Thời gian gần đây, cùng với báo chí cả nước, báo chí Hải Dương tích cực hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số, bởi đây là xu thế tất yếu, quyết định tới sự tồn tại của các cơ quan báo chí.
Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương phát sóng đa nền tảng gồm kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet, mạng xã hội. Trong ảnh: Cán bộ kỹ thuật thực hiện phát sóng chương trình thời sự buổi tối
Bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó
Với phương châm "bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó", lãnh đạo Báo Hải Dương luôn quan tâm chỉ đạo ưu tiên phát triển báo điện tử song hành với báo in, nâng cao chất lượng tin bài theo hướng nhanh, đúng, trúng, hay. Bên cạnh sự năng động, tích cực học hỏi để chuyển mình của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, báo đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và phát triển các sản phẩm báo chí mới để phục vụ bạn đọc mọi lúc, mọi nơi. Từ năm 2023, báo đẩy mạnh phát triển chuyên mục Podcast (tệp âm thanh kỹ thuật số) trên báo điện tử với 5 tiểu mục Điểm tin, Thời sự, Đời sống - Giải trí, Văn nghệ, Check in Hải Dương giúp thính giả dễ dàng nghe và thưởng thức các sản phẩm hoặc vừa nghe vừa làm một công việc khác.
Anh Nguyễn Gia Hiệp, một thính giả quen thuộc của báo Hải Dương cho biết: "Mỗi chiều chủ nhật trên đường lái xe ô tô từ TP Hải Dương về quê ở Gia Lộc, tôi thường mở nghe truyện ngắn trong mục Podcast của báo điện tử Hải Dương. Những câu chuyện xúc động hay lôi cuốn giúp quãng đường di chuyển của tôi như gần lại".
Các sản phẩm báo chí mới của Báo Hải Dương không chỉ giúp bạn đọc tiếp cận thông tin dễ dàng mà còn tích hợp đa phương tiện, trực quan, sinh động, tính thẩm mỹ cao. Tác phẩm Emagazine mới ra lò "Mùa cáy" của phóng viên Tiến Mạnh cùng nhiều tác phẩm khác đã hội tụ được các tiêu chí này và được đông đảo bạn đọc đón nhận. "Để bạn đọc hiểu về con cáy và quy trình khai thác, thu hoạch cáy, tôi đã trực tiếp trải nghiệm thực tế và phối hợp các đồng nghiệp quay phim, chụp ảnh, làm đồ họa, hậu kỳ. Thể loại Emagazine có đủ công cụ giúp chúng tôi thể hiện, dàn dựng nên một tác phẩm ưng ý", phóng viên Tiến Mạnh nói.
Song song với nâng cao chất lượng nội dung, báo điện tử Hải Dương quan tâm xây dựng các bài viết chuẩn SEO (từ khóa). Nhiều phóng viên đã dần ý thức viết bài theo chuẩn này, xác định từ khóa đúng, trúng, đưa từ khóa vào tít, sapo, phụ đề ảnh, bảo đảm 10 tiêu chí SEO tốt giúp hệ thống quét của các trang tìm kiếm, đánh giá xếp hạng, dễ nhận dạng, xếp loại.
Phương thức tiếp cận thông tin của bạn đọc, khán thính giả đã có nhiều thay đổi, theo những xu hướng mới và hiện đại, do vậy Báo Hải Dương đã chia sẻ rộng rãi các nội dung của báo điện tử trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube. Nhiều nội dung chưa thành tin đã được đẩy lên fanpage trước để tiếp cận nhanh với bạn đọc. "Không nhiều báo Đảng địa phương có tích xanh như fanpage của Báo Hải Dương, thông tin trên fanpage rất nhanh, tin cậy, nhiều nội dung đăng lên fanpage hấp dẫn. Mỗi khi có thông tin mới, chưa được kiểm chứng từ các nguồn khác nhau, tôi đều vào fanpage của báo hoặc báo điện tử Hải Dương để xác minh lại thông tin đó có đúng hay không", anh Vũ Nguyên Đăng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hải Dương nói.
Báo Hải Dương cũng tăng cường nhận diện ấn phẩm báo điện tử, các nền tảng mạng xã hội bằng việc in mã QR, đường link truy cập trên trang nhất và đầu các trang của báo in. Việc phát hành báo giấy dưới dạng PDF trên báo điện tử cũng thuận tiện cho bạn đọc trong việc tiếp cận, lưu trữ thông tin.
Anh Vũ Nguyên Đăng, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hải Dương nhận xét báo điện tử Hải Dương có giao diện khá đẹp, dễ xem, tích hợp nhiều thể loại báo chí mới và có nhiều tin, bài hay, chất lượng
Nâng cao năng lực sản xuất
Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương xác định chuyển đổi số là một trong những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng sản xuất và phát sóng các chương trình, bản tin thời sự. Ứng dụng công nghệ hiện đại, đổi mới hình thức thể hiện, tăng tính hấp dẫn của các chương trình; khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống lưu trữ file video.
Ông Phạm Tiến Bình, Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương cho biết hiện mỗi ngày đài phát sóng truyền hình 18 tiếng, phát sóng phát thanh 12 tiếng với tổng số gần 90 chuyên mục truyền hình và gần 70 chuyên mục phát thanh. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số, thời gian sản xuất một tác phẩm truyền hình được rút ngắn, năng lực sản xuất được nâng lên.
Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương đang thực hiện truyền dẫn phát sóng đa nền tảng gồm kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet, mạng xã hội. Chất lượng phát sóng trên một số hạ tầng truyền dẫn như kỹ thuật số mặt đất VTV khu vực đồng bằng sông Hồng, cáp Hải Dương, VTV cab HD, app TV360 đã được nâng lên đạt tiêu chuẩn HD. Việc trang bị máy móc hiện đại, internet cáp quang tốc độ cao giúp các buổi livestream, truyền hình trực tuyến các chương trình thời sự, sự kiện lớn của tỉnh trên trang fanpage, YouTube của đài đạt chất lượng cao, hình ảnh sắc nét.
Đài Phát thanh cấp huyện cũng quan tâm ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đài huyện và đài các xã, phường, thị trấn thường xuyên trao đổi thông tin chỉ đạo qua nhóm Zalo. Một số phóng viên như Quang Tiệp (Đài Phát thanh huyện Gia Lộc), Tuấn Sỹ (Đài Phát thanh huyện Cẩm Giàng)... sử dụng máy quay 4K, máy ảnh hiện đại, micro không dây, flycam và máy thu âm chuyên dụng để tác nghiệp, tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao.
Thực hiện các mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi số báo chí vừa được Chính phủ phê duyệt, Báo Hải Dương sẽ phát triển báo điện tử làm trung tâm, tập trung đẩy nhanh tiến độ ứng dụng hệ thống phần mềm dùng chung, tòa soạn hội tụ, phát triển báo chí đa phương tiện, số hóa dữ liệu Báo Hải Dương. Đài Phát thanh-Truyền hình Hải Dương sẽ chú trọng đưa nội dung lên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo. Khi đó, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) sẽ đóng vai trò là nhà quản trị, còn đài tỉnh sẽ biên tập, sản xuất nội dung đẩy lên nền tảng VTVgo để đông đảo bạn đọc có thể tiếp cận, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí xây dựng, quảng bá kênh truyền hình.
VĂN NGHIỆP