Người hâm mộ ai cũng biết tài năng của các cầu thủ bóng đá quê Hải Dương trong màu áo đội tuyển quốc gia. Song có nhiều câu chuyện đầy thú vị và bất ngờ về các cầu thủ này chưa được bật mí.
Đức Huy chụp ảnh cùng người thân trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Đức Huy: 8 tháng tuổi biết đi
Tiền vệ sinh ra ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) biết nói khi mới 7 tháng tuổi. Bà Trần Thị Nhâm (mẹ Đức Huy) xác nhận điều này: "Cả nhà ai cũng bất ngờ khi Huy cất tiếng gọi bố, mẹ, bà và nhiều từ khác một cách tròn vành, rõ chữ khi cháu mới được 7 tháng tuổi. Càng bất ngờ hơn khi chỉ một tháng sau đó em đã biết đi".
Gia đình tiết lộ hồi nhỏ Huy là đứa trẻ rất tinh nghịch. Ngày học lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi, cầu thủ sinh năm 1995 nhiều lần trèo tường bao trốn về nhà. Có lần cô giáo phải đưa Huy về nhà trả cho bố mẹ.
Huy nghiền chơi bóng đá từ nhỏ. Thanh thiếu niên ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng rất thích bóng đá. Bản thân Huy ngày nào cũng chơi môn thể thao vua cùng các anh, các bạn trong xóm, ngoài làng. Có những trận đấu, các anh lớn tuổi hơn không cho đá cùng nhưng Huy vẫn lao vào sân "ăn vạ" để được chơi.
Mặc dù nghịch và ham bóng đá nhưng Huy lại rất có ý thức trong học hành. Năm nào Huy cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Kể cả sau này khi được tuyển vào Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh, cầu thủ này vẫn luôn là một học sinh xuất sắc.
"Ngày con được Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội tuyển, tôi không đồng ý. Huy nằng nặc đòi đi và nói với tôi là cứ cho con đi 1 năm thôi, nếu không được thì sẽ về đi thi cho bố mẹ 2 bằng đại học", bà Nhâm kể.
Văn Thanh: Biết cấy lúa khi học lớp 3
Nhiều trẻ 9 tuổi có khi vẫn được bố mẹ chăm bẵm, quan tâm từng li từng tí một. Nhưng cũng ở độ tuổi này, hậu vệ Vũ Văn Thanh đã làm được nhiều việc giúp bố mẹ.
Thôn Gia Cốc, xã Tứ Cường (Thanh Miện) - quê của Văn Thanh là một vùng thuần nông. Tiền vệ này sinh ra trong một gia đình có 3 anh chị em, Văn Thanh là con út. So với các bạn cùng trang lứa, hoàn cảnh kinh tế gia đình Văn Thanh khi xưa khá khó khăn.
Để có tiền nuôi các con ăn học, ông Vũ Văn Hộ (bố của Văn Thanh) phải đi làm công nhân mãi tận Lạng Sơn, bà Nguyễn Thị Gái (mẹ của Văn Thanh) ở nhà lo việc đồng áng, chăm mẹ chồng và dạy bảo các con.
Thấy mẹ vất vả nên Văn Thanh phụ giúp mẹ làm nhiều việc. "Nó biết cấy từ năm học lớp 3. Mấy buổi theo mẹ ra đồng rồi thì biết cấy lúc nào không biết, mà cấy rất nhanh, đẹp, thẳng hàng lối", bà Gái nhớ lại.
Giỏi việc đồng áng, Văn Thanh hồi nhỏ còn chăm việc nhà. Bà Gái cho biết lắm hôm ngoài đồng về muộn, thóc, rơm, rạ của nhà phơi ở sân, ở đường đều đã được Văn Thanh thu gọn tinh tươm, nhà cửa sạch sẽ, cơm nước cũng đâu vào đấy. Ngay cả hồi đã gia nhập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - JMJ, cứ vào dịp nghỉ hè, Văn Thanh lại tranh thủ về giúp mẹ công việc đồng áng.
Sở thích ngày Tết
Thời gian được ở bên gia đình của các cầu thủ không nhiều. Thường họ chỉ được nghỉ Tết 3-4 ngày. Do đó, họ luôn tranh thủ tối đa thời gian này để được gần gũi người thân và làm những điều mình thích. Tiền đạo Văn Toàn cho biết về đến nhà đã 28, 29 Tết nên anh tranh thủ giúp bố mẹ dọn nhà, đi mua cây đào về trang trí nhà cửa.
Cầu thủ đang chơi trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai thích được đi chợ Tết, cảm nhận không khí, hương vị ngày Tết qua những bữa cơm đoàn tụ gia đình. "Giao thừa năm nào tôi cũng đi chùa để cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình. Tôi thực sự cảm nhận được sự thư thái, bình an khi đến chùa", Văn Toàn nói.
Là người sôi nổi, vui vẻ, hòa đồng nên sở thích của tiền vệ Đức Huy trong ngày Tết là được tham gia tất cả các hoạt động đoàn viên gia đình hoặc do xóm, thôn tổ chức.
Đức Huy chia sẻ: "Tết năm nào nhà tôi cũng đụng lợn với các bác, các chú trong gia đình. Tôi thích nhất là lúc mổ lợn, cả nhà đông vui, mỗi người một việc, chuyện trò rôm rả. Tôi cũng tham gia làm thịt lợn và gói bánh chưng cùng bố".
Vào ngày Tết, tiền vệ Vũ Văn Thanh gần như dành toàn bộ thời gian bên bố mẹ, bà và họ hàng. Bố mẹ nấu rất nhiều món ngon nhưng anh lại thích nhất món bánh đa trắng nấu với trứng do bố anh làm.
"Món đó chỉ có nước lã đun sôi lên rồi cho gia vị, trứng, bánh đa vào. Cái món này chẳng có gì đặc biệt nhưng lần nào nó về quê ăn Tết tôi cũng nấu cho vài bận", ông Hộ nói.
Còn nhớ sau chiến tích cùng đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á 2018, điều đầu tiên khi Văn Thanh về thăm nhà là đòi bố nấu cho bát mì trên.
Khi tôi hỏi vì sao lại là bát mì đó, Văn Thanh trả lời bằng một câu ngắn gọn: "Em nhớ hương vị món này lắm". Câu nói của con trai đã khiến ông Hộ xúc động nghẹn ngào.
TIẾN MẠNH