Tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2019, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định: “Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp số sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số”.
>> Bài 1: Cơ hội và thách thức
Do vậy, mục tiêu của Việt Nam là phải phát triển được 100.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các doanh nghiệp này sẽ tập trung làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển số của toàn Việt Nam.
Liên minh xây dựng quốc gia số
Hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công, tháng 8.2019, Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đã chính thức ra đời. Ở giai đoạn đầu tiên, Liên minh chuyển đổi số quốc gia là sự cam kết bắt tay đầu tư hạ tầng và platform chuyển đổi số (nền tảng công nghệ số có sẵn) của 8 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông (Viettel, VNPT, FPT, MoibiFone, CMC, BKAV, VNG và MISA).
Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam Lê Đăng Dũng cho biết: Liên minh Chuyển đổi số ra đời bước đầu dựa trên cơ sở tập hợp của những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam có sứ mệnh truyền cảm hứng trong toàn thể xã hội về chuyển đổi số. Các doanh nghiệp “anh cả” này sẽ chủ động thực hiện chuyển đổi số và tạo ra nền tảng, hạ tầng, dịch vụ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội cùng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số. Sau đó, Liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng góp sức vào công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam. Mục tiêu của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam là hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp thúc đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, có 3 nguyên tắc quan trọng để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đầu tiên là đảm bảo tính tương thích liên thông, bởi vì khi chuyển đổi số, Việt Nam sẽ xây dựng rất nhiều nền tảng số, hệ thống thông tin và việc chia sẻ dữ liệu là yêu cầu tất yếu. Nguyên tắc thứ hai là mặc định số. Tức là mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp luôn luôn phải đặt ra cho mình câu hỏi tại sao hoạt động này chưa được số hóa bởi số hóa cần áp dụng cho toàn bộ quá trình chứ không phải từng công đoạn. Nguyên tắc thứ ba là phải đảm bảo an toàn an ninh mạng liên thông, bởi khi kết nối rồi, một đơn vị mất an toàn an ninh sẽ dễ dàng lây lan sang các đơn vị khác.
Để chuyển đổi số thành công, cần sự quyết tâm của Chính phủ, sự định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự ủng hộ của các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Các đơn vị gia nhập Liên minh chuyển đổi số Việt Nam cam kết chung tay giải quyết các vấn đề hiện có, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công ở từng đơn vị và lan rộng toàn xã hội.
Phát triển nền tảng công nghệ
Năm 2019, Việt Nam tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Theo đó, xây dựng các yếu tố nền tảng công nghệ số (platform) là cốt lõi để công cuộc chuyển đổi số thành công. Trong Liên minh chuyển đổi số Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần phải đi đầu, tập trung đầu tư hạ tầng, công nghệ và xây dựng platform để cung cấp cho doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số.
Hiện nay, Tập đoàn FPT đặt mục tiêu giảm 30 - 50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp bằng nền tảng và sản phẩm số toàn diện. FPT cũng dự định sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao và chuyển giao phương pháp luận số hóa.
Sau 3 năm nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT đã chia sẻ: Các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng phương pháp luận đặc thù. Khi có được phương pháp luận rồi các đơn vị bắt đầu đầu tư xây dựng các nền tảng thiết yếu để phục vụ quá trình chuyển đổi. Cuối cùng là tập trung tìm kiếm, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số để thực hiện thành công việc chuyển đổi số.
Hiện nay, việc cung cấp hạ tầng và nền tảng công nghệ đã được nhiều doanh nghiệp trong Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam đầu tư và vận hành, nhưng quan trọng hơn là cần sự kết nối đồng bộ giữa các hạ tầng, nền tảng công nghệ này.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC nhấn mạnh: Các công ty công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ nền tảng cần tạo ra các sản phẩm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhanh chóng tiếp cận thành quả của nền kinh tế số với mức chi phí nhỏ nhất, thời gian ngắn nhất và mức độ an toàn cao nhất. Ngoài ra, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số bằng việc xây dựng nền tảng cho từng ngành, từng lĩnh vực. Chuyển đổi số muốn thành công ở quy mô rộng là phải tạo nên nền tảng mà bất cứ đối tượng nào cũng có thể sử dụng, kết nối một cách dễ dàng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Viễn thông Mobifone cho biết: Để thành công, các đơn vị cần cung cấp một nền tảng platform cho tất cả người sử dụng. Các nhà mạng cung cấp hạ tầng về kết nối, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ khác, chuyển từ dịch vụ kết nối viễn thông sang kết nối với các thiết bị, dịch vụ công nghệ thông tin như kết nối hệ thống chính phủ điện tử, kết nối với các dịch vụ khác về an ninh, năng lượng, chăm sóc y tế tại gia đình doanh nghiệp...”.
Ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT chia sẻ: VNPT thực hiện việc chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số từ năm 2014. Đến nay, ngoài việc cung cấp hạ tầng viễn thông, VNPT sẽ đi theo hướng là cung cấp hệ sinh thái. Những hệ sinh thái thiết yếu cần được đầu tư như giáo dục, y tế, du lịch nông nghiệp, tài nguyên môi trường…
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ thông tin. Thứ nhất là doanh nghiệp công nghệ lớn (khoảng 10 - 20 doanh nghiệp) là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Thứ hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có từ 10 - 20 năm kinh nghiệm, đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng (platform) chuyển đổi số. Tiếp đến là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cuối cùng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Để có được thứ hạng cao trên thế giới, mục tiêu là nhóm 50 vào năm 2025 và nhóm 30 vào năm 2030, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cần tập trung vào 5 yếu tố nền tảng gồm: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, nền tảng số có sẵn (platform) và đào tạo nhân lực. Áp dụng nền tảng số có sẵn (platform) là cách nhanh nhất để chuyển đổi số ở Việt Nam được triển khai toàn xã hội và xã hội trở thành xã hội số với các kết nối số.
Với sự quyết tâm của chính phủ, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và sự đồng thuận của người dân, hi vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ xây dựng được một nền tảng số platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp, cùng chia sẻ thông tin, lợi thế, thúc đẩy mọi yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội cùng phát triển trong môi trường số.
Theo TTXVN
Bài cuối: Chìa khóa phát triển kinh tế số