia đình thợ lặn mò phế liệu như anh Đang chỉ mong có đủ ba bữa cơm cho lũ trẻ. Tâm sự với chúng tôi, anh Đang buồn buồn nói: “Thế hệ chúng tôi làm gì có ai được học hành, mù chữ hết. Giờ đến lũ trẻ này, muốn cho chúng đi học mẫu giáo, rồi học tiểu học… nhưng kinh tế không đủ, hơn nữa, chúng nó cứ phải theo cha mẹ ngược xuôi trên thuyền thì học hành sao được”.



Anh Đang hy vọng: biết đâu những cái bát vỡ này sẽ đổi đời cho con mình.


Nghèo tiền, giàu con

Chúng tôi đang trò chuyện trên thuyền anh Đang thì bỗng nghe cái “bùm” sau lưng. Quay lại đã thấy một cậu bé đang vùng vẫy, cười đùa dưới nước. Cậu tên Yên, 11 tuổi, sống cùng cha mẹ trên thuyền, neo ngay cạnh thuyền của anh Đang. Yên gọi anh Đang là ông trẻ. Cũng vì gia đình quá khó khăn, nên Yên chỉ được học hết lớp 4, giờ cha mẹ đi đâu Yên đi đó. Cậu bé hồn nhiên nói: “Mấy hôm nay nóng quá, cháu phải nhảy xuống sông liên tục chú à!”

Với những gia đình đang có nhà tạm ở tiểu khu 16 phường Ngọc Châu, thực cảnh cũng thật não nề. Giữa lúc nắng nhất, tôi theo chị Mai sang nhà một người bà con để tránh nóng. Chị kể: “Nhà em và một số hộ dân khác xin được trạm thuỷ lợi cho làm tạm cái lán ở nhờ, nhưng họ không cho làm cao, chỉ lợp được vài tấm phi-brô xi-măng và căng mấy tấm vải nhựa thôi. Vài hôm nay, tầm trưa chiều nóng quá, em không thể ở nhà được, phải chạy sang nhà bà con ngồi cho mát”. Chúng tôi gặp mấy người phụ nữ ở nhà bà con chị Mai, họ cười đùa, rất vô tư như thể chẳng có chuyện gì nghiêm trọng. Họ cho tôi biết phụ nữ ở đây hầu hết thất nghiệp, nếu ai không xuôi thuyền theo chồng con thì ở lại xóm tạm cư.

Vào nhà tạm của ông Hoàng Văn Ngọc, tôi khá bất ngờ khi biết ông bà “mới chỉ có 7 đứa con”, còn những gia đình khác ở xóm chài này có chín, thậm chí mười mụn con là chuyện hết sức bình thường. Ông Ngọc trước đây cũng là một tay lặn mò sắt vụn cừ khôi, đã từng bê được cả két đạn han gỉ dưới sông lên bờ. Ông nói, địa bàn lặn của mình ngày trước trải dài từ cầu Phú Lương (sông Thái Bình) sang đến cầu Lai Vu (sông Rạng). Giờ đây sức khoẻ yếu, cá tôm, phế liệu cũng hết dần, ông đành ở nhà làm lặt vặt, nhân thể trông cháu luôn.

Theo tìm hiểu của tôi, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt dự án thành lập khu định cư trên bờ cho người làng chài. Nhưng sau vài năm triển khai mới chỉ có một nửa trong tổng số 200 hộ làng chài được chia đất. Có nhiều hộ được một suất, rồi cũng chẳng biết làm gì, xây nhà thì họ không có tiền, mà bán thì không được phép. Ngay chính như gia đình ông Ngọc cũng đã được một suất đất ở khu định cư mới, nhưng vẫn để đó vì chưa có tiền xây nhà. Ông cho biết mới chỉ có vài chục hộ xây được nhà ở khu định cư mới thôi, họ là những người khá nhất ở làng chài, nhưng cũng phải vay mượn thêm từ chỗ này, chỗ kia. Vẫn còn hơn 60 hộ sống trên thuyền đang đợi được phân đất. Nhưng dù toàn bộ các hộ làng chài có được nhận đất, thì câu hỏi “sẽ làm gì để sống về sau” vẫn treo lơ lửng trên cuộc đời của họ và con cái họ...

Hải Dương(SGTT)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện những người mò ve chai dưới đáy sông