Nỗ lực và hành động cụ thể cùng quyết tâm vượt qua thách thức đã giúp quá trình chuyển đổi số của Hải Dương đạt nhiều kết quả tích cực.
Hải Dương chủ động hợp tác cùng các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ để thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Trong ảnh: Lễ ký kết trực tuyến thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh và Tập đoàn FPT
Chuyển đổi mạnh mẽ
Từ lâu, Smart Hải Dương đã trở thành một trong những ứng dụng được chị Hoàng Hải Yến ở phố Trần Bình Trọng (TP Hải Dương) thường xuyên truy cập. “Là chủ cửa hàng kinh doanh nên việc theo dõi diễn biến dịch cũng như cập nhật quy định mới trong phòng chống dịch là điều tôi thường quan tâm. Hiện nay, tất cả điện thoại thông minh của gia đình tôi đều có ứng dụng này”, chị Yến cho biết.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Kang Seung Oh, Giám đốc Phát triển kinh doanh và tiếp thị Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam, Văn phòng Hà Nội đã biết tới Cổng thông tin đối ngoại của tỉnh Hải Dương. “Thông tin được cập nhật với nhiều nội dung đáng quan tâm đối với nhà đầu tư nước ngoài như tiềm năng phát triển, chủ trương thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích… Đối với người nước ngoài, nhất là nhà đầu tư, đây là những thông tin tham khảo quan trọng để ra quyết định đầu tư tại địa phương”, ông Kang cho biết.
Đây là những minh chứng cụ thể cho kết quả tích cực mà quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh mang lại, được chính người dân cũng như nhà đầu tư ghi nhận. Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước dần được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là lộ trình chuyển đổi sang IPv6 (giao thức IP mới nhất hiện nay với nhiều cải tiến vượt trội) đối với tất cả mạng, dịch vụ trên không gian mạng của khối cơ quan nhà nước trong tỉnh vào năm 2023, sớm hơn 2 năm so với lộ trình được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Đây là cơ sở để Hải Dương hướng tới công nghệ truyền thông di động thế hệ 5 (5G) cũng như kết nối internet vạn vật (IoT).
Cùng với đó, từ sự hỗ trợ của nhiều ngành, địa phương, Hải Dương đã lần đầu tiên tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, đáng kể nhất là quả vải Thanh Hà. Khi xu hướng mua sắm online ngày càng phổ biến, nông sản “lên sàn” đã góp phần phát triển thị trường, tạo thêm cơ hội giúp nông sản Hải Dương tiến xa tới nhiều phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của tỉnh theo chiều hướng xấu, quá trình CĐS đã diễn ra mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trong thời gian phòng chống dịch bệnh đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong triển khai ứng dụng công nghệ, như việc bảo đảm hạ tầng thông tin liên lạc, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin cho các chốt kiểm dịch, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung…
Nổi bật nhất là ứng dụng Smart Hải Dương được nhiều người dân tin tưởng, thường xuyên truy cập. Đây là kênh thông tin chính thống của tỉnh, đều đặn cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành từ các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cũng như diễn biến dịch bệnh. Ứng dụng này mới đây đã được tích hợp nhiều tiện ích để thống nhất các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch.
Những nỗ lực, hành động cụ thể đó đã giúp Hải Dương vươn lên vị trí thứ 17 trong danh sách 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) năm 2020.
Hải Dương nỗ lực thực hiện lộ trình để hướng tới công nghệ 5G cũng như kết nối internet vạn vật (IoT)
Hướng tới thành công
Nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của CĐS, đồng thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất các nội dung về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, trở thành 1 trong 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.
Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết quan trọng về xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh, gồm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh, Trung tâm Giám sát an ninh không gian mạng (SOC), hạ tầng công nghệ thông tin Trung tâm Dữ liệu của tỉnh cho chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Hải Dương cũng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức Hội nghị chuyên đề về CĐS. Đặc biệt, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT triển khai các nhiệm vụ CĐS giai đoạn 2021-2025. 9 nội dung hợp tác cụ thể hướng đến mục tiêu huy động nguồn lực của toàn tỉnh và Tập đoàn FPT nhằm đẩy mạnh CĐS, chuyển đổi tổng thể và toàn diện từ cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp, người dân về cách sống, làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số. Thông qua sự hợp tác này nhằm từng bước đưa Hải Dương sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về CĐS với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định: “Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS thông qua các phương tiện thông tin thì cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ số cũng như thúc đẩy phát triển hạ tầng số là một trong những giải pháp quan trọng”.
Các sở, ngành, địa phương cũng cần tăng cường phối hợp trong triển khai nhiệm vụ CĐS; phát hiện, đầu tư cho sáng kiến, kinh nghiệm CĐS có giá trị. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, đối tượng nòng cốt trong CĐS cần nghiên cứu, phát triển những ứng dụng, giải pháp tạo nền móng CĐS. Người dân cần tích cực, chủ động nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ. Khó có thể CĐS thành công nếu người dân thiếu kiến thức, không thể làm chủ công nghệ.
CĐS sẽ là “chìa khóa vàng” mở ra cho Hải Dương những cơ hội chưa từng có, từ nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cho đến tạo động lực tăng trưởng mới của toàn xã hội.
HÀ KIÊN