Chuyển dịch cơ cấu cây trồng rừng sản xuất

09/03/2010 06:23

Do nhu cầu đất đai phát triển đô thị tăng nhanh nên diện tích rừng giảm đáng kể. Đặc biệt, người nhận khoán rừng sản xuất đã loại bỏ dần cây vải, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang nặng tính tự phát.


Mít siêu sớm được trồng trên rừng sản xuất tại xã Bắc An (Chí Linh)
Do nhu cầu đất đai phục vụ xây dựng đô thị, công nghiệp và thương mại dịch vụ, tăng nhanh nên diện tích rừng của tỉnh giảm đáng kể. Đến nay, rừng đặc dụng còn 1.540,3 ha; rừng phòng hộ 4.718,4 ha và rừng sản xuất 4.371,3 ha. Đáng quan tâm là từ năm 2002 đến nay, do cây vải hiệu quả thấp, người nhận khoán rừng sản xuất đã loại bỏ dần loại cây này chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang nặng tính tự phát.

Trong bối cảnh ấy, năm 2007, tỉnh ta đã phê duyệt 2 dự án lớn, chiếm hơn 84,6% diện tích rừng sản xuất đã được quy hoạch, nhằm vào mục tiêu vừa đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu rừng sản xuất, vừa tăng thêm hiệu quả đa dạng sinh thái rừng. Đó là dự án trồng 1.200 ha gỗ sưa tại 2 xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) do HTX Mộc xẻ và Xây dựng dân dụng Nguyệt Hậu ở thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) làm chủ đầu tư và dự án trồng 2.500 ha keo thuộc các xã có rừng ở cả 2 huyện Chí Linh và Kinh Môn, do Công ty Mai Thành (Ninh Giang) làm chủ đầu tư. Sau một thời gian triển khai dự án, đến hết năm 2009, cả 2 đơn vị trên đã thực hiện trồng mới được khoảng gần 500 ha. Trong đó trồng được khoảng 200 ha cây sưa, còn lại là diện tích trồng keo. Tuy tiến độ thực hiện dự án bước đầu được bảo đảm, song lại phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm.

Trước hết là những vấn đề nảy sinh từ thực hiện dự án trồng gỗ sưa. HTX Mộc xẻ và Xây dựng dân dụng Nguyệt Hậu chưa tính toán kỹ lưỡng, thiếu thiết kế và bỏ qua những giải pháp căn bản nhất về phòng, chống cháy rừng. Như vậy, khi thực hiện dự án, sẽ vi phạm một số quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Thế nhưng đến thời điểm này, HTX vẫn chưa liên hệ với lực lượng kiểm lâm tỉnh, hoặc nhờ tư vấn kỹ thuật sửa chữa những thiếu sót. Mặc dù chưa để xảy ra cháy lớn từ loại bỏ vải sang trồng sưa, buộc phải huy động lực lượng lớn để dập lửa nhưng trên diện tích này đã xảy ra nhiều điểm cháy nhỏ. Mặt khác, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc trồng sưa, chưa có những nỗ lực vận động, khuyến cáo, hoặc hỗ trợ về kỹ thuật cũng như vốn, giúp người nhận khoán rừng trồng xen keo, bạch đàn, cây dược liệu... theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” như phê duyệt trong dự án. Bởi vậy, tiềm năng đất đai rừng sản xuất đang bị lãng phí. Nếu chậm thực hiện trồng xen các loại cây trên thì vừa tốn công xử lý cỏ dại, dễ gây cháy rừng khi đốt cỏ. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, trong những năm đầu, cây gỗ sưa phát triển khá nhanh, thân vươn cao, nếu không có cây trồng xen che chắn thì rất dễ bị gãy, đổ khi có gió lớn.

Đối với dự án trồng keo, nhiều người nhận khoán rừng sản xuất vẫn lưỡng lự trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Công ty Mai Thành dù rất quyết tâm trong việc cử nhân viên đi cơ sở, tốn kém khá nhiều chi phí để vận động người nhận khoán rừng chuyển sang trồng keo nhưng nhận thức của người dân vẫn rất chậm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì Công ty Mai Thành rất khó bảo đảm tiến độ thực hiện dự án. Được biết cây keo rất phù hợp với thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu nơi đất rừng sản xuất của tỉnh, cho nên từ khi trồng đến khi khai thác chỉ mất 5 năm. Không những thế, đây là loại gỗ cần cho phát triển ngành sản xuất giấy, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Bên cạnh đó, cây keo còn là cây tham gia phòng hộ, làm trong lành môi trường, góp phần quan trọng vào ứng phó với biến đổi khí hậu. Người nhận khoán rừng không chuyển mạnh sang trồng keo thì không những làm khó cho doanh nghiệp mà còn tự làm mất đi nguồn thu nhập lớn từ trồng loại cây này.

Đối với diện tích ngoài vùng dự án trên, việc chuyển đổi cây trồng vẫn đang diễn ra tự phát. Đáng quan tâm, người nhận khoán rừng sản xuất đang bị lúng túng trong việc chọn cây trồng có giá trị kinh tế cao. Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Hải Dương, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học - kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đã ươm, nhân thành công nhiều giống chè chất lượng cao và có khá nhiều người tham gia nhân giống các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu rừng sản xuất như mít ruột đỏ, mít siêu sớm có nguồn gốc từ nước ngoài; đào quả lớn, không có lông, thơm ngon; mận đỏ, mận trắng quả to, chất lượng, năng suất cao... Nhưng đến nay vẫn chưa được nhiềungười trồng rừng sản xuất biết đến. Đáng lo hơn cả, là do chuyển đổi tự phát, nhiều người đã chọn các loại cây như đại táo, hồng xiêm, xoài, ổi không hạt... là những loại cây vốn chỉ phù hợp với đất đai vùng đồng bằng, nếu trồng trên đồi sẽ phát triển chậm, lâu cho trái, quả vừa không chất lượng.

Để chuyển dịch cơ cấu rừng sản xuất phát huy hiệu quả, đề nghị các chủ đầu tư dự án sớm khắc phục ngay những thiếu sót nêu trên; 2 huyện Chí Linh, Kinh Môn cần quan tâm chỉ đạo UBND các xã có rừng phối hợp tốt với chủ đầu tư dự án, tích cực tháo gỡ khó khăn, vận động người nhận khoán rừng sản xuất thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh; các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến cáo việc chọn cây trồng phù hợp, chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây trồng cho người nhận khoán rừng. Các cơ quan chức năng cần tăng cường việc kiểm tra, kiên quyết xử lý những đơn vị, cá nhân tiêu thụ cấy giống kém chất lượng gây thua thiệt cho các chủ rừng.

CÔNG ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyển dịch cơ cấu cây trồng rừng sản xuất