Chuyển đổi số được áp dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp trở thành cơ hội cho nông dân Việt Nam vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là tất yếu
Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản vủa Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển thể hiện rõ rệt trong thời gian qua, nhất là giai đoạn cả nước chống chọi với những sóng dịch COVID-19. Lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng.
Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh bán hàng hiệu quả nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn. Sàn Thương mại điện tử Postmart.vn (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) ra đời năm 2019, đã giải quyết bài toán về tiêu thụ nông sản cho nông dân cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Phó giám đốc Bưu điện Thành phố Hà Nội Bùi Văn Hoàng cho biết, Postmart.vn là giải pháp trọn gói giúp các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ quản lý đơn hàng, tiếp nhận vận chuyển, phát đơn hàng đến tay người mua và thu hộ tiền trả cho người bán. Toàn bộ những khâu bán hàng của các hộ sản xuất sẽ được bưu điện thực hiện khép kín.
Ông Hoàng cho biết, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Bà Hoàng Thị Gái (Hải Phòng) là một trong số các nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, đang có 100 ha trồng lúa, rau màu, trong đó có nhiều loại rau, củ quả xuất khẩu và đang liên kết với hàng trăm nông dân trong vùng để trồng rau sạch phục vụ xuất khẩu. Để việc liên kết đạt hiệu quả cao, bà Gái thành lập các nhóm Zalo, các tổ đội trao đổi thông tin sản xuất hàng ngày. Người nông dân một thời chỉ biết cắm mặt vào đồng ruộng khẳng định, phải biết áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất thì nông nghiệp mới phải triển được... Bà Gái cho biết, nông dân bây giờ phải có điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo mạng xã hội thì mới cập nhật được thông tin, kiến thức mới, cũng như kết nối với thị trường.
Để công cuộc chuyển đổi số của ngành nông nghiệp thành công, phụ thuộc rất lớn vào những gương nông dân Việt Nam xuất sắc. Họ chính là bộ phận lớn những người đi đầu, những người dẫn dắt để cho hàng triệu hội viên nông dân cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp.
Có thể thấy, để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân Việt Nam đã chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm. Họ đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận thị trường nhằm tối ưu hóa quy trình, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần hình thành nên những người nông dân chuyên nghiệp.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) Lê Văn Quyết khẳng định, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm thời gian cũng như nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, điều hành. Tỷ phú Lê Văn Quyết cho biết, dù đi công tác nước ngoài dài ngày nhưng vẫn có thể theo dõi, nắm bắt được các quy trình chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tình trạng sức khỏe của đàn gà ở nhà. Ngoài ra, việc chỉ đạo công nhân thông qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh đã giúp cho công việc thuận lợi hơn nhiều.
Giúp nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã từng chia sẻ, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.
Trong phát biểu chỉ đạo gần đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả rất tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao.
Cũng từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, cải tiến, chế tạo máy móc, nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc gia.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các cấp Hội Nông dân tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước…
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành "đầu tàu" dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn. Vấn đề "tri thức hóa nông dân" trong lúc này được coi là quan trọng, bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).
Tính đến nay, thu nhập bình quân của người nông dân các khu vực bình quân đã cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với năm 2010 khi chúng ta mới bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là những thành tích, kết quả rất đáng biểu dương và đầy nỗ lực, cố gắng của những người nông dân. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học xã hội chỉ ra vấn đề tồn tại là nhiều nông dân Việt Nam chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số, không nắm được những việc cần phải làm để tiến hành chuyển đổi số. Khi họ bước vào công cuộc chuyển đổi số thì đầy gian nan, thách thức mặc dù biết đây là cơ hội rất lớn để làm cuộc "đại thay đổi" cho ngành nông nghiệp cũng như các hộ sản xuất. Quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương. Chuyển đổi số sao cho hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào, dự báo về cung cầu thị trường… đang là những băn khoăn của nông dân.
Có thể nói, chuyển đổi số ngành nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số; là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chính vì vậy, người nông dân cần nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng; nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam.
Theo TTXVN