Chuyện không tưởng ở Lạng Sơn: "Phi vụ" ưu tiên thông quan có giá 100-300 triệu đồng

15/01/2022 11:37

Hải quan Lạng Sơn khẳng định, chi phí thông quan một container hàng nông sản xuất khẩu là 820.000 đồng, trong khi công an khởi tố hành vi "đưa và nhận hối lộ" số tiền lớn không tưởng từ 100 - 300 triệu để ưu tiên lốt thông quan.

Chiều 14.1, Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng có hành vi “đưa và nhận hối lộ” để điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không theo thứ tự quy định.

Trao đổi với phóng viên sau vụ việc này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) Hứa Thị Hồng khẳng định, việc “đưa và nhận hối lộ” là hành vi xảy ra bên ngoài, không liên quan tới ngành hải quan.

Bà Hồng nói, nhiệm vụ của cơ quan hải quan là thực hiện các thủ tục thông quan theo quy định, thuần túy là việc giấy tờ, sổ sách.

Các phương tiện chuẩn bị thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị chiều 14.1

“Việc xếp số thứ tự, sau đó vượt số để ưu tiên các phương tiện được thông quan trước hay sau là việc xảy ra ngoài phạm vi cơ quan hải quan. Các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, an ninh bến bãi… đảm trách vấn đề này. Cơ quan hải quan không phụ trách hay liên quan đến lĩnh vực này”, bà Hồng khẳng định.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Hữu Nghị (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị) cho biết, một container hàng nông sản xuất khẩu có mức phí hải quan là 20 nghìn đồng/xe/lượt; phí hạ tầng cửa khẩu 800.000 đồng/phương tiện, do Trung tâm quản lý cửa khẩu thu.

Ngoài ra, lực lượng biên phòng thu phí an ninh; Công ty Xuân Cương thu phí bến bãi nếu phương tiện lưu trú trong thời gian chờ thông quan.

Các khoản phí lưu trú này được thông tin mở, có bảng giá dán công khai do Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn công bố.

Các chủ phương tiện thực hiện khai y tế trước khi đưa xe vào thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị

“Hàng nông sản 98% là tờ khai luồng xanh. Khi doanh nghiệp đẩy tờ khai lên hệ thống thông quan điện tử đã gần như xong các thủ tục rồi thì còn cần gì phải làm thủ tục với hải quan nữa. Hàng lên đến cửa khẩu từ phía Nam đưa ra, quá trình đi lại trên đường ùn ứ, ách tắc nên CSGT phải điều phối vào bãi trung chuyển", bà Hồng nói.

Bãi trung chuyển đó do Công an huyện Cao Lộc phụ trách an ninh, phân luồng, xe nào vào trước ra trước, xe vào sau ra sau, mỗi xe được phát một phiếu.

Khi ra khỏi bãi trung chuyển, lực lượng biên phòng sẽ điều phối từ khu vực ngã ba Đồng Đăng đi vào cửa khẩu.

Theo bà Hồng, chức năng của Hải quan là có hàng thì làm thủ tục, còn phương tiện đi vào hay đi ra là của các cơ quan khác điều phối.

Điểm lưu trú của xe container hàng nông sản đường dài chờ thông quan tại bãi xe Xuân Dương (huyện Cao Lộc)

Bà Hồng giải thích, nhiệm vụ duy nhất của hải quan (đối với hàng nông sản xuất khẩu sau thông quan), đó là đảm bảo hàng hóa, phương tiện đã được thông quan có đi quan cửa B1 (cửa sang bên kia biên giới) hay không và xác nhận.

"Chúng tôi rất giật mình khi thấy đưa tin “nhà luật” làm luật hàng chục triệu đồng/xe. Ngoài ra, dư luận khi nghe từ “thông quan” đều đánh đồng rằng đó là tiêu cực trong ngành hải quan, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành. Chúng tôi rất buồn”, bà Hồng nói.

“Đại lý dịch vụ khai tờ khai hải quan” là gì?

Vụ việc Công an tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố, bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến việc ưu tiên điều tiết thứ tự xe thông quan, thực hiện “dịch vụ hải quan”, đây là khái niệm khiến dư luận rất quan tâm do khiến liên tưởng đến những tiêu cực phát sinh trong quá trình khai báo, làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Hứa Thị Hồng cho biết, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 20 đại lý dịch vụ hải quan được Tổng cục Hải quan cấp phép hoạt động.

Nhóm đối tượng lợi dụng những container đã thực hiện khai hải quan nhưng hàng hóa hỏng, phải quay đầu xe để "bán lốt" thông quan cho những xe khác với giá cả trăm triệu đồng

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp không lựa chọn những đại lý này, phần vì thói quen từ trước đến nay, buôn bán hay nhờ vả mối lái, người quen. Những người đi làm tờ khai hải quan thay cho doanh nghiệp thường tự giới thiệu là “nhân viên của đại lý dịch vụ hải quan”, bà Hồng nói.

Chất lượng của các đại lý hải quan hiện nay rất thấp nên khách hàng ít dùng đến. Báo cáo cuối năm 2021, Cục hải quan Lạng Sơn vừa công bố cũng xác nhận thực trạng là chất lượng, năng lực của các đại lý rất yếu kém nên người dân, doanh nghiệp không thuê mượn.

Điều kiện để được làm đại lý dịch vụ hải quan, theo bà Hồng, đó là phải đi học lớp nghiệp vụ do Tổng cục Hải quan mở; sau đó dự kỳ thi cấp “chứng chỉ đại lý hải quan”.

3 đối tượng vừa bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ chiều 14.1

Bản chất của đại lý hải quan là dịch vụ khai hải quan. Đại lý hải quan được pháp luật công nhận như một người khai hải quan, được các doanh nghiệp thuê để làm thủ tục khai hải quan. Điều kiện hoạt động của đại lý hải quan được quy định bởi thông tư của Bộ Tài chính chứ không phải cứ muốn là mở được.

Bà Hồng cho biết, tại Lạng Sơn hiện có 20 đại lý được phép hoạt động dịch vụ khai hải quan.

Liên quan đến vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, trước tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc tăng cường kiểm soát người và phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu, đã dẫn đến tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản bị ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài.

Cuộc sống của lái xe đường dài trong những ngày nằm chờ hàng thông quan

Tại Lạng Sơn, cao điểm ùn tắc lên đến 5.000 phương tiện, khoảng 10.000 lái xe đường dài, số lượng xe được thông quan rất hạn chế (khoảng 100 xe/ngày) khiến hàng hóa bị hỏng, nhiều chủ hàng, doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế.

Lợi dụng tình hình trên, một nhóm đối tượng có hành vi đưa và nhận hối lộ nhằm điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không theo thứ tự quy định.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ ở bãi trung chuyển chờ xuất khẩu đã thông đồng tìm những xe được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu container để đưa những xe mới đến thay vào vị trí xe cũ.

Chiều 14.1, Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt tạm giam, khởi tố bị can đối với: Lâm Văn Hưởng (sinh năm 1983), Nông Tuấn Anh (sinh năm 1992), cả hai đều là số cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc, Lạng Sơn về hành vi “nhận hối lộ” và Đinh Văn Thìn (sinh năm 1978), trú tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nghề nghiệp tự do về hành vi “đưa hối lộ”.

Đội quản lý trật tự đô thị Cao Lộc được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự tại bãi trung chuyển hàng hóa Bản Liếp (huyện Cao Lộc).

Điều tra ban đầu xác định, lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, ô tô đỗ dài ngày ở các bãi kiểm hóa, đối tượng Thìn, một người chuyên “làm luật”, cò mồi xuất nhập khẩu ở biên giới đã móc nối với hai cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc đang làm nhiệm vụ phát phiếu thứ tự tại bãi trung chuyển hàng hóa Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc để thực hiện việc “bán lốt”, cho những xe được ưu tiên đi trước với giá từ 200 đến 300 triệu đồng/xe.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Chuyện không tưởng ở Lạng Sơn: "Phi vụ" ưu tiên thông quan có giá 100-300 triệu đồng