6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận, giải quyết xong 8.165 hồ sơ (chỉ tính cấp huyện, xã); thực hiện số hóa 1.990/3.239 hồ sơ; triển khai thực hiện ký số điện tử kết quả giải quyết TTHC 347/3.239 hồ sơ.
Thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã có nhiều nỗ lực, tích cực đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ công, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số.
Để nâng cao hiệu quả đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Ba Chẽ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ được xây dựng trong Kế hoạch 140/KH-UBND ngày 29/7/2021 của UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn.
Trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh công tác số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC gắn với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã tạo cơ sở hình thành dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống; thực hiện đơn giản hoá trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Các cơ quan, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản liên quan đến công tác đổi mới giải quyết TTHC trên địa bàn; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về triển khai thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số, công tác giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.
Để kịp thời nắm bắt những nội dung, quy định mới, cách làm mới, trên cơ sở đó tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, Ba Chẽ cũng tổ chức các hội nghị phân tích đánh giá kết quả các chỉ số CCHC; hội nghị tuyên truyền phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện TTHC; tập huấn kỹ năng chuyển đổi số và Bộ chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (phiên bản 1.0) cho cán bộ nòng cốt các cơ quan đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn. Phối hợp tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã về công tác số hoá hồ sơ TTHC và giải quyết trên môi trường điện tử; thành lập Tổ công tác hỗ trợ, hướng dẫn việc số hoá hồ sơ, ký số quy trình 5 bước trên môi trường điện tử tại các xã, thị trấn...
Đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số khi thực hiện dịch vụ công, Trung tâm Hành chính công huyện phối hợp với Trung tâm Kinh doanh viễn thông Quảng Ninh hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, công chức và nhân dân thực hiện cài đặt ký chữ số điện tử; hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên, người lao động, lồng ghép với tổ cài đặt định danh và xác thực điện tử mức độ 1, 2 của Công an huyện thực hiện cài đặt ứng dụng chữ ký số trên điện thoại di động cho người dân...
Huyện đã xây dựng quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thực hiện số hóa các tài liệu, quy trình giải quyết TTHC lên phần mềm ISO điện tử; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ công dân, tổ chức rút ngắn thời gian, hạn chế đi lại nhiều lần khi giải quyết TTHC.
Đơn cử như nhận thấy bộ phận đất đai là bộ phận có thủ tục phát sinh tần suất lớn, thành phần hồ sơ phức tạp, huyện đã bố trí 2 cán bộ Văn phòng đăng ký QSDĐ thực hiện tiếp nhận tại Trung tâm Hành chính công huyện.
Ngoài ra, Trung tâm Hành chính công huyện còn bố trí cán bộ hỗ trợ photo, đánh máy, in tài liệu, hướng dẫn người dân lập tài khoản công dân điện tử, tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán phí lệ phí đất đai qua Cổng dịch vụ công quốc gia để hạn chế số lần đi lại, thời gian chờ đợi của người dân khi giải quyết TTHC.
Thực hiện quy trình giải quyết TTHC 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả) hoàn toàn trên môi trường điện tử gắn với việc triển khai áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết.
6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện đã tiếp nhận, giải quyết xong 8.165 hồ sơ (chỉ tính cấp huyện, xã); thực hiện số hóa 1.990/3.239 hồ sơ; triển khai thực hiện ký số điện tử kết quả giải quyết TTHC 347/3.239 hồ sơ (áp dụng đối với những thủ tục đủ điều kiện).
Huyện đã rà soát, xây dựng lại 57 quy trình TTHC thuộc các lĩnh vực giáo dục, hộ tịch, thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh cá thể, văn hoá cơ sở, gia đình, thư viện, bảo trợ xã hội và 6 lĩnh vực thuộc Phòng NN&PTNT, cắt giảm thời gian đối với 40/57 thủ tục (giảm 253/638 ngày); thực hiện trả kết quả qua đường bưu chính công ích 261 hồ sơ.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo đánh giá của địa phương, từ thực tiễn triển khai trên địa bàn vẫn còn gặp một số vướng mắc, bất cập như các phần mềm chuyên dùng của ngành dọc chưa kết nối, tích hợp với phần mềm một cửa, nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc đôn đốc, thống kê, kiểm soát, nhiều khi còn bị động; hệ thống một cửa điện tử quá tải, hoạt động không ổn định, ảnh hưởng quá trình giải quyết TTHC... rất cần sự tiếp tục quan tâm, tháo gỡ từ các cấp, ngành.
Theo Trần Thanh (Báo Quảng Ninh)