Đã bước sang sườn dốc của sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, xin được rời đội tuyển khi mới 25 tuổi.
Nụ cười của Ánh Viên trên đường đua xanh lẽ ra không tắt sớm ở cái tuổi 25
Nếu được đầu tư đúng hướng, quan tâm điều chỉnh kịp thời khi sa sút... thì bơi lội VN đã không để vuột mất một tài năng hiếm có như Ánh Viên sớm đến vậy.
Ngày 15.10, Ánh Viên vẫn tập luyện tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh sau khi viết đơn xin nghỉ tập trung đội tuyển quốc gia. Ánh Viên tha thiết xin chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, nhưng những nhà quản lý có lẽ vẫn muốn cô cống hiến để giành huy chương.
Dự án táo bạo mang tên Ánh Viên
Sau SEA Games 2011, Ánh Viên khi đó mới 15 tuổi đã được Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) xác định là tài năng hiếm có của bơi lội Việt Nam. Tổng cục TDTT phối hợp với đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Thể thao Quân đội đưa cô sang Florida (Mỹ) tập huấn dài hạn với mục tiêu sẽ đưa Ánh Viên giành HCV Asiad và tiếp cận thành tích Olympic.
Đi cùng với Ánh Viên sang Mỹ chỉ có HLV Đặng Anh Tuấn. Khó khăn là điều đã được lường trước khi ông Tuấn vừa phải huấn luyện Ánh Viên vừa phải là cha là mẹ của cô khi lo cho cô từ việc ăn ở, học văn hóa, vấn đề tâm sinh lý của một cô bé 15 tuổi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói: "Khó khăn ập đến ngay lập tức khi sang Mỹ, bởi mô hình huấn luyện ở đây khác hẳn tại VN.
Mặt khác, không phải sang đó là Ánh Viên chọn được câu lạc bộ (CLB) phù hợp ngay. Ngoài ra, do không có bằng cấp theo tiêu chuẩn Mỹ nên giai đoạn đầu Huấn luyện viên (HLV) Đặng Anh Tuấn cũng không được xuống hồ bơi để huấn luyện Ánh Viên".
Trong giai đoạn từ 2012-2019, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng Ánh Viên đã được ngành thể thao kiên trì cho ở lại Mỹ tập huấn. Kinh phí cấp cho cô năm ít thì 3 - 4 tỉ đồng, năm nhiều lên tới 7 - 8 tỉ đồng.
Gần như toàn bộ quá trình tập huấn của Ánh Viên tại Mỹ chỉ có HLV Đặng Anh Tuấn huấn luyện. Có thời điểm ông Tuấn báo cáo có thuê chuyên gia Mỹ, HLV thể lực cho Ánh Viên nhưng không nhiều.
Không dám thay HLV Đặng Anh Tuấn
Tại SEA Games 2013, Ánh Viên thi đấu 6 nội dung và giành 3 huy chương vàng (HCV); đến SEA Games 2015, cô tham dự 10 nội dung và giành 8 HCV. Thành tích của Ánh Viên được cho là phản ánh quá trình tập huấn thành công của cô tại Mỹ và làm nhiều người "hoa mắt".
Nhưng đến SEA Games 2017, Ánh Viên thi đấu sa sút, nhất là ở các nội dung sở trường 200m và 400m hỗn hợp. Dự 10 nội dung và vẫn giành 8 HCV nhưng thành tích của Ánh Viên tại SEA Games 2017 xuống thấy rõ dù cô mới 21 tuổi.
Một lãnh đạo ngành thể thao tiết lộ: "Ngay sau Olympic 2016 đã có một số ý kiến nói phải điều chỉnh quá trình tập huấn của Ánh Viên, tìm HLV khác bởi anh Tuấn đã "kịch trần". Việc đưa Ánh Viên sang Mỹ mà chỉ có anh Tuấn huấn luyện cũng không ổn bởi nếu vậy thà để ở Việt Nam cho đỡ tốn tiền.
Nhưng ở Tổng cục TDTT lúc đó cũng có nhiều bất đồng. Trong một cuộc họp, anh Đặng Anh Tuấn phát biểu xin rút lui không huấn luyện Ánh Viên để tổng cục tìm HLV khác. Do sau cuộc họp anh Tuấn không viết đơn nên tổng cục cũng không có thay đổi nào".
Bất ngờ bị trầm cảm?
Trước Asiad 2018, ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết ông Đặng Anh Tuấn báo cáo quá trình tập huấn của Ánh Viên tốt. Và cô được đoàn VN đăng ký chỉ tiêu phấn đấu có HCV. Nhưng trong lễ xuất quân của đoàn thể thao VN đến Asiad 18, ông Đặng Anh Tuấn cho biết Ánh Viên bị trầm cảm nhiều tháng phải điều trị bác sĩ tâm lý.
Thông tin của ông Tuấn không chỉ gây sốc với truyền thông mà còn với cả lãnh đạo Thể thao Quân đội và Tổng cục TDTT. Cả hai đơn vị này cho biết chưa bao giờ thấy ông Tuấn báo cáo về việc Ánh Viên bị trầm cảm. Kết cục tại Asiad 2018, Ánh Viên đã ra về tay trắng, thành tích sa sút thảm hại.
Ngay sau Asiad 2018, Ánh Viên lại được đưa đi Mỹ tập huấn. Nhiều thông tin phản ánh với Tổng cục TDTT cho biết có những thời điểm ông Tuấn bỏ bê việc huấn luyện Ánh Viên tại Mỹ để lo việc riêng khiến cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ thành tích đến tâm lý.
Lúc này tổng cục lại hô quyết tâm thay HLV cho Ánh Viên. Nhưng mãi đến đầu năm 2020, khi vướng vào vụ bê bối vay nợ không trả, ông Tuấn mới xin rời đội tuyển bơi VN và không huấn luyện Ánh Viên.
Ánh Viên đã chịu đựng đủ rồi
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam, cho biết ông mong những nhà quản lý thể thao hãy đáp ứng nguyện vọng xin rời đội tuyển của Ánh Viên khi nói: "Ánh Viên chịu đựng như vậy là đủ rồi. Giờ hãy đáp ứng nguyện vọng của Ánh viên, đó là cách làm nhân văn nhất đối với một tài năng".
Về việc Ánh Viên không thể lên đỉnh cao châu Á như mục tiêu ban đầu, ông Minh phân tích: "Với vận động viên bơi, 10 tuổi mới tập chuyên sâu như Ánh Viên là quá muộn. Quá trình tập huấn của Ánh Viên tại Mỹ có nhiều bất cập.
Mục tiêu giành HCV Asiad nhưng cứ nhìn xem tại giải vô địch quốc gia, SEA Games, Ánh Viên được đăng ký từ 10 - 20 nội dung để giành thành tích thì rõ. VĐV không thể vươn lên đỉnh cao song song với việc dành quá nhiều nguồn lực cho các giải đấu cấp thấp".
HLV, lãnh đạo ngành thể thao để cho Ánh Viên thi nhiều nội dung tại SEA Games bởi thành tích của Ánh Viên rất quan trọng với thứ hạng của đơn vị, đoàn thể thao VN tại SEA Games.
Mục tiêu của thể thao VN là đứng tốp 3 SEA Games và 25 HCV của Ánh Viên tại các kỳ SEA Games đóng góp rất lớn vào thành tích này. Đó là chưa kể đến việc giành nhiều HCV SEA Games dễ hơn rất nhiều so với có được 1 HCV Asiad.
Tập huấn trong trạng thái "bí mật" Đầu năm 2012, Tổng cục TDTT đưa một số kình ngư khác của Việt Nam đến Mỹ tập cùng Ánh Viên. Trong số này có tài năng Hoàng Quý Phước và HLV Nguyễn Tấn Quảng (Đà Nẵng). Nhưng sau khi đến Mỹ vài tuần, ông Tuấn bị "tố" làm khó thầy trò HLV Tấn Quảng, Quý Phước. Tổng cục TDTT phải đưa người sang Mỹ giải quyết mâu thuẫn giữa HLV của hai nhóm VĐV. Do mâu thuẫn không được hóa giải, Hoàng Quý Phước sau đó đã xin trở về Việt Nam. Trong suốt quá trình Ánh Viên ở Mỹ, mỗi năm Tổng cục TDTT cho người sang Mỹ kiểm tra một lần. Do đi lại tốn kém nên tất cả các thông tin về Ánh Viên chỉ được báo cáo qua giấy, điện thoại. Những lần Ánh Viên về Việt Nam cũng luôn ở trong trạng thái "bí mật". Không ai biết chính xác Ánh Viên tập luyện tại Mỹ ra sao. |
Nỗi tiếc nuối khôn nguôi Là VĐV bơi xuất sắc nhất trong lịch sử bơi lội VN, Ánh Viên đã giành 25 HCV SEA Games, 2 HCĐ Asiad, 1 HCV Olympic trẻ... Ánh Viên cũng là VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao VN với kinh phí trên 30 tỉ đồng trong giai đoạn đi tập huấn dài hạn liên tục tại Mỹ từ 2012 đến 2019. Để mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam, Ánh Viên phải hy sinh nhiều thứ như: xa gia đình từ nhỏ, chịu những áp lực rất lớn trong tập luyện và thi đấu… Dù vậy, cô cũng nhận được rất nhiều phần thưởng của Nhà nước, xã hội mà chưa VĐV nào của VN có được. Năm 2013, Bộ Tổng tham mưu đã chuyển chế độ của Ánh Viên sang quân nhân chuyên nghiệp. Hiện ở tuổi 25, Ánh Viên đã mang quân hàm thiếu tá - điều người bình thường không thể đạt được. Thể thao Việt Nam đã để vuột mất tài năng hiếm có như Ánh Viên Về tài chính, cá nhân và gia đình Ánh Viên đã thay đổi hoàn toàn từ khi cô đến với bơi lội. Từ năm 10 tuổi, sau 15 năm đóng góp cho Thể thao Quân đội, thể thao VN, cô đã nhận được nhiều tỉ đồng tiền thưởng, được thưởng nhà, đặt tên cho hồ bơi riêng… Thể thao Việt Nam may mắn vì có Ánh Viên, trân trọng Ánh Viên, nhưng điều tiếc nuối nhất là việc đã không kiểm tra, điều chỉnh đúng lúc quá trình tập huấn của Ánh Viên cũng như việc ham thành tích ở đấu trường nhỏ mà quên đi nhiệm vụ quan trọng là vươn lên tầm châu lục và thế giới. Sai lầm này đã khiến thể thao Việt Nam vuột mất một tài năng hiếm có. Ánh Viên đã không thể nâng tầm ở đấu trường châu Á và thế giới mà mãi vẫy vùng ở "ao làng" SEA Games cho đến khi muốn kết thúc sự nghiệp. |
Theo Tuổi trẻ