Chuyện không nhỏ

26/01/2022 21:30

Rác thải tưởng là chuyện nhỏ vậy mà không nhỏ. Một anh bạn tôi kể rằng gần 3 năm sinh sống và làm việc ở Nhật Bản, anh nhận thấy người Nhật rất chú ý đến việc phân loại rác thải tại nguồn.

Ở đây, trẻ em mới vào lớp 1 đã được dạy về việc thực hiện phân loại rác. Ngay sau bữa ăn, các em đã được các thầy cô hướng dẫn phân loại rác tái chế và không tái chế. Tại các địa điểm công cộng, người Nhật cũng đặt các thùng rác ba ngăn để đựng các loại rác dễ cháy, rác tài nguyên, rác cỡ lớn để chủ động phân loại rác. 

Trông người lại nghĩ đến ta. Từ ngày 1.1, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 có hiệu lực. Theo điều 75 của luật này thì gia đình tôi cũng như các gia đình khác phải phân loại rác trước khi đem bỏ ở nơi quy định. Nếu không sẽ bị đơn vị có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác từ chối xử lý, thậm chí còn bị phạt. Ấy vậy mà khi gia đình tôi tự phân loại rác đem để ở nơi quy định thì chính người đi thu gom lại bỏ chung vào một chỗ và họ cũng không biết có quy định này. Nhiều gia đình trong xóm tôi cũng vẫn vô tư bỏ rác lẫn lộn theo thói quen trước đây. 

Rác thải không được xử lý hiệu quả sẽ đem lại nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường ở cả thành thị và nông thôn. Nhiều nơi rác thải đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Có một thực tế đáng buồn, ở tỉnh ta cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc xử lý rác thải sinh hoạt đa phần vẫn bằng cách chôn lấp. 

Người dân muốn sống trong môi trường khỏe mạnh, an lành thì phải có biện pháp căn cơ trong xử lý rác thải sinh hoạt. Để làm được điều này thì khâu xử lý, phân loại rác ngay từ đầu nguồn đóng vai trò quan trọng. Cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Việc xử lý, phân loại rác thải rắn tại nguồn được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tất cả chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Những mô hình phân loại rác tại nguồn đã hình thành ở nhiều nơi. Hội Phụ nữ có mô hình "Nói không với rác thải nhựa, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn", Hội Nông dân với mô hình "Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình"... Dù việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn trước mắt nhưng những mô hình này rất cần được triển khai trên diện rộng.  

Để việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn hiệu quả thì trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ vậy, hoạt động này cần được triển khai đồng bộ từ thu gom, vận chuyển đến xử lý từng loại chất thải sau phân loại. Việc phân loại rác tại nguồn đã trở thành quy định thì phải sớm được triển khai đến người dân để mọi người, mọi nhà cùng thực hiện, tránh tình trạng luật đã có nhưng khó đi vào cuộc sống.  

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện không nhỏ